Vì sao nòng súng lại có rãnh xoắn?

Anh em nào đi bộ đội hay học quân sự mà tò mò nhìn vào nòng súng thì đều sẽ thấy rằng chúng luôn có hoa văn xoắn ốc cực đều bên trong.

Súng trường tấn công, súng máy, súng lục, súng bắn tỉa… hay thậm chí cả pháo, lựu pháo, pháo cao xạ, pháo hàng không, pháo xe tăng… cũng đều có các hoa văn xoắn ốc này. Tại sao vậy nhỉ?

Không phải chỉ cho đẹp đâu nha (mặc dù nó đẹp thật), cũng không chỉ là để tăng độ chính xác, nó có nhiều công dụng lắm đấy!

Anh em có từng chơi cái bông vụ, đánh cù chưa? Nếu chơi rồi thì anh em hình dung được một nửa rồi đấy. Một con quay khi nào vẫn còn quay đủ nhanh thì nó sẽ còn đứng vững trên mặt đất. Khi nào viên đạn vẫn còn quay thì nó sẽ còn bay thẳng

Vì sao nòng súng lại có rãnh xoắn? - Ảnh 1.

Ngày xưa thì dù là đạn pháo hay đạn súng trường thì chúng cũng chỉ là những quả cầu sắt mà thôi. Sở dĩ người ta làm đạn hình cầu là vì chưa có đủ công nghệ để kiểm soát được sự xoay tròn của viên đạn, đạn bắn ra xoay làm sao thì cũng kệ cụ nó luôn, bắn được là được . Tuy nhiên sau những quả cầu này lại không thể đạt được vận tốc quá cao do khó rẽ khí (hiệu suất khí động học thấp) và độ chính xác không cao. Trong khi tìm cách để tăng sức xuyên phá cho súng, người ta đã tìm cách làm một viên đạn đối xứng tỏa tròn và một dạng nòng súng có thể giúp viên đạn giữ được chiều của nó khi rời nòng. Đó chính là loại đầu đạn ngày nay, đi kèm với nó là nòng súng có các rãnh xoắn gọi là khương tuyến bên trong.

Vì sao nòng súng lại có rãnh xoắn? - Ảnh 2.

Về nguyên lý khi đầu đạn đi trong nòng súng, nó sẽ bị các rãnh khương tuyến cắt vào và định hướng viên đạn xoay theo chiều xoắn của nó. Điều này sẽ giúp viên đạn đạt tốc độ xoay cực kỳ khủng khiếp, từ vài trăm đến vài nghìn vòng mỗi giây, giúp nó có động lượng quay rất lớn, và chính cái là động lượng quay này sẽ giữ cho chiều của viên đạn song song với hướng bắn.

Tuy nhiên trên thực tế thì cũng không có viên đạn nào bay thẳng được cả (trừ khi nó bay trong môi trường không trọng lực), đạn sẽ luôn có độ rơi nhất định theo trọng lực và cũng bị ảnh hưởng bởi sức gió, khương tuyến chỉ giúp đường đạn ổn định hơn mà thôi. Các xạ thủ bắn tỉa và sĩ quan pháo binh sẽ cần phải tính toán khá nhiều thứ khi tấn công mục tiêu tầm xa. Ngoài ra thì mỗi nòng súng sẽ có một kiểu khương tuyến khác nhau, vết hằn trên đầu đạn cũng sẽ vì thế mà khác nhau. Người ta cũng có thể dựa vào dấu vết này để phán đoán được loại súng nào đã bắn ra một đầu đạn, kể cả khi nó đã bị vỡ hoặc là loại đạn được chế tác đặc biệt.

Vì sao nòng súng lại có rãnh xoắn? - Ảnh 3.
Vì sao nòng súng lại có rãnh xoắn? - Ảnh 4.

Khương tuyến chính là một trong những phát minh quan trọng nhất trong lịch sử vũ khí quân sự. Nhờ có nó mà độ chính xác, tốc độ, sức xuyên phá và tầm bắn hiệu quả của một viên đạn đã tăng lên rất nhiều so với viên đạn hình cầu cổ điển.

Hầu hết các loại súng hiện đại đều có các rãnh khương tuyến trong nòng súng để giúp ổn định đường đạn. Tuy nhiên vẫn có một số ngoại lệ sử dụng nòng trơn, điển hình là pháo chính các loại xe tăng hiện đại. Chúng được thiết kế như vậy là để để giảm ma sát, tăng sơ tốc đạn (tốc độ của viên đạn khi rời nòng) đến mức cao nhất có thể để viên đạn có sức xuyên phá tốt hơn. Bù lại thì các loại đạn này sẽ có cánh đuôi như một quả tên lửa để ổn định đường đạn.