10 thương hiệu điện ảnh dựa trên văn học ăn khách nhất

“Harry Potter”, “Chạng vạng” hay “Chúa nhẫn” là những tựa đề quen thuộc đối với cả người yêu văn học lẫn những ai đam mê bộ môn nghệ thuật thứ bảy.


10. Jason Bourne: Jason Bourne là đứa con tinh thần của tiểu thuyết gia Robert Ludlum. Tác phẩm ra mắt công chúng mang tựa đề The Bourne Identity (1980), và được tiếp nối bởi The Bourne Supremacy (1986), The Bourne Ultimatum (1990). Đáng tiếc thay, Ludlum qua đời năm 2001, tức đúng một năm trước khi The Bourne Identity đặt chân lên màn bạc.


The Bourne Identity thu 121 triệu USD tại riêng Bắc Mỹ và tổng cộng 214 triệu USD trên toàn cầu. Đến nay, năm tập phim Jason Bourne đã mang về cho nhà sản xuất hơn 1,6 tỷ USD. Hóa thân thành điệp viên Jason Bourne, tài tử Matt Damon có được vai diễn để đời. Hiện nhà sản xuất muốn tiếp tục thực hiện loạt Bourne, nhưng Damon cho biết anh sẽ chỉ quay lại sắm vai Jason Bourne nếu như Paul Greengrass còn ngồi trên ghế đạo diễn.


9. Jumanji: Tác giả và họa sĩ minh họa sách thiếu nhi Chris Van Allsburg xuất bản cuốn sách giả tưởng Jumanji vào năm 1981. Bộ phim chuyển thể cùng tên ra đời sau đó 14 năm, với nội dung theo chân Alan và Sarah khi đôi thiếu niên vô tình tìm thấy trò chơi kỳ quái Jumanji. Sau đó, Alan bị kẹt lại thế giới trò chơi. 26 năm sau, Judy và Peter khởi động lại Jumanji, giúp Alan quay trở lại hiện tại. Nhưng tất cả phải hoàn tất trò chơi còn dang dở ấy. Thời điểm năm 1995, phim thu 262 triệu USD trên toàn cầu.


Cuối năm 2017, Jumanji: Welcome to the Jungle mới ra đời như nỗ lực tái khởi động thương hiệu. Có sự tham gia của Dwayne "The Rock" Johnson và nội dung giải trí hấp dẫn, tác phẩm bất ngờ thu hơn 962 triệu USD, bất chấp phải đối đầu Star Wars: The Last Jedi (2017) trong cùng mùa Giáng Sinh. Cộng thêm Jumanji: The Next Level (2018) và phần ngoại truyện Zathura (2005), thương hiệu đã mang về cho nhà sản xuất tổng cộng hơn 2 tỷ USD


8. Planet of the Apes: Loạt phim Hành tinh khỉ bắt đầu vào năm 1968 với nội dung dựa trên cuốn tiểu thuyết La Planète des singes (1963) của nhà văn người Pháp Pierre Boulle. Với ngân sách ban đầu 5,8 triệu USD, bộ phim chuyển thể Planet of the Apes (1968) đã thu về 33 triệu USD.


Sau đó, thương hiệu được kéo dài qua hơn nửa thế kỷ dưới bàn tay của nhiều nhà sản xuất khác nhau. Trong đó, loạt phim tái khởi động thương hiệu kéo dài từ 2011 tới 2017 được giới phê bình đặc biệt đánh giá cao, và Planet of the Apes chắc chắn chưa dừng lại ở đó. Tổng cộng 9 tập phim về thế giới hậu tận thế khi loài linh trưởng dần nắm quyền thống trị Trái Đất tới nay thu hơn 2,2 tỷ USD toàn cầu


7. Frozen: Bom tấn hoạt hình Frozen có nội dung lấy cảm hứng từ tác phẩm Bà chúa tuyết (1844) của tác giả Hans Christian Andersen. Nhà văn người Đan Mạch đã sáng tác toàn bộ câu chuyện trong khoảng 5 ngày. Năm 2013, Frozen gây ra cơn sốt lớn trên khắp toàn cầu. Tổng doanh thu lên tới 1,2 tỷ USD khiến chính Disney cũng phải ngạc nhiên và kế hoạch làm tiếp phần hai lập tức được triển khai.


Với thành tích 1,5 tỷ USD, Frozen II (2019) đã giúp nâng tổng doanh thu của thương hiệu tại phòng vé lên tới 2,7 tỷ USD. Sẽ không ngạc nhiên nếu "nhà chuột" tìm cách kể tiếp câu chuyện về hai chị em Elsa - Anna cùng những người bạn đồng hành trong thời gian tới


6. The Hunger Games: Theo số liệu của Amazon, tác phẩm văn học của Suzanne Collins đã bán được 50 triệu bản toàn cầu, và nằm trong top đầu của nền tảng trực tuyến. Năm 2012, đạo diễn Gary Ross đưa tác phẩm lên màn bạc với tài năng trẻ khi ấy là Jennifer Lawrence. Câu chuyện lấy bối cảnh vùng đất Panem vốn là nước Mỹ thời hậu tận thế, với sự trỗi dậy của người dân lấy cảm hứng từ tinh thần quật khởi của Katniss Everdeen (JLaw) bên trong Đấu trường Sinh tử.


Trên những trang sách, The Hunger Games kéo dài ba cuốn. Còn trên màn bạc, thương hiệu được thực hiện tổng cộng bốn phần phim, đạt tổng doanh thu 2,9 tỷ USD. Tới đây, phần tiền truyện của The Hunger Games sắp được Suzanne Collins xuất bản, và hãng Lionsgate đã sớm lên kế hoạch đưa tác phẩm văn học lên màn ảnh rộng


5. The Twilight Saga: Loạt tiểu thuyết Chạng vạng của tác giả Stephenie Meyer đã được dịch sang 37 ngôn ngữ khác nhau và bán được hơn 250 triệu bản toàn cầu. Trên màn ảnh, loạt phim kéo dài bốn phần, giúp biến bộ đôi Robert Pattinson - Kristen Stewart trở thành những ngôi sao được săn đón.


Trên thực tế, bốn tập phim The Twilight Saga chỉ nhận được sự ghẻ lạnh từ giới phê bình và không được nhiều người đánh giá cao. Song, lực lượng fan hùng hậu của thương hiệu giúp chùm tác phẩm thu tới 3,3 tỷ USD toàn cầu. Gần 10 năm trôi qua, cả Stewart lẫn Pattinson vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của Chạng vạng.


4. Shrek: Tác giả William Steig cho xuất bản Shrek! vào năm 1990 và tác phẩm dành cho thiếu nhi lập tức gặt hái một số giải thưởng uy tín. Nhưng phải 10 năm sau, Shrek! mới được chuyển thể thành phim hoạt hình và thu gần nửa tỷ USD tại phòng vé. Đáng chú ý, Shrek là tác phẩm đầu tiên thắng giải Phim hoạt hình xuất sắc khi Viện hàn lâm mở ra hạng mục này.


Năm 2003, William Steig qua đời nên ông không thể tiếp tục chứng kiến sự thành công của “đứa con tinh thần”. DreamWorks đã sản xuất thêm ba bộ phim hoạt hình dài, cùng một phần ngoại truyện Puss in Boots (2011) về Mèo đi hia (Antonio Banderas). Tổng doanh thu của năm tác phẩm lên tới hơn 3,5 tỷ USD toàn cầu. 10 năm đã trôi qua kể từ Shrek Forever After (2010), các nhà sản xuất hiện vẫn nuôi ý định thực hiện tiếp Shrek 5


3. Lord of the Rings: Nguyên tác Chúa nhẫn của J.R.R. Tolkien từng được dịch sang hơn 50 ngôn ngữ, và thuộc nhóm tác phẩm văn học giả tưởng vĩ đại nhất mọi thời đại. Đầu thế kỷ XXI, đạo diễn Peter Jackson quyết định đưa miền đất Trung Địa cùng những câu chuyện bi hùng ở đó lên màn bạc


Ba tập phim Lord of the Rings của Jackson đem về hơn 2,98 tỷ USD. Riêng tập ba - The Return of the King (2003) - còn giành được 11 giải Oscar ở cả 11 hạng mục mà bộ phim tranh giải. Chưa dừng lại tại đó, nhà làm phim tài ba thực hiện tiếp The Hobbit trong khoảng 2012-2014. Dù không được đánh giá cao bằng Lord of the Rings, loạt phim lấy nhân vật Bilbo Baggins (Martin Freeman) làm trung tâm tiếp tục đem về 2,93 tỷ USD. Theo đó, tổng thành tích thương hiệu tại phòng vé lên tới 5,8 tỷ USD.


2. 007: Tác giả Ian Fleming trình làng cuốn tiểu thuyết đầu tiên về James Bond vào năm 1953, còn bộ phim 007 đầu tiên - Dr. No - ra đời năm 1962. Toàn bộ chuỗi tác phẩm văn học về chàng nhân vật điệp viên hào hoa do ông sáng tác đều đã được chuyển thể lên màn ảnh rộng.


Không phải tự nhiên mà James Bond vẫn đứng vững trên màn bạc sau hơn một nửa thế kỷ và trải qua 6 đời diễn viên. 007 liên tục biến hóa theo thời gian, phản ánh một phần chính trị thế giới và văn hóa đương thời. Sau 24 bộ phim, thương hiệu điện ảnh thu về tổng cộng 7,1 tỷ USD toàn cầu. Con số sẽ tiếp tục tăng cao khi No Time to Die - tập phim thứ 25 và đánh dấu lần cuối Daniel Craig sắm vai chính - ra mắt khán giả trong cuối năm nay


1. Harry Potter: Bộ tiểu thuyết Harry Potter của J.K. Rowling là một hiện tượng trong ngành xuất bản khi bán được hơn 500 triệu bản trên toàn thế giới. Do đó, các bộ phim chuyển thể do Warner Bros. sản xuất cũng được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Hãng đã thực hiện tổng cộng 8 bộ phim chuyển thể trong vòng 10 năm


Cậu bé phù thủy cùng những người bạn đã giúp xưởng phim của những giấc mơ thu gần 7,75 tỷ USD trên khắp toàn cầu. Không chịu để mỏ vàng ngủ yên, Warner Bros. tiếp tục hợp tác với J.K. Rowling để thực hiện loạt phim ngoại truyện Fantastic Beasts, với câu chuyện xảy ra từ nhiều năm trước Harry Potter, dự kiến kéo dài 5 phần. Sau hai tập phim với Eddie Redmayne đóng chính, thế giới phù thủy của Rowling đã nâng tổng thành tích doanh thu lên 9,2 tỷ USD.

(Theo Phương Văn - zingnews.vn)