10 dự án điện ảnh đắt đỏ bị phàn nàn, chê bai về kỹ xảo

Kỹ xảo điện ảnh thường ngốn một khoản ngân sách lớn của đoàn làm phim. Nhưng không phải lúc nào chúng cũng đem lại hiệu quả như mong muốn.

Jack Frost (1998): Cũng trong 1998, một bộ phim kinh dị có tên Jack Frost ra đời. Còn Jack Frost của ngôi sao Michael Keaton thì nhắm đến đối tượng gia đình, kể về người đàn ông qua đời sau tai nạn giao thông rồi được hồi sinh thành một người tuyết. Chỉ có điều, bộ phim khiến phần đông khán giả cảm thấy không thoải mái. Tạo hình người tuyết trong phim là kết quả hợp tác giữa các nghệ sĩ rối và đội ngũ kỹ xảo. Thành phẩm của họ là nhân vật người tuyết trông đáng sợ, ám ảnh, và lẽ ra phải có mặt ở tác phẩm kinh dị cùng tên.

Shark Tale (2004): Từng có thời các bộ phim hoạt hình xây dựng tạo hình nhân vật giống như diễn viên lồng tiếng. Tuy nhiên, đó không phải lúc nào cũng là lựa chọn khôn ngoan. Bất chấp từng nhận đề cử Oscar, Shark Tale đến nay vẫn thường được ghi nhớ tới bởi tạo hình thiếu thân thiện của chú cá Oscar phỏng theo tài tử Will Smith. Trên thực tế, đề cử Oscar dành cho Shark Tale cũng là điều bất ngờ, bởi bộ phim giễu nhại nhiều tác phẩm hình sự vốn bị báo chí ghẻ lạnh khi ra mắt.

The Polar Express (2004): Đạo diễn Robert Zemeckis là người nổi tiếng thích thử nghiệm công nghệ làm phim hiện đại, và dự án hoạt hình The Polar Express của ông từng tiêu tốn tới 160 triệu USD để thực hiện. Phần lớn số tiền được dành cho phần kỹ xảo và công nghệ motion-capture (ghi hình chuyển động). Tuy nhiên, đây là lúc công nghệ còn chưa hoàn thiện. Hậu quả là đa số nhân vật trong bộ phim kể về chuyến tàu kỳ diệu đúng đêm Giáng Sinh trông vô hồn, thiếu sức sống, đặc biệt ở đôi mắt.

Son of the Mask (2005): Jim Carrey không trở lại với phần hậu truyện của The Mask (1994) và đó xem ra là quyết định đúng đắn. Trong Son of the Mask, Tim Avery (Jamie Kennedy) đeo chiếc mặt nạ kỳ lạ khi ân ái cùng vợ, và họ đẻ ra cậu con trai mang sức mạnh của Loki. Đứa bé mỗi lúc bị kỹ xảo điện ảnh can thiệp khiến nhiều khán giả kinh hãi, và 100 triệu USD kinh phí sản xuất của Son of the Mask xem ra đã bị hoang phí không ít. Thương hiệu The Mask theo đó cũng đã “ngủ yên” trong 15 năm qua.

A Christmas Carol (2009): Đạo diễn Robert Zemeckis tiếp tục theo đuổi công nghệ motion capture khi kể lại câu chuyện kinh điển đêm Giáng Sinh của Charles Dickens. Tuy nhiên, với A Christmas Carol, ông thêm một lần nữa chưa thành công. Jim Carrey rất nỗ lực, nhưng nhân vật của anh và các bạn diễn trên phim trông vẫn thiếu tự nhiên. Hậu quả là khán giả chỉ chăm chăm vào phần kỹ xảo chưa hoàn thiện, và không nhớ nhiều đến phần nội dung tác phẩm.

Mars Needs Mom (2011): Mars Needs Mom đến rồi đi trong sự thờ ơ của khán giả khi thu chưa nổi 40 triệu USD toàn cầu, nhưng trước đó thực tế đã tiêu tốn tới 150 triệu USD để sản xuất. Trên cương vị nhà sản xuất, Robert Zemeckis cùng các cộng sự muốn tạo ra những nhân vật con người thật nhất có thể trong một tác phẩm hoạt hình. Thành quả của họ không được thành công cho lắm, và khiến không ít khán giả tự hỏi tại sao ê-kíp không kết hợp luôn với diễn viên người đóng như nhiều dự án khác.

Teenage Mutant Ninja Turtles (2014): Phiên bản live-action về nhóm Ninja Rùa do Michael Bay sản xuất bị chỉ trích từ trước khi ra rạp. Nhiều fan tỏ ra không hài lòng với tạo hình thiếu thân thiện của các nhân vật chính, đặc biệt ở phần gương mặt trông giống con người hơi là loài rùa. Người hâm mộ sau đó còn thi nhau chỉnh sửa hình ảnh các nhân vật trên mạng Internet sao cho hợp lý hơn, nhưng hãng Paramount rốt cuộc không lắng nghe như với trường hợp của Sonic the Hedgehog hồi 2019.

Rogue One: A Star Wars Story (2016): Trong lúc nhiều ê-kíp tìm cách “trẻ hóa” diễn viên, thì thương hiệu Star Wars theo đuổi điều còn phi thường hơn: “hồi sinh” một diễn viên đã qua đời. Peter Cushing đã mất, nhưng nhân vật Thống chế Tarkin của ông vẫn xuất hiện trong phần ngoại truyện Chiến tranh giữa các vì sao nhờ công nghệ kỹ xảo. Tuy nhiên, khi đứng cạnh những nhân vật người thật, trông Moff Tarkin vẫn còn thiếu tự nhiên, chưa đủ sức thuyết phục. Có lẽ công nghệ kỹ xảo cần thêm thời gian để hoàn thiện điều này.

Justice League (2017): Bên cạnh rất nhiều vấn đề về chất lượng nội dung, Justice League còn bị lên án bởi những phân đoạn có sự góp mặt của Henry Cavill trong vai Superman. Quá trình quay lại của “bom xịt” DCEU diễn ra khi Cavill đang bận rộn ghi hình bom tấn Mission: Impossible - Fallout (2018) cùng Tom Cruise - nơi anh được yêu cầu phải nuôi râu. Theo đó, ê-kíp Justice League sau này phải chỉnh sửa gương mặt của tài tử ở Justice League. Hậu quả là mặt Henry Cavill trong nhiều phân đoạn tỏ ra đơ cứng, thậm chí đáng sợ, và khiến bộ phim càng trở nên thảm họa trong mắt công chúng.

Cats (2019): Từ chỗ được đánh giá là có tiềm năng tranh giải Oscar, Cats rốt cuộc trở thành chủ đề tiếu lâm trong ngành điện ảnh và ẵm hàng loạt giải Mâm xôi vàng năm qua. Công nghệ kỹ xảo tân tiến rốt cuộc khiến các nhân vật mèo trong phim tỏ ra đáng sợ đối với phần đông công chúng. Thậm chí, có người so sánh vui rằng Cats như được thực hiện với một phần mềm chỉnh ảnh đơn giản trên điện thoại. Cuối cùng, bộ phim khiến Universal phải hứng chịu khoản lỗ lên tới gần 100 triệu USD.

(Theo An Thanh - zing.vn)