Alita: Battle Angel: Bộ phim được nhà sản xuất James Cameron ấp ủ suốt nhiều năm ghi điểm nhờ phần kỹ xảo ấn tượng dành cho Alita (Rosa Salazar). Đôi mắt to tròn, cơ thể cơ khí, những pha hành động dứt khoát, tất cả giúp nhân vật chính ghi điểm trong lòng khán giả. Đáng tiếc thay, bộ phim có doanh thu không như ý. Sau khi Fox về tay Disney, “nhà chuột” chưa một lần úp mở về kế hoạch thực hiện tiếp Alita 2.
Avengers: Endgame: Tác phẩm đỉnh cao của Marvel Studios đạt doanh thu 2,79 tỷ USD, qua đó truất ngôi Avatar (2009) và trở thành bộ phim điện ảnh ăn khách nhất mọi thời đại. Kỹ xảo là yếu tố không thể thiếu giúp bom tấn gặt hái thành công. Trường đoạn cuối phim quy tụ hầu hết siêu anh hùng trong trận chiến với binh đoàn của Thanos (Josh Brolin) thực sự mãn nhãn và giàu cảm xúc.
Captain Marvel: Captain Marvel là một thành công khác về mặt thương mại của Marvel Studios trong năm qua. Nhân vật do Brie Larson thể hiện có nhiều pha phô diễn sức mạnh thượng thừa, và kỹ xảo điện ảnh góp công lớn trong việc giúp nữ hùng trở nên ấn tượng hơn. Tuy nhiên, bản thân bộ phim, cũng như phần diễn xuất của Larson, từng vấp phải không ít chỉ trích từ khán giả.
Cats: Tác phẩm dựa trên vở nhạc kịch nổi tiếng cùng tên hiện còn chưa ra mắt rộng rãi công chúng. Sau các trailer, Cats gây ra tranh cãi lớn trên mạng Internet. Số đông cảm thấy không vừa mắt, thậm chí có phần sợ hãi, trước tạo hình các nhân vật mèo trong phim. Gần đây, đoàn phim lên tiếng rằng thành phẩm sẽ còn được trau chuốt và những gì khán giả thấy lúc này chưa phải là sản phẩm hoàn chỉnh.
Gemini Man: Bộ phim mới nhất của đạo diễn Lý An và ngôi sao Will Smith thực tế là “bom xịt” tại phòng vé khi chỉ thu 175 triệu USD, trong khi kinh phí sản xuất lên tới 140 triệu USD. Nguồn ngân sách chủ yếu được rót cho khâu hậu kỳ kỹ xảo. Trong phim, khán giả có cơ hội gặp gỡ hai phiên bản già - trẻ của Will Smith. Họ có nhiều cuộc giao tranh ác liệt và đó là thành quả của công nghệ điện ảnh tân tiến.
The Irishman: Tác phẩm tâm lý - tội phạm của Netflix có thời lượng hơn 200 phút và đã tiêu tốn tới 160 triệu USD. Không có nhiều cảnh hành động, The Irishman vẫn ngốn tiền kỹ xảo khi đạo diễn Martin Scorsese muốn sử dụng công nghệ để giúp Robert De Niro và các diễn viên trẻ trung hơn trong những phân đoạn cần thiết. Đây hiện là ứng cử viên hàng đầu tại nhiều hạng mục trên đường đua Oscar 2020.
The Lion King: Phiên bản mới của Vua sư tử thực sự là một kỳ quan về mặt hình ảnh. Kinh phí 260 triệu USD của bộ phim là hoàn toàn đáng giá khi từng khung hình, cảnh vật, nhân vật trong phim đều sắc nét, sinh động. Bất chấp sự lạnh nhạt của giới phê bình về phần nội dung không có nhiều mới mẻ, The Lion King vẫn mang về tới 1,65 tỷ USD sau khi kết thúc trình chiếu.
1917: Bộ phim lấy bối cảnh Thế chiến I cũng chưa ra mắt rộng rãi khán giả như Cats. Tuy nhiên, thông qua các trailer và video hậu trường, khán giả có thể phần nào đó mường tượng ra hoài bão của đạo diễn Sam Mendes. Toàn bộ tác phẩm sẽ trông như chỉ có một cú máy duy nhất, tức giống bộ phim Birdman (2014). Và đó chính là thành quả lao động vất vả của toàn bộ ê-kíp, từ diễn viên, quay phim, dựng phim, cho tới đội ngũ kỹ xảo.
Star Wars: The Rise of Skywalker: Phần IX của loạt Chiến tranh giữa các vì sao phải tới cuối tuần này mới chính thức ra rạp. Nhưng bom tấn hiện đã được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ dành cho sự ưu ái. Tiếp tục là những trận chiến ở thiên hà xa thật xa, The Rise of Skywalker chắc chắn yêu cầu khối lượng cảnh kỹ xảo khổng lồ và ấn tượng để thu hút khán giả tới rạp
Terminator: Dark Fate: Đây là một “bom xịt” khác của Hollywood trong năm nay, và khiến kế hoạch tái khởi động thương hiệu Kẻ hủy diệt thêm một lần nữa tiêu tan. Tạm gạt qua chuyện đó, phần hiệu ứng kỹ xảo trong phim tương đối ấn tượng, đặc biệt là các phân đoạn có sự góp mặt của người máy sở hữu khả năng phân tách Rev-9 (Gabriel Luna), và những lúc cỗ máy giao đấu với người cơ khí Grace (Mackenzie Davis) cùng kẻ hủy diệt T-800 (Arnold Schwarzenegger).
(Theo zing.vn)