“Truyền thuyết về Quán Tiên” – khi tiên nữ đồng cảm với một ông… khỉ!

Trước hết, nếu bạn là cô gái mới 21 tuổi lần đầu kết hôn với người mình yêu, nhưng mới tận hưởng cảm giác vợ chồng đúng 3 ngày thì phải chia tay để chồng bạn "ra đi đền nợ nước" và mặc dù có hẹn ngày đoàn tụ nhưng chẳng biết đến bao giờ vì cái "ngày đoàn tụ" quá ư mờ mịt, thì điều gì xảy ra?

Bạn sẽ nhớ điều gì nhất về người chồng yêu thương mới được 3 ngày đó?

Có lẽ bạn sẽ kể với tôi rằng "nhớ kỷ niệm hai đứa dắt tay nhau đi dưới trăng" hoặc "anh ấy thường hái hoa bưởi gội đầu cho em" hoặc "những chiều lộng gió ven đê chúng em ngồi bên nhau tâm sự...". 

Những hình ảnh đó rất đẹp, rất lãng mạn phải không? Nhưng thành thật mà nói, nó không phải là tình vợ chồng đích thực.

Cặp vợ chồng trẻ mới biết mùi chồng vợ được 3 đêm rồi phải chia tay, thì điều khiến họ nhớ nhất, nhớ đến phát rồ, nhớ đến khổ sở, ấy là chuyện gì chắc các bạn cũng có thể tự có câu trả lời.

"Truyền thuyết về Quán Tiên" chính là kể về điều này, bằng một cách tế nhị và không kém phần nghệ thuật, nó làm nên vẻ đẹp và sự quyến rũ của tác phẩm khi miêu tả khá thành công cái tâm lý tình dục ẩn náu ở nơi sâu kín nhất của tâm hồn người.

“Truyền thuyết về Quán Tiên” – khi tiên nữ đồng cảm với một ông… khỉ! - Ảnh 1.

Mùi, Lan và Phượng là ba nữ thanh niên xung phong trẻ, rất trẻ - Mùi là chị cả nhưng chỉ mới 21 tuổi, chính là cô gái tôi giới thiệu ở trên – nhận nhiệm vụ xây dựng một cái quán nghỉ cho lính lái xe, giữa Trường Sơn đại ngàn, nhằm tạo điều kiện cho các anh lính dừng chân ăn uống chút gì đó trước khi lao vào lửa đạn, trong một hang sâu rất hiểm và nên thơ.

“Truyền thuyết về Quán Tiên” – khi tiên nữ đồng cảm với một ông… khỉ! - Ảnh 2.

Lan, Phượng hai cô gái trẻ 18, 19 tuổi khát khao được yêu, họ là hình ảnh khá quen thuộc của nhiều bộ phim về thanh niên xung phong thời chống mỹ để rồi Lan thì gặp được anh lính trẻ người dân tộc tên Ku Xê. Cặp đôi tuyệt hảo này yêu nhau và sau đó thế nào thì xin không tiết lộ. Phượng cũng yêu một anh lái xe trẻ và người xem đoán ngay số phận bi đát của cô "vì người trai hùng ra đi không guay về, đau lòng người đứng đợi..."… Thật ra, số phận của Lan và Phượng chỉ là sự trang điểm cho số phận chính là Mùi, chị cả mới 21 tuổi.

Mùi, với vẻ ngoài lúc nào cũng nghiêm nghị vì là chỉ huy nhóm nên luôn lên gân thậm chí đến khắc nghiệt, thật ra lại là người có nỗi đau lớn nhất, nỗi đau "mới kết hôn 3 ngày thì anh ấy lên đường". 

“Truyền thuyết về Quán Tiên” – khi tiên nữ đồng cảm với một ông… khỉ! - Ảnh 3.

Dường như cái vẻ ngoài nghiêm trang thái quá của cô thực chất là để cố che đậy những cơn bão bên trong, thậm chí, những cơn bão ấy nổi lên lúc đêm khuya khiến cô sợ hãi chính bản thân mình nên tự vệ bằng cách tạo ra vẻ ngoài như vậy.

Nhưng, cái gì là tự nhiên, dù ta cố chôn giấu khiến người khác không nhận ra, thậm chí chính mình không chịu nhận ra, thì chính tự nhiên sẽ nhận ra và đánh thức nó.

Tự nhiên ở đây chính là làn nước suối và một... "ông khỉ" trên cây.

“Truyền thuyết về Quán Tiên” – khi tiên nữ đồng cảm với một ông… khỉ! - Ảnh 4.

Làn nước là hình ảnh gợi tình thì quá nhiều tác phẩm dùng rồi, ở phim này dùng lại, tất nhiên vẫn hay, nhưng... "ông khỉ" mới là kỳ tài.

Một ông khỉ nghịch ngơm ban đầu là nỗi sợ của Mùi mỗi khi ra suối lấy nước, rồi dần dần, sự tinh nghịch ma quái của nó dường như đánh thức những tình cảm vô thức của cô, đánh thức nỗi lòng thầm kín của cô, đặc biệt nó gợi cho cô nhớ về "3 ngày vợ chồng" tuyệt vời, về người chồng nay đang chiến đấu ở Tây Nam Bộ, sống chết ra sao không biết, rồi dần dần giữa cô và làn nước, và ông khỉ như nảy sinh một "thông giác" và "thấu cảm" được với nhau.

Chính câu chuyện của Mùi và ông khỉ này mới là câu chuyện chính và cuốn hút ta theo dõi bộ phim, và ta cảm nhận sự cô đơn khoắc khoải của người phụ nữ trẻ vì hoàn cảnh trớ trêu mà phải sống giữa rừng, để rồi được chính thiên nhiên an ủi và chia sẻ...

Và phim thực sự ấn tượng ở điểm này.

Với chủ đề này, thơ hay văn kể được tôi cho là bình thường. Nhưng bằng ngôn ngữ điện ảnh, tức hình ảnh và âm thanh cụ thể, mà kể được, ấy mới là cao cường. Bởi không cẩn thận sẽ bị ngả sang hướng "ẩn ức tình dục", hay một thứ phim "đen" nửa vời... thì thất bại ngay.

Nhưng đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ – sinh năm 1989 – đã làm được. Chúc mừng anh chàng mới 31 tuổi đời mà râu ria như Francis Coppola, tôi tin với sức lực này anh sẽ đi xa trên con đường sáng tạo nghệ thuât.

Đạo diễn đặc biệt thành công khi chọn diễn viên chính, vai diễn này rất nặng đô, và nữ diễn viên chính Đỗ Thuý Hằng (vai Mùi) làm rất tốt, đặc biệt gương mặt cô rất thuyết phục, một gương mặt đẹp nghiêm nghị nhưng có đôi mắt đầy bão tố.

Có hai điểm tôi chê, ấy là ông khỉ 3D làm chưa mượt mà, vì khán giả xem quá nhiều phim Mỹ, những nhân vật 3D diễn với diễn viên, nên thấy ông khỉ này hơi vụng.

Và có lẽ chính vì yếu tố kỹ thuật nên ông khỉ này còn ít yếu tố hài hước, chưa đủ độ đáng yêu lắm...

“Truyền thuyết về Quán Tiên” – khi tiên nữ đồng cảm với một ông… khỉ! - Ảnh 5.

Kết lại, phim đã khởi chiếu từ 22/5/2020 và rõ ràng, đây không phải là một phim chiến tranh bom rơi, đạn nổ theo kiểu mà các bạn vẫn tưởng tượng. Với tôi, "Truyền thuyết về Quán Tiên" là một phim lạ, và hay, và xứng đáng để tôi mời bạn bè mình thưởng lãm.