Năm 2014, trang web thống kê FiveThirtyEight từng kết luận rằng, có đến 72,5% cú sút penalty trong lịch sử World Cup đã thành công. Một tỷ lệ rất cao!
Nhưng vì sao penalty lại khó bắt đến thế?
Theo ước tính, tốc độ bay của mỗi quả bóng được sút ra lên tới 113 km/h. Vậy nên chỉ khi bóng cách thủ môn khoảng 7,6 m thì họ mới biết được quả bóng đang ở hướng nào. Nhưng thủ môn sẽ cần tiếp từ 0,5 đến 0,7 giây (bằng thời gian của 1 cái nháy mắt) để phản hồi và vươn tới quả bóng.
Chỉ cần nhận định sai lệch hoặc phản ứng chậm một tích tắc thì không thể cứu vãn nữa. Có thể nói, bắt bóng penalty chính là việc "được ăn cả, ngã về không"! Vậy nên, để bắt được penalty thì tốc độ và sự linh hoạt thôi chưa đủ. Mà ngay trước cú sút, thủ môn phải đoán được hướng bóng và chỉ tập trung vào hướng đó.
Cách thức như thế trong kinh tế học được gọi là lí thuyết trò chơi (game theory). Đây là một chiến lược quen thuộc của kinh doanh, khi mà kết quả của 1 tình huống phụ thuộc nhiều vào việc phán đoán đối thủ hơn là sự thể hiện của bản thân. Ví dụ như trường hợp bắt penalty này, nhất định thủ môn phải đoán đúng hướng bóng của đối thủ thì mới tăng cao cơ hội cản phá.
Ngày nay, bắt penalty đã không còn là trò chơi may rủi
Nhà kinh tế học Ignacio Palacios-Huerta từ Trường Kinh tế London từng nghiên cứu 11.000 cú sút penalty. Và kết quả của việc nghiên cứu gần như đã được áp dụng thành công tại trận chung kết cúp C1 châu Âu/Champions League năm 2008. Tại trận đó, Manchester United đối đầu với Chelsea và phải kết thúc bằng loạt sút luân lưu.
Dựa vào khảo sát của mình, giáo sư Huerta tiết lộ cho thủ môn của Chelsea về thói quen sút penalty của Cristiano Ronaldo. Ông Huerta cho rằng, nếu Ronaldo dừng lại một chút trước chấm luân lưu, thì sau đó rất có thể anh sẽ sút vào bên phải khung thành.
Cút sút hỏng penalty của CR7 năm 2008
Điều đó hóa ra đã đúng. Thủ môn Chelsea cản phá thành công Ronaldo (dù chiến thắng chung cuộc vẫn nghiêng về Manchester United).
Bản thân Huerta cũng đang giúp sức cho 1 đội tuyển tại World Cup năm nay dù ông không tiết lộ đó là đội tuyển nào. Nhưng ông đã đánh tiếng về một vài cầu thủ như sau.
Ví dụ Neymar của Brazil hầu như nhắm sút penalty vào giữa khung thành hoặc bên phải thủ môn, có thể do cách chạy đà ngập ngừng đặc trưng khiến anh khó sút vào bên trái.
Một cú sút penalty thành công của Neymar năm 2016
Một trường hợp khác, thủ môn Thibaut Courtois của Bỉ lại thường chọn cách bảo vệ phía bên phải của mình. Vì vậy, cầu thủ đối phương sẽ có nhiều cơ hội hơn nếu sút vào bên trái của anh.
Qua những ví dụ trên, phần nào bạn đã thấy cách dùng số liệu để gia tăng cơ hội thành công khi đá/cản phá penalty rồi đấy.
Tờ Aljazeera viết rằng, khoảng 4 năm trở lại đây, sút penalty không hoàn toàn do vận may quyết định nữa. Lí do là vì các câu lạc bộ châu Âu đã sẵn sàng bỏ ra hàng trăm ngàn đô la thuê các chuyên gia phân tích số liệu, để từ đó đề ra chiến lược phù hợp.
Một bảng phân tích sút penalty của Opta. Màu xanh thể hiện những vị trí bóng được sút vào lưới, màu cam là bị thủ môn cản phá, và màu đỏ - bóng dội xà.
Theo ông Huerta tiết lộ, riêng chi phí để truy cập vào kho dữ liệu của Opta (một trung tâm cung cấp các dữ liệu về thể thao) đã lên đến 400.000 USD trong vòng 3 tháng (tương đương 3 tỉ đồng/tháng).
Quả thật, ngày nay penalty đã không còn là trò may rủi nữa, mà khoa học dữ liệu đã vào cuộc dù vẫn rất đắt đỏ. Liệu điều này sẽ dấy lên những tranh cãi mới trong tương lai?