“Phim Việt không phải dưa hấu mà kêu gọi giải cứu”

Đó là chia sẻ của đạo diễn, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh trong buổi họp báo "Thúc đẩy điện ảnh Việt Nam hậu Covid-19" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cụm rạp ở TP.HCM vừa tổ chức buổi họp báo "Thúc đẩy điện ảnh Việt Nam hậu Covid-19". Tại sự kiện, các nhà làm phim, phát hành nhận định điện ảnh năm 2020 phải đối diện với nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo đó, nhiều bộ phim dời lịch chiếu, thậm chí không thể sản xuất.

Chương trình còn ghi nhận đóng góp của những cá nhân để làm nên một bộ phim, đồng thời, tìm giải pháp khôi phục thị trường, kích cầu điện ảnh Việt, đa dạng nội dung phim chiếu rạp, tìm hướng đi mới trong công tác phát hành phim, kích thích thói quen xem phim của khán giả và đưa ra các giải pháp thu hút người hâm mộ trở lại sau thời gian nghỉ dịch.

“Phim Việt không phải dưa hấu mà kêu gọi giải cứu” - 1

Theo đại diện các nhà phát hành, trong khó khăn vẫn có nhiều cơ hội cho phim Việt. Họ khuyến khích các nhà làm phim Việt nên tận dụng thời điểm chưa có phim Hollywood ra mắt để công chiếu, chinh phục khán giả.

Thực tế, điện ảnh Việt Nam trong 5 năm trở lại đây có những bước phát triển vượt bậc về chất và lượng qua từng năm, với tốc độ tăng trưởng toàn thị trường từ 20 - 25%. Nhiều phim Việt gia nhập vào câu lạc bộ những phim có doanh thu trăm tỷ. Thực tế cho thấy, những tác phẩm điện ảnh được đầu tư xứng đáng về mặt nội dung và chất lượng sẽ được khán giả đón nhận. Hơn nữa, chưa bao giờ chúng ta được chứng kiến nhiều phim Việt đạt giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế và được phát hành ở nước ngoài nhiều trong những năm qua.

Tại chương trình, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tâm huyết: "Cuối cùng, điều có thể kéo khán giả đến rạp xem phim vẫn phải là những bộ phim hay, những bộ phim khiến khán giả được vui, buồn, được cười và khóc, được cảm nhận tình yêu, hay nỗi sợ hãi, được hét lên, hay được ôm chầm lấy ai đó. Những nhà làm phim như chúng tôi vẫn đang và sẽ tiếp tục tạo nên những bộ phim chất lượng đem đến cho khán giả những trải nghiệm đáng nhớ đó, cho dù có dịch bệnh hay không”.

Phan Gia Nhật Linh nói thêm: "Các nhà phát hành cần có khảo sát xã hội học, hỏi khán giả vì sao ít đến rạp phim so với trước. Từ đó, chúng ta mới giải quyết triệt để vấn đề. Chúng ta cũng không thể kể sản xuất phim khổ thế nào. Khán giả không quan tâm điều đó. Đừng xem phim ảnh như dưa hấu mà kêu gọi giải cứu".

“Phim Việt không phải dưa hấu mà kêu gọi giải cứu” - 2

Đạo diễn, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh đưa ra nhiều ý kiến thẳng thắn

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành của CJ CGV cho biết năm 2018, các cụm rạp có doanh thu 2.253 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên là 4.148 tỷ đồng. Ông dự đoán với tốc độ phát triển, điện ảnh Việt có thể đạt 120 triệu lượt xem trong năm 2024.

Nếu như các nhà phát hành đều có cái nhìn lạc quan thì các nhà sản xuất lại tỏ ra lo ngại về thị trường phim ảnh hậu Covid-19. Có mặt tại buổi họp báo, Lý Hải cho biết bộ phim “Lật mặt 5” do đạo diễn, sản xuất phải dời lịch chiếu từ 30.4 đến Tết Nguyên Đán 2021. Việc di dời này theo Lý Hải sẽ khiến số tiền đầu tư tăng lên.

Bình thường, một bộ phim phải đầu tư 4-5 tỷ đồng cho kế hoạch PR. Và tôi đã mất 1/3 số tiền PR vì phim dời lịch. Tiếp đó, nếu phim ra mắt vào dịp Tết, tôi ước tính số tiền dành cho PR phải tăng nhiều, lên 6-8 tỷ đồng mới đủ sức để kéo khán giả tới rạp", Lý Hải cho hay.

Lý Hải thẳng thắn cho rằng, các cụm rạp đưa ra các tiêu chí giúp điện ảnh vực dậy hậu Covid nhưng vẫn mơ hồ, chung chung.

“Phim Việt không phải dưa hấu mà kêu gọi giải cứu” - 3

Vợ chồng Lý Hải – Minh Hà

"Tác động của dịch bệnh vẫn rất lớn, tới nhiều ngành nghề trong cuộc sống, không riêng điện ảnh. Trước đây, khán giả có thể ra rạp 5 lần/tháng, bây giờ có khi chỉ 2-3 lần do kinh tế khó khăn, phải thắt chặt chi tiêu. Mọi người đều sống trong tâm thế lo lắng, không biết dịch có trở lại không. Thực tế, giải trí luôn xếp sau các nhu cầu thiết yếu như ăn, mặc", Lý Hải chia sẻ thêm.