Như chúng ta đã biết, anime là một nền tảng giải trí có nguồn gốc từ Nhật Bản và được trình chiếu chính thức tại nhiều quốc gia trên thế giới. Với nội dung hấp dẫn và cách thức thể hiện hình ảnh độc đáo, anime là một món ăn ngon dành cho khán giả ở nhiều lứa tuổi, và đặc biệt phổ biến đối với giới trẻ. Tuy nhiên bạn có biết rằng đôi khi nội dung của anime cũng rất nhạy cảm và động chạm để rồi bị cấm chiếu tại một quốc gia nào đó hoặc thậm chí ở chính Nhật Bản không? Sau đây là 10 series hấp dẫn và đặc sắc nhưng lại bị cấm hết sức bất ngờ đấy:
10. Excel Saga (1999-2000)
Series anime này đã trình chiếu gần như trọn vẹn tại Nhật Bản, chỉ trừ có tập cuối. Lí do là bởi tập phim này được đánh giá là quá dài, quá bạo lực và vượt quá những gì phạm vi một chương trình chiếu TV cho phép. Do vậy để xem tập cuối, fan hâm mộ buộc phải mua bản DVD phát hành.
9. Hetalia: Axis Power (2009-)
Mọi quốc gia có nhúng tay vào các sự kiện ở Thế Chiến II đều có cơ hội bị mỉa mai trêu đùa ở series anime này. Vậy quốc gia nào đã cảm thấy bị xúc phạm và cấm “Hetalia: Axis Powers”? Câu trả lời là Hàn Quốc. Mọi chuyện tỏ ra hết sức nghiêm trọng khi series này bị coi là “tội quốc gia” và có người tụ tập biểu tình phản đối bên ngoài đài truyền hình đang lên sóng. Cuối cùng, nhà sản xuất đã phải cắt bỏ nhân vật đại diện Hàn Quốc trong anime.
8. Puni Puni Poemy (2001)
Đội ngũ đằng sau “Excel Saga” một lần nữa lại phạm quy với series spin-off này khi nó bị cấm ở New Zealand với lí do tương tự. Được đánh giá là quá hở hang, quá thô thiển và quá bạo lực đối với khán giả nhỏ tuổi, “Puni Puni Poemy” có nội dung chế giễu thể loại ma pháp thiếu nữ nên chứa đựng nhiều hình ảnh nhạy cảm.
7. Mr. Osomatsu (2015-)
Với nội dung hết sức hài hước và quái đản xoay quanh một sáu anh em nhà Matsuno, “Mr. Osomatsu” mang đến nhiều tiếng cười được yêu mến bởi nhiều khán giả. Trong khi hầu hết các tập phim đều được trình chiếu thông thường bất kể những trò đùa quái chiêu và có phần người lớn, có một tập đã bị cấm ở Nhật Bản vì vấn đề bản quyền và chế nội dung.
6. Tokyo Ghoul (2014-)
Đây là một trong những anime tăm tối nhất trong vài năm gần đây, và đó là lí do tại sao nó bị cấm tại Trung Quốc. Với cường bạo lực và máu me cao, “Tokyo Ghoul” đã nhanh chóng lọt vào danh sách đen của các cơ quan chức năng địa phương.
5. Attack on Titan (2013-)
Nếu như “Tokyo Ghoul” nổi tiếng bởi một thế giới quan tăm tối, máu me và kinh tởm, chúng ta lại có thêm một series nữa với cường độ bạo lực chẳng kém là “Attack on Titan”. Và thử đoán xem quốc gia nào đã cấm series này? Một lần nữa lại là Trung Quốc.
4. Kinnikuman (1983-1986)
Quay trở lại với anime hài hước và ngốc nghếch, “Kinnikuman” là một series nổi tiếng của thập niên 80’ với nhân vật chính là một siêu anh hùng đô vật. Mặc dù tấm lòng nghĩa hiệp, nhưng Kinnikuman khá hậu đậu và ngớ ngẩn nên gây ra đủ tình huống hết sức tức cười. Vậy tại sao series đáng yêu này bị cấm ở nước Pháp? Lí do là bởi nhân vật Brocken Jr., người có xuất thân là con trai của một tên phát xit Đức.
3. High School DxD (2012-)
Ở “High School DxD”, khán giả sẽ theo chân Hyodo Issei, một cậu học sinh biến thái vô tình bị cuốn vào cuộc xung đột ác liệt giữa quỷ dữ, thiên thần. Vậy đâu là lí do để series này bị cấm? Nguyên nhân là bởi hàng tá cảnh khoe thân của các nữ nhân vật và New Zealand đã nhanh chóng gạch tên nó ra khỏi hạng mục hoạt hình phát sóng trên TV ở nước mình.
2. Death Note (2006-07)
Đã bao giờ bạn cảm thấy quá ghê tởm và căm hặn thế giới đến mức muốn tự tay mình sửa chữa nó? Yagami Raito đã làm thế khi cậu ta có trong tay một cuốn sổ tử thần với khả năng giết chết bất cứ ai được ghi tên trong đó. Với nội dung tăm tối thế này, Trung Quốc đã cấm “Death Note” vì sợ nó phá hoại tâm hồn trẻ em.
1. Pokémon (1997-)
Bạn có lẽ sẽ không lường tới việc cái tên này xuất hiện ở vị trí top đầu, nhưng đó lại là sự thực. “Pokémon”, một trong những series anime được trẻ em yêu mến nhất mọi thời đại, đã bị cấm ở Ả Rập bởi quốc gia nặng tôn giáo này cho rằng nó có yếu tố đánh cược cờ bạc và Do Thái trong đó.