10 bài học đau đớn mà DC nên rút ra sau bom tấn Infinity War của Marvel

Điều DC và Warner Bros cần làm lúc này, đó là rút ra những bài học từ chính đối thủ và Infinity War, để khoảng cách dần được thu hẹp lại.

Thất thế trước đối thủ Marvel đã không còn là nguy cơ, mà đã trở thành thực tế đối với vũ trụ điện ảnh DC (DC Extended Universe). Điều DC và Warner Bros cần làm lúc này, đó là rút ra những bài học từ chính đối thủ, để khoảng cách dần được thu hẹp lại.

Với chiến tích thu trọn 1 tỷ USD chỉ sau hơn 10 ngày công chiếu (chưa bao gồm thị trường lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc), bom tấn Avengers: Infinity War đã giúp Marvel Studios ngày càng chứng tỏ vị thế “bá đạo” của mình ở thể loại siêu anh hùng trên màn ảnh. Thời điểm này, dù không nói ra nhưng gần như tất cả mọi người đều đồng ý rằng, DC đã thua Marvel một khoảng cách rất xa trên màn ảnh rộng, mà không biết bao giờ nó có thể được rút ngắn lại.

Vậy DC và hãng phim Warner Bros. cần phải làm gì để bứt tốc và dần đuổi kịp Marvel? Chưa cần nghĩ ngợi sâu xa gì cả, trước hết họ cần rút ra 10 bài học xương máu dưới đây từ chính đối thủ của mình

Có một đầu tàu định hướng nội dung của cả vũ trụ điện ảnh.

Nói đến phim Marvel, khán giả thường liên tưởng ngay đến những siêu anh hùng nổi bật nhất, như Captain America, Iron Man, Thor, Black Widow…, những gương mặt Hollywood đại diện và nâng tầm cho phim Marvel, chẳng hạn như Chris Evans, Robert Downey Jr., Benedict Cumberbatch…, hay thậm chí là “cha đẻ” Stan Lee – người đã sáng tạo ra phần lớn trong số những siêu anh hùng ấy. Nhưng hạt nhân đóng vai trò lớn nhất trong thành công của Marvel trong lĩnh vực điện ảnh, không ai khác chính là Kevin Feige – chủ tịch Marvel Studios, nhà sản xuất phim hàng đầu Hollywood hiện nay.

Chính Feige là “đầu tàu” dẫn dắt cả thương hiệu Marvel, từ việc phải đối mặt nguy cơ phá sản cho tới khi trở thành thương hiệu tỷ đô như hiện tại. Ông là người đề ra hướng đi cho cả vũ trụ điện ảnh, chịu trách nhiệm chỉ đạo và giám sát nội dung cho tất cả các bộ phim Marvel ngay từ khi Iron Man 1 mới chỉ đang thai nghén kịch bản (2007). Sự liền mạch, thống nhất trong hệ thống phim của Marvel, cũng như sự hấp dẫn và có chiều sâu trong việc xây dựng các siêu anh hùng, hoàn toàn có công rất lớn của Kevin Feige trong hơn một thập kỷ qua.

Trong khi đó, DCEU hiện tại không có ai như vậy. Zack Snyder được cho là người khai sinh ra Vũ trụ này, nhưng cách làm phim gây tranh cãi của ông gây thất vọng lớn với khán giả đại chúng. Geoff Johns đã được bổ nhiệm làm chủ tịch của DC Entertainment, được hy vọng sẽ có vai trò như Kevin Feige của Marvel. Song bản thân ông xuất thân là họa sỹ vẽ truyện tranh, không phải là nhà sản xuất điện ảnh như Kevin Feige, nên không đóng góp được gì nhiều. DCEU hiện tại vẫn chưa hề có ai đảm đương được công việc lên định hướng, vẫn chưa có một người “cầm cương” đúng nghĩa.

Thiết lập sự liên kết chặt chẽ giữa các phần phim với nhau.

Với việc đảm bảo các bộ phim đều có sự liên kết, Marvel mới có thể xây dựng một Infinity War thành công khi mọi diễn biến là đều có liên quan chặt chẽ tới các phần phim trước, như hiệp ước Sokovia hay trận đại chiến ở New York. Khán giả cảm nhận được một chuỗi tác phẩm liền mạch, vẽ nên một câu chuyện có quy mô hoành tráng và xuyên suốt trong một thời gian rất dài. Trong khi đó, nếu xét 5 bộ phim của DCEU thì tính liên kết khá lỏng lẻo. Suicide Squad gần như chả liên quan gì tới 4 bộ phim còn lại. Wonder Woman lẽ ra phải ra mắt đầu tiên, trong khi Justice League lại có nhiều chi tiết tương đối mâu thuẫn với Batman v Superman trước đó.

Gây ra được sự tò mò cho khán giả

Infinity War, Civil War là những ví dụ cho thấy Marvel thành công trong việc khiến khán giả “tò mò, bức bối” như thế nào. Tất cả các đoạn trailer đều không cho biết nội dung sẽ phát triển theo hướng nào, phe Cap và phe Iron Man ai sẽ chiến thắng, hay các siêu anh hùng sẽ phải làm gì để đánh được Thanos. Thậm chí ngay cả khi phim kết thúc thì khán giả cũng không thể ngưng bàn tán về các diễn biến tiếp theo, chẳng hạn như ai sẽ kế thừa Steve Rogers làm Captain America mới, hay các siêu anh hùng sẽ làm gì tiếp theo khi mà một nửa Vũ trụ đã bị xóa sổ.

Về điểm này thì phim của DCEU đang có dấu hiệu thất thế. Justice League năm vừa rồi không có nhiều bí mật để tung ra trừ sự hồi sinh của Superman – một điều đến cả trẻ con cũng đoán được. Batman v Superman mắc lỗi spoil luôn cả phản diện sau cùng của phim (Doomsday) khiến phim không còn giữ dược sự bất ngờ. Fan DC gần như bao giờ trải qua cảm xúc nhân vật của họ bị đặt vào tình thế hiểm nghèo, có thể mất mạng bởi những thứ vũ khí mạnh nhất.

Xây dựng cốt truyện phong phú về các món bảo vật.

6 viên ngọc Vô cực (Infinity Stones) là “sợi chỉ” kết nối 18 phần phim của Marvel trong suốt hơn 10 năm qua. Trước khi được Thanos thu thập lại, chúng trôi nổi khắp vũ trụ, lọt vào tay của nhiều kẻ khác nhau và được sử dụng cho nhiều mục đích, tốt xấu đều có. Thông tin về 6 viên ngọc được cài cắm trong nhiêu phần, đủ để tăng sự tò mò cho khán giả mà không quá nhồi nhét gây loãng chủ đề chính của phim đó.

DC cũng có một nhóm bảo vật ở tầm cỡ tương tự, đó là 3 chiếc hộp Mother Box. Tuy nhiên cho đến nay chúng chỉ xuất hiện duy nhất trong đúng một phần phim Justice League, sự xuất hiện và cách thu thập qua loa, thiếu điểm nhấn khiến người xem không có hứng thú tìm hiểu, ngóng chờ. Với các fan truyện tranh, đây là sự phí phạm khó chấp nhận.

Chăm chút kỹ hơn cho quá trình kỹ xảo

Justice League là bom tấn tham vọng nhất của DCEU, thế nên chả ai có thể hiểu và chấp nhận thực tế nó lại là phim có chất lượng kỹ xảo tệ hại nhất. Cú xóa râu không hết dẫn tới mặt Superman bị biến dạng, hay trang phục “hở mông” của Stephenwolf đã khiến phim trở thành đề tài chê trách và tấu hài của khán giả toàn cầu. Trong khi đó, Marvel rất ít khi bị chê trách về mặt kỹ xảo điện ảnh, họ thậm chí ngày càng trở nên “cao tay” khi nhân vật nào cũng có được những khoảnh khắc mãn nhãn và ấn tượng nhất.

Cẩn thận trong khâu “chọn mặt gửi vàng”, nhưng đã chọn thì phải TIN TƯỞNG.

Sự trầy trật của phim DC cho tới hiện tại, ngoài việc không có người hoạch định chính sách định hướng, còn đến từ sự can thiệp quá mức của lãnh đạo hãng phim Warner Bros. Ở bên Marvel Studios, nội dung, tình tiết, màu sắc, chủ đề phim, những gương mặt diễn viên được chọn hay những tình tiết nên được cài cắm, tất cả đều dưới sự chỉ đạo của Kevin Feige, nhằm đảo bảo được sự thống nhất và xuyên suốt cho các phim Marvel. Và quả thật thì đã có nhiều đạo diễn và diễn viên phải “nửa đường đứt gánh” với vũ trụ Marvel, khi họ không theo được hướng đi mà Kevin Feige đề ra. Nhưng chính những bước đi tưởng chừng như quá cầu toàn đó đã đem đến thành công hôm nay.

Trong khi đó thì các bộ phim DC luôn phải đối mặt với nguy cơ bị can thiệp thô bạo từ các lãnh đạo Warner Bros., từ những chiêu trò cắt phim không thông qua đạo diễn, cho tới…lén thuê công ty khác làm lại trailer và edit lại phim không báo một câu. Kể từ khi Batman v Superman bị chê trách thậm tệ bởi khán giả và giới phê bình (mà công lớn cũng thuộc về WB khi họ yêu cầu cắt bỏ 30 phút thời lượng), thì bộ sậu lãnh đạo WB, đặc biệt là chủ tịch Kevin Tsujihara, đã cảm thấy “nóng mắt” với phong cách đạo diễn Zack Snyder. Họ không tin tưởng định hướng và cách làm phim của ông, nhưng vẫn lại để ông làm tiếp Justice League, không dám cắt hợp đồng vì sợ “điều tiếng không hay”. Tới khi xem bản thô JL của Zack Snyder, họ cho rằng phim không đúng theo ý họ, nên đã tìm đủ mọi cách gây sức ép để Zack Snyder ra đi, và mời Joss Whedon về chỉnh sửa bản phim của Zack Snyder sao cho “tươi sáng, hài hước” hơn, khi thời điểm đó phim chỉ còn 8 THÁNG là ra mắt. Thời gian gấp rút, song WB vẫn nhất nhất bắt Justice League phải ra mắt đúng hẹn, bởi nếu không sẽ ảnh hưởng thu nhập của lãnh đạo.

Hậu quả là Joss Whedon không thể có đủ thời gian để chăm chút chỉnh sửa JL theo đúng yêu cầu của WB, nên bộ phim đã ra mắt mà kỹ xảo chưa hoàn thiện, nội dung chắp vá lủng củng, cố gắng chạy theo xu hướng siêu anh hùng hài hước mà vứt bỏ hết những tình tiết và màu sắc đã được gây dựng trước đó. Tốn đến 300 triệu USD chi phí nhưng Justice League chỉ thu về hơn 600 triệu USD doanh thu toàn cầu, kém xa so với phim riêng của Thor (Thor:Ragnarok) trong khi Thor trước đó còn bị chê là siêu anh hùng Marvel thiếu muối nhất. Làm phật lòng cộng đồng fan ruột trong khi không thể thu hút được khán giả đại chúng, đó là điều đáng nói duy nhất về màn thể hiện của JL ở phòng vé.

Bổ sung thêm phản diện hấp dẫn

Một điều đau đớn đối với DCEU, đó là họ không có đủ phản diện ấn tượng, trong khi lâu nay DC luôn được đánh giá cao hơn Marvel ở khoản xây dựng nhân vật phản diện có chiều sâu, trong khi Marvel bị chê là toàn có những phản diện đơn giản, thiếu điểm nhấn và dẽ bị đánh bại. Tuy nhiên cán cân đã dần thay đổi khi Vũ trụ Marvel ngày càng xuất hiện nhiều những phản diện được khán giả yêu thích, như Loki, Hela, Eric Killmonger hay mới đất chính là “trùm cuối” Thanos.

Về phần DCEU, sau Đại tướng Zod với mục đích hồi sinh dân tộc bằng mọi giá trong phần phim Man of Steel, hầu hết các phản diện còn lại đều trở nên mờ nhạt, từ Doomsday, Joker, Ares, Steppenwolf hay Enchantress. Lex Luthor gây nhiều tranh cãi trong lòng fan, song điều đó cũng bị lu mờ khi hắn thay đổi quá nhiều, cố gắng bắt chước hình tượng Joker trong truyện tranh.

Đạ dạng hóa thế giới siêu anh hùng

Cách đây 10 năm, gần như không mấy ai biết đến The Vision hay Winter Soldier. Tuy nhiên giờ đây với Infinity War, Marvel đã xây dựng thành công một thế giới siêu anh hùng đồ sộ, với dàn nhân vật đa dạng trong bản sắc, phong cách, văn hóa, tín ngưỡng khác nhau. Nếu như Iron Man là một tay chơi chính hiệu, Captain America theo hình mẫu một “công dân gương mẫu”, thì Spider-man mang màu sắc của một anh hùng truyền thống. Nếu như Thor mang đến sự lung linh huyền ảo của văn hóa Bắc Âu, thì Black Panther đã khiến người xem trầm trồ bởi nét đẹp của châu Phi hoang dã. Đa văn hóa và nhiều màu sắc, đó là những điều DCEU chưa làm được.

Giữ được dàn diễn viên chính trong thời gian dài

Infinity War đánh dấu quãng đường dài một thập kỷ với những câu chuyện về đau thương, mất mát, những góc tối trong tâm hồn, và cả yêu thương, chiến thắng của nhóm Avengers. Sự hy sinh của các siêu anh hùng sẽ không gây cảm xúc đến vậy nếu fan không được chứng kiến họ chiến đấu bên nhau, cùng nhau trưởng thành suốt những năm qua. Mối quan hệ đó đã phá vỡ giới hạn của phim ảnh và lan đến đời thực, khi những Robert Downey Jrs, Chris Evans hay Scarlett Johansson đã trở thành những đồng nghiệp thân thiết và chiếm trọn cảm tình của khán giả.

DC nên ghi nhớ bài học này và cố gắng giữ nhóm Justice League ở bên nhau càng lâu càng tốt, nhất là khi "Batman" Ben Affleck thể hiện thái độ không mấy mặn mà với "liên minh".

“Dục tốc bất đạt”

Lý do lớn nhất khiến DC đang ngày càng bị Marvel bỏ xa trên màn ảnh rộng, đó là họ đã quá vội vàng, tham lam. Avengers: Infinity War có sự xuất hiện của gần 40 nhân vật nhưng không hề mang đến cảm giác thừa thãi hay nhồi nhét, bởi khán giả đã được làm quen với họ trong suốt những phần phim trước đó. Trái lại, họ còn vô cùng thỏa mãi khi được thưởng thức một tác phẩm hội tụ tinh hoa trong suốt 10 năm xây dựng đế chế điện ảnh Marvel.

Trong khi đó, dường như bị mờ mắt bởi “túi tiền” của đối thủ mà DC và WB đã cho ra mắt liên tiếp các bộ phim có sự xuất hiện của nhiều siêu anh hùng, trong khi còn chưa giới thiệu câu chuyện riêng của từng người. Hậu quả là khán giả ai cũng nhận thấy được sự vô lý và chắp vá trong Batman v Superman và Justice League. Nếu như Batman, The Flash, Cyborg và Aquaman đều đã có phim riêng, thì hẳn sức hút của Justice League chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều.