Bên cạnh việc phản ánh hiện thực sâu sắc, zoom vào cận cảnh những khó khăn, trắc trở mà bất kì người phụ nữ ở độ tuổi 30 nào cũng phải đối mặt, một trong số những yếu tố tạo nên sự thành công bùng nổ của 30 Chưa Phải Là Hếtnhất định phải kể đến những lời thoại hàm súc, khiến người xem vừa tâm đắc vừa trăn trở suy ngẫm. Dưới đây là mười lần 30 Chưa Phải Là Hết sử dụng lời thoại đúng thời điểm, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả màn ảnh nhỏ.
1. 20 quan tâm kiểu dáng, 30 cần quan trọng chất lượng
30 Chưa Phải Là Hết cho thấy rõ ràng sự biến chuyển trong tâm lý, nhu cầu của phụ nữ từ 20 sang 30. Khi còn trẻ, có thể ta sẽ bị thu hút bởi kiểu dáng, vẻ ngoài, đến khi trưởng thành, trải qua thăng trầm nhất định, đồ tốt nhất định phải là hàng chất lượng. Dù là chọn giày như Mạn Ni (Giang Sơ Ảnh), hay chọn túi xách, chọn công việc, chọn người yêu,... tất cả đều tuân theo quy tắc này.
2. Một dấu hiệu không thể thiếu của trưởng thành chính là, lời dễ nghe dành cho người ngoài, những lời khó nghe và sự im lặng thì nuốt vào trong, hoặc là để dành đối đáp với người thân
Trong phim, có lần Mạn Ni từng ngất đi ở nhà riêng khi đang nói chuyện điện thoại với mẹ. Sau đó, vì ở xa, mẹ Mạn Ni phải gọi điện đến đường dây nóng để đưa cô đi cấp cứu. Lúc tỉnh lại, Mạn Ni báo cáo tình hình với phụ huynh qua loa, bảo rằng con ổn, con không sao, mẹ phiền thế, rồi sau đó nằm khóc một mình suốt đêm. Lớn rồi, sao có thể để người thân lo lắng, những khi đau ốm, nếu còn có thể chịu được đều giấu đi. Vừa cảm thấy hổ thẹn với tình yêu thương của bố mẹ, vừa cảm thấy mệt mỏi và khổ sở trước những sóng gió cuộc đời chính là điều mà bất kì ai cũng một lần cảm nhận trong đời, và 30 Chưa Phải Là Hết đã khắc họa chân thực tất cả.
3. Đụng đến con tôi thì không được
Ở tuổi 30, phụ nữ có gia đình, đã có con, một trong số những điều quan trọng nhất đối với họ chắc chắn chính là con cái. Trong 30 Chưa Phải Là Hết, Cố Giai (Đồng Dao) giỏi giang, mạnh mẽ, đã là "mẹ trẻ con", nên khi có người đụng đến con chị, sao chị có thể làm ngơ? Đoạn biết Tử Ngôn bị bắt đưa đến nhà hội trưởng hội phụ huynh, sau đó bị nhốt trong phòng, vừa khóc vừa van xin người lớn thả ra, Cố Giai đến giải cứu con trai đã ném túi xách, cởi giày, dứt khoát túm cổ 2 kẻ chủ mưu đẩy vào trong phòng, đóng cửa, "dạy dỗ" 2 ả một trận tơi bời. Bắt nạt chị, chị vì con có chỗ đứng mà nhẫn nhịn, chứ đụng vào con chị là chị cho biết thế nào là lễ độ ngay.
4. Tôi thà làm con mèo ăn bờ ngủ bụi, cúi đầu kiếm ăn, còn hơn làm con chó để người khác nuôi
"Không gì quý hơn độc lập, tự do". Những người phụ nữ tự đi lên bằng đôi chân của chính mình như Mạn Ni, sống đến 30 tuổi một thân một mình vẫn có thể trụ lại ở thành phố lớn, điều quan trọng nhất vẫn là phẩm giá. Hay nói cách khác, Mạn Ni đã mạnh mẽ và tự lập quen rồi, cô thà làm con mèo ăn bờ ngủ bụi, cúi đầu kiếm ăn, còn hơn làm con chó chờ bố thí tình thương từ người khác. Khi bắt đầu quan hệ với soái ca triệu phú Lương Chính Hiền, Mạn Ni chưa bao giờ mang tư tưởng lệ thuộc vào tiền tài danh vọng từ anh mà không ngừng cố gắng, mong muốn một ngày nào đó có thể ngồi cùng bàn ăn với Lương Chính Hiền và các đối tác kinh doanh, danh chính ngôn thuận sánh vai cùng anh. Trên thực tế, không thể đánh giá lựa chọn và cách sống của mỗi người, tuy nhiên, 30 Chưa Phải Là Hết chính là đã mang lối sống mạnh mẽ, độc lập của không ít phụ nữ 30 ngoài đời thực lên màn ảnh nhỏ, khiến một bộ phận người xem đồng cảm, ngưỡng mộ.
5. - "Người ta bảo hôn nhân là cảng tránh gió. Có ai thành gia lập thất mà không muốn sống những ngày êm ấm?".
- "Vậy ai cũng đòi tránh gió thì ai là bến cảng?"
Hôn nhân không phải chuyện cứ thích là cưới, cưới cho đủ chỉ tiêu, để không phải nghe những lời cằn nhằn, dè bỉu từ xã hội như Trần Dữ và Chung Hiểu Cần (Mao Hiểu Đồng). Nếu chưa chuẩn bị thật kĩ và không có tiền đề nhất định về tư tưởng, vật chất, tình cảm thì đừng cưới. Cưới rồi ai sẽ là bến cảng? Cưới xong khúc sau tính như thế nào?
6. "Tiểu thuyết hay viết phụ nữ sau 30 độc lập tài chính, độc lập nhân cách, biết làm đẹp, biết yêu đương. Nghĩ thấy đẹp như mơ”.
- "Bởi vậy mở đầu tiểu thuyết, người ta thường lưu ý: 'Câu chuyện này hoàn toàn là hư cấu'. Giờ nghĩ lại mới thấy, bản chất của cuộc sống sau gian khó chính là gian khổ chất chồng"
Tiểu thuyết là tiểu thuyết, đời thực là đời thực. Năm 10 tuổi, 20 tuổi đọc tiểu thuyết về cuộc sống những năm 30 tuổi để mộng mơ, ước vọng. 30 tuổi nhìn lại thấy rõ được khoảng cách giữa tiểu thuyết và đời thực, thấy hầu như tất cả chỉ là hư cấu. Đôi khi, sách cũng là một cách để người khác mua vui, chứ chưa chắc phản ánh hiện thực. Nhất là sách dành cho đối tượng có lứa tuổi nhỏ hơn, lại viết về cuộc sống của những người lớn hơn. Xét theo khía cạnh hiện thực, cuộc sống là phải không ngừng đổi thay, không ngừng cố gắng, nên thực tế, đời này chỉ có "ráng lên, giờ chịu cực, mốt chịu khổ, sau bể khổ là qua đời", thế thôi à.
7. "Thứ đầu tiên làm tôi cảm nhận tuổi 30 đã tới không phải sức khỏe, cũng không phải tinh thần xuống cấp, mà là những lo toan về vật chất. So với nỗi bất an trong tình cảm, sự chật vật về vật chất mới là thứ từng phút từng giây ghì bạn xuống."
Lời thoại này đã lột tả chân thực điều tất yếu của cuộc sống người trưởng thành. Khi đã bắt đầu có tuổi, trong số tất thảy mọi lo toan, vật chất là quan trọng nhất. Người yêu có thể không có, nhưng không có tiền là không thể trụ nổi ở thế giới này.
8. "Có những người vốn ghét quyền lực và quy tắc ngầm, nhưng khi bản thân được hưởng lợi lại không thể ngăn nổi bản thân bị cám dỗ. Nếu đã không thể thay đổi quy tắc này, tôi thà không ngồi lên vị trí đó".
Trên đời này, cám dỗ là thứ không phải cứ nói không bị ảnh hưởng là sẽ thật sự tránh được. Cách tốt nhất là tránh xa tất cả. Tư tưởng này, chỉ có thể là những người từng trải mới có thể nghiệm ra. Cái hay của 30 Chưa Phải Là Hết chính là như vậy, có thể thông qua lời thoại, phản ánh hiện thực xã hội sâu sắc, đồng thời, đề cao nhìn nhận của những người phụ nữ ở trong độ tuổi tam tuần.
9. "30 rồi, chỉ dám tin những điều mắt nhìn thấy, tay chạm được"
Tương tự như "20 quan tâm bề ngoài, 30 trọng kiểu dáng". Ở tuổi 30, phụ nữ trưởng thành đã không còn mộng mơ, lý tưởng hóa sự vật, sự việc, chờ đợi những điều không có tiền đề như những năm tháng thanh xuân tươi đẹp mà trở nên mạnh mẽ và thực tế hơn rất nhiều. Như lời Mạn Ni nói, so với những mộng tưởng, hứa hẹn không thể nhìn thấy, phụ nữ ở độ tuổi 30 chỉ tin những điều có thể chạm đến ở ngay trước mắt.
10. "Giờ tụi mình mới 30 thôi mà, còn chưa đi hết nửa chặng đường đời, có gì mà không dám liều?"
Một phần ý nghĩa của tựa phim 30 Chưa Phải Là Hết chắc chắn có bao hàm ý nghĩa như lời thoại của Chung Hiểu Cần. Bởi lẽ, đối với hầu hết tất cả mọi người đang sống và tồn tại trên thế giới này, 30 chỉ mới là nửa đời, 30 chưa phải là hết, huống chi, ta luôn có thể bắt đầu lại từ đầu, dù là bất kì điều gì. Mọi khó khăn, trắc trở rồi sẽ qua, chỉ cần ta cố gắng. Đây chính là tư tưởng lạc quan 30 Chưa Phải Là Hết muốn tuyên truyền đến khán giả màn ảnh nhỏ.
30 Chưa Phải Là Hết lên sóng mỗi ngày lúc 21h00 trên WeTV.