Rất nhiều tác phẩm anime trải dài từ Shonen cho tới Shojo đều có những câu chuyện đã xảy ra trước đó hay còn được gọi là backstory dùng để lý giải về quá khứ, tính cách lẫn động cơ đằng sau mỗi quyết định mà nhân vật đưa ra. Sau đây hãy cùng nhau điểm lại 10 loại backstory thường hay được áp dụng trong anime.
10. Những người thân thiết sẵn sàng hy sinh
Đây là một trong những nhân tố hình thành nên con đường mà nhân vật lựa chọn sau này. Nhân vật ban đầu sẽ hay bị vướng vào các loại rắc rối mà bản thân chưa đủ khả năng giải quyết và họ sẽ được những người bạn, thành viên trong gia đình hay một ai đó giúp đỡ. Nhưng cái giá phải trả sẽ đánh đổi bằng chính những vết thương hoặc tệ nhất là cái chết để rồi từ đó tạo tiền đề hình thành nên suy nghĩ của người anh hùng trong tương lai.
Một số ví dụ điển hình như Shanks mất đi một bên tay vì cứu Luffy trong One Piece. Nó sẽ có một tác động cực kì lớn lên việc phát triển tính cách của nhân vật và họ lấy đó như hình mẫu định hình nên cách họ tư duy cũng quyết định trước khi hành động.
9. Cả gia tộc bị sát hại
Đôi lúc thì tác giả còn hình thành nên một quá khứ bi thương mà nhân vật phải trải qua khi không còn gì tồi tệ hơn bằng việc chứng kiến cả gia đình hoặc gia tộc nơi mình sinh ra bị sát hại toàn bộ. Việc này nhằm hình thành nên mục đích, lý do đằng sau hành động của họ sau này.
Kurapika là thành viên còn sót lại của Kurta Clan, Sasuke thì chứng kiến anh trai hạ sát cha mẹ lẫn người dân trong gia tộc Uchiha. Hay Inuyasha với cảnh gia đình của Sango ra đi dưới tay người em trai Kohaku là những ví dụ điển hình.
8. Các bà mẹ và kiểu tóc khi ra đi
Trong nghệ thuật phim ảnh thì có rất nhiều cách cho thấy cửa tử đang đến rất gần với nhân vật nào đó. Đó có thể là thổ huyết hay đi vào một nơi hoang vắng mà vẫn dõng dạc nói một câu "Mọi thứ sẽ ổn thôi" như đúng rồi, nhưng mọi chuyện lại đi ngược lại. Với anime, thì có một kiểu báo hiệu thường thấy, kiểu tóc chung của những người mẹ.
Những bà mẹ ở trong anime thường hay để tóc dài buộc theo kiểu ponytail ở một bên vai. Nhìn rất đỗi bình thường nhưng với anime thì đấy là dấu hiệu cho biết rằng họ chuẩn một tấm vé thông hành đi về "miền đất hứa của những người chết". Một số ví dụ như mẹ của hai anh em Ed với Alphonse, hay mẹ của Eren đều cùng có chung kiểu tóc khi ra đi.
7. Người cha mất tích
Nhật Bản từ lâu đã luôn tồn tại một lịch sử đầy phức tạp về hình tượng của người cha, và anime cũng chịu ảnh hưởng từ điều này. Trong anime, thì phần lớn là người cha sẽ thường xuyên đi làm, rất ít khi về nhà. Có một số tác phẩm thậm chí là còn rất ít khi nhắc đến họ.
Tuy vậy mà sự tồn tại của người cha trong anime là vẫn có. Và nếu xét đến yếu tố tạo nên backstory, thì việc họ biến mất một cách bí ẩn là cách làm phổ biến nhất. Ví dụ như sự biến mất của Ging là một trong những lý do hình thành nên chuyến hình trình mà Gon phải trải qua.
6. Bị đánh bại bởi đối thủ mạnh
Anime thường hay có sự cạnh tranh, đối đầu nhau giữa nhân vật này với nhân vật kia và tạo nên một sức hút đặc biệt. Thường thì một nhân vật với khả năng vượt trội nào đó sẽ chạm mặt với một đối thủ vượt tầm và thua tâm phục khẩu phục để rồi cả hai sau này lại trở thành đối thủ cạnh tranh, đối đầu nhau trên chặng đường sắp tới.
Loại backstory này như một cách để nhân vật đó thấy rằng con người sẽ luôn có giới hạn của họ và phải tìm cách để khắc phục, cải thiện bản thân hơn nữa. Trong Haikyuu, thì Hinata từng để thua Kageyama và cậu đặt quyết tâm là sẽ vượt qua "Vua sân đấu". Mặc dù đã trở thành đồng đội, nhưng cả hai vẫn luôn ganh đua xem ai mới là người giỏi hơn.
5. Quá trình rèn luyện
Đây là một loại backstory khá đặc trưng thường hay xuất hiện ở thể loại Shonen.Thường thì loại backstory này sẽ như một thước phim ngắn ghi lại quá trình nhân vật nào đó phải trải qua khóa rèn luyện để thích nghi với sức mạnh mà họ vừa mới tiếp nhận được hoặc nâng cao trình độ bản thân. Nó có thể xuất hiện từ ngay những tập đầu tiên hoặc đến giữa series nào đó để giải thích đằng sau khả năng mà nhân vật ấy thể hiện.
Có thể kể đến một số ví dụ điển hình như quá trình luyện tập của Saitama từ người thường thành thánh "một đấm chết luôn" ở One Punch Man. Còn trong My Hero Academia, thì Deku được All Might trao lại One For All, phải khổ luyện để thích nghi với loại Quirk này.
4. Chuyển sinh
Có thể nói thì Isekai (Chuyển sinh) đang là một trong những thể loại anime được khai thác tối đa nhất với những cái tên điển hình như Arifureta Shokugyō De Sekai Saikyō, Honzuki no Gekokujou.
Đối với thể loại Isekai, thì có một điều thường được thấy thậm chí là đến mức lặp đi lặp lại ở backstory của nhân vật. Phần lớn thì các nhân vật chính sẽ là nhân viên công sở, hoặc vô công rỗi nghề rồi một ngày nọ bị chuyển sinh qua thế giới mới bằng chiếc xe tải "Truck-kun" quen thuộc ngay tại cái giao lộ định mệnh ấy.
3. Crush từ thuở bé đột nhiên biến mất rồi quay trở lại một cách bí ẩn
Không chỉ riêng gì thể loại Shonen, thì những Shojo, Slice of Life (đời thường) cũng sẽ thường lồng ghép thêm nhiều backstory để tạo nên sự hứng thú cho người xem. Một trong những backstory hay bắt gặp nhất là crush của nhân vật chính khi còn nhỏ gặp tai nạn qua đời hoặc biến mất một cách bí ẩn sau khi thề non hẹn ước là sẽ ở bên nhau. Việc đó có thể được thực hiện bằng lời nói đậm lại trong tâm trí hoặc thông qua một món vật nào đó tượng trưng cho tình cảm của hai người.
Qua thời gian, thì kí ức ấy dần phai mờ đôi chút và nhân vật chính tiếp tục cuộc sống thường ngày. Rồi đùng một cái, nhiều năm sau thì crush ấy đội nhiên xuất hiện với phiên bản trưởng thành hơn và câu truyện bắt đầu. Nisekoi hay Blue Spring Ride là những ví dụ điển hình. Shonen cũng có đôi chút với trường hợp của Zoro nhầm tưởng Tashigi giống hệt Kuina trong One Piece.
2. Nhân vật từ yếu kém trở nên giỏi giang trong thể thao
Ngay cả anime thuộc dòng thể thao cũng không phải là ngoại lệ khi nói đến backstory. Thông thường thì backstory sẽ bắt đầu với nhân vật chính thường bị đánh giá là thể lực yếu hoặc không có kĩ năng để tham gia thể thao được. Nhưng rồi khi điều gì đó xảy tới, thì nó lại có đủ tác động khiến cho họ trở nên chăm chỉ rèn luyện và giỏi đến một cách thần kì trong khoảng một thời gian ngắn hơn bình thường. Những nhân vật đó sau này phát hiện ra là bản thân vốn có tố chất, thậm chí ở mức thiên tài để chơi môn thể thao ấy.
Những trường hợp như vậy có thể điểm qua như Hinata trong Haikyuu, Hinomaru của Hinomaru Sumo, Hajime no Ippo với nhân vật chính cùng tên và Eiichiro Maruo của Baby Steps.
1. Nhân vật chính giác ngộ
Đôi lúc thì nhiều anime sử dụng backstory về một biến cố, bi kịch nào đó mà nhân vật chính từng gây ra như một cách để họ nhìn nhận lại sự đời. Họ thấy rằng con đường, lý tưởng mà mình đi theo trước kia là sai trái để rồi từ đó tự nhủ bản thân phải thay đổi. Họ sẽ như biến mình từ nghiêm túc thành phiên bản mới hài hước hơn.
Trong Rurouni Kenshin, thì Kenshin sử dụng thanh kiếm ngược và rũ bỏ quá khứ phía sau, Koro-sensei trong Assassination Classroom trở thành thầy giáo. Và còn phải kể đến Yato buông bỏ quá khứ để trở thành ông thần lầy lội trong Noragami.