10 dấu hiệu đáng ngờ để nhận biết một bộ phim chắc chắn sẽ dở tệ

(KenhTinGame) - Trì hoãn ngày phát hành của một bộ phim chưa bao giờ là một dấu hiệu tốt. Điều này đặc biệt đúng đối với các phim bom tấn mùa hè mà có thể bị đẩy lùi ngày phát hành sang mùa thu, hay các bộ phim đị đẩy ra khỏi mùa giải thưởng.

Một bộ phim có thể thành công hoặc thất bại, và thông thường sẽ chẳng có gì chắc chắn 100% để biết được một bộ phim hay hoặc dở, nhưng đôi khi ta có thể nhìn vào một vài dấu hiệu mang tính chất tương đối chuẩn. Cho dù là sự can thiệp quá nhiều của studio sản xuất, một phim hài hước lãng mạn với dàn diễn viên khủng hoặc phim dựa trên video game, dưới đây là 10 dấu hiệu cho thấy một bộ phim sẽ nhất định dở tệ và giúp bạn tránh xa chúng ra.

1. Phim là phần tiếp theo của một phim kinh dị


Trong khi ta cũng có một vài trường hợp ngoại lệ đối với quy luật này, nhưng đa phần các phim tiếp theo của một thương hiệu kinh dị nào đó đều không hay bằng phần đầu tiên, và thậm chí là dở kinh khủng luôn. Các bộ phim kinh dị nổi tiếng như “The Exorcist”, “Halloween”, “A Nightmare on Elm Street”, và “Friday the 13th” đều có nhiều phim nối tiếp dở hơn là hay.

2. Phim là một phim hài kịch với diễn viên kỳ cựu


Thật đáng tiếc nhưng phải nói rằng sự góp mặt của nhiều diễn viên lớn tuổi, kỳ cựu trong một bộ phim hài kịch chưa bao giờ là dấu hiệu tốt cả. Cốt truyện của các phim này thường xoay quanh việc một nhóm nhân vật thực hiện một chuyến đi chơi cùng nhau để nhớ lại thời trai trẻ huy hoàng và rồi gặp lấy đủ tình huống lố lăng điển hình kiểu như một cô gái trẻ gợi cảm nào đó quyến rũ một ông già chẳng hạn.

3. Phim có một chiến dịch marketing quá hung hăng


Trong khi các nhà giám chế của một studio phim thường quan trọng thành công thương mại hơn là mặt chuyên môn, họ cũng đủ nhận biết thế nào là một bộ phim không hay. Và họ còn biết rằng nhận nhiều bài đánh giá kém có thể làm hỏng mục tiêu tài chính được đề ra, nên vì thế họ sẽ bày ra một chiến dịch marketing cực kỳ hung hăng để kéo khán giả đến kín rạp ngay trong tuần đầu tiên.

4. Studio sản xuất liên tục trì hoãn ngày phát hành phim


Trì hoãn ngày phát hành của một bộ phim chưa bao giờ là một dấu hiệu tốt. Điều này đặc biệt đúng đối với các phim bom tấn mùa hè mà có thể bị đẩy lùi ngày phát hành sang mùa thu, hay các bộ phim đị đẩy ra khỏi mùa giải thưởng. Có rất nhiều lí do để nhà sản xuất đẩy lùi ngày ra mắt của một bộ phim, nhưng đa số là bởi họ “đánh hơi” thấy những điều chẳng lành.

5. Các bài đánh giá bị giấu kín cho tới phút cuối cùng


Hạn chế họp báo là một cách để ngăn chặn các bài đánh giá được phát hành sớm trước vài ngày phim chính thức ra rạp. Trong khi các nhà sản xuất không cấm những gì giới chuyên môn nói về phim, họ có sự chặt chẽ về thời điểm bài đánh giá được gửi tới đông đảo công chúng, một điều có thể gây ảnh hưởng rõ ràng tới thành công tài chính của một bộ phim, nhất là tuần đầu ra mắt.

6. Phim có lựa chọn diễn viên không phù hợp


Điều này tương đối rõ ràng và cũng khá chính xác khi ta có thể thấy rằng một số diễn viên nổi tiếng nhưng chả mấy khi góp mặt trong một bộ phim hay hoặc ít nhất là lâu lắm không có phim nào ra hồn rồi. Tất nhiên ta cũng có không ít trường hợp ngoại lệ, ví như ban đầu ai cũng chê Gal Gadot trong vai Wonder Woman, hoặc phản đối Heath Ledger trong vai Joker, nhưng kết quả lại tuyệt hết chỗ chê.

7. Phim làm lại của một tác phẩm kinh điển


“Tại sao phim này lại tồn tại?” là câu hỏi mà mọi khán giả nảy ra trong đầu khi xem một bộ phim làm lại nào đó. Trong những năm gần đây, Hollywood dường như ám ảnh với ý tưởng làm lại các bộ phim kinh điển vốn để lại dấu ấn trong lịch sử điện ảnh, và hầu hết đều cho ra đời các bộ phim mới thua xa phim cũ.

8. Phim thể loại hài hước lãng mạn với một dàn diễn viên khủng


Thông thường, các bộ phim kiểu này sẽ xoay quanh một kỳ nghỉ lễ nào đó. Mặc dù “Love Actually” là một thành công lớn và điển hình của kiểu phim này, nhưng đa số các bộ phim sau đó đều không thể lặp lại thành công như tiền bối của nó khi áp dụng một công thức gần như giống hệt.

9. Phim dựa theo video game


Nói phim dựa theo video game chán là còn nhẹ, bởi hầu như mọi phim kiểu này đều ở mức thảm họa. Đúng là video game ngày này mang đến một trải nghiệm rất điện ảnh, nhưng kể cũng đáng buồn khi điều đó lại không hề được chuyển thể tốt lên màn ảnh rộng. Ít nhất là một vài phim thể loại này vẫn mang tới thành công về mặt thương mại cho nhà sản xuất.

10. Phim có sự can thiệp lớn của studio


Đôi khi các đạo diễn có toàn quyền tự do thay đổi, thêm cảnh hay phát triển nhân vật theo ý họ muốn. Tuy nhiên khi khác, các studio lại có can thiệp sâu, ép đạo diễn làm phim theo ý của họ. Điều này có thể xảy ra bởi nhiều lí do khác nhau, ví như thời nay là để sắp đặt cho các phần phim tiếp theo trong tương lai chẳng hạn. Bất đồng về ý tưởng sáng tạo có thể dẫn đến một bộ phim quá lằng nhằng, hoặc có quá nhiều nhân vật cần quan tâm, hoặc đơn giản là chả có gì cái gì hoàn thiện từ A – Z.