10 thương hiệu từng rất hot nhưng đang dần "chìm nghỉm" theo thời gian

“Kẻ hủy diệt”, “Men in Black” hay “Cướp biển vùng Caribbean” là những thương hiệu điện ảnh từng được nhiều khán giả yêu mến, nhưng nay đi vào ngõ cụt trong việc thu hút khán giả.

MỤC LỤC [Hiện]

Terminator: Kẻ hủy diệt có lẽ sẽ ngủ yên. Sau hai phần đầu được xếp vào hàng kinh điển, thương hiệu hành động - khoa học viễn tưởng đâm đầu vào ngõ cụt. Ba lần tái khởi động, với lần lượt Terminator Salvation (2009), Terminator: Genisys (2015) và Terminator: Dark Fate (2019), đều thất bại. Dù cố gắng làm mới thương hiệu với các ngôi sao trẻ, hay cố gắng bám vào dĩ vãng khi mời lại diễn viên của hai phần đầu, Kẻ hủy diệt cũng không thể lôi kéo khán giả tới rạp. Dark Fate xem ra là dấu chấm hết cho thương hiệu của James Cameron.

Men in Black: Sự phối hợp ăn ý giữa Will Smith và Tommy Lee Jones giúp tạo ra tác phẩm khoa học viễn tưởng mang màu sắc hài hước đáng nhớ của thập niên 1990. Tuy nhiên, Men in Black II (2002) là bước lùi nghiêm trọng so với phần đầu. Men in Black 3 (2012) mang đến dấu hiệu tích cực, chủ yếu nhờ sự góp mặt của Josh Brolin trong vai mật vụ K thời trẻ tuổi. Nhưng tái khởi động thương hiệu với Chris Hemsworth qua Men in Black: International thêm một lần nữa kéo tụt chất lượng loạt phim. Thất bại phòng vé có lẽ khiến Sony phải tính đến chuyện mời lại Will Smith.

Pirates of the Caribbean: Cướp biển vùng Caribbean là thương hiệu thành công của Disney, giúp “nhà chuột” thu về khoản lợi nhuận khổng lồ từ các bộ phim và vô số vật phẩm, hoạt động ăn theo. Song, từ Curse of the Black Pearl (2003) cho tới Salazar’s Revenge (2017), niềm hâm mộ của khán giả đã dần trở nên nguội lạnh. Ngoại trừ Jack Sparrow, không còn cái tên nào được quan tâm, dù bản thân nhân vật của Johnny Depp cũng đã tẻ nhạt đi nhiều phần. Doanh thu thụt lùi của phần 5 khiến Disney đang chới với giữa hai lựa chọn: làm tiếp phần 6 hay tống cổ cả Johnny Depp để tái khởi động toàn bộ thương hiệu.

Die Hard: Nhiều fan cho rằng câu chuyện về viên cảnh sát gan lì John McClane (Bruce Willis) nên dừng lại ở phần ba. Tuy nhiên, Hollywood không nghĩ như vậy. Live Free or Die Hard (2007) mang đậm tính giải trí, nhưng bị nhiều fan cho là “mất chất”. Đến A Good Day to Die Hard (2013), tất cả đều đồng ý rằng John McClane nên “về vườn”. Trên thực tế, Die Hard 6 đã được lên kế hoạch triển khai. Nhưng vụ sáp nhập Fox vào Disney khiến mọi chuyện ngưng trệ. Hiện chưa rõ số phận tương lai của loạt phim hành động ra sao.

The Matrix: Ra đời năm 1999, Ma trận là tác phẩm kinh điển của dòng phim khoa học viễn tưởng, nên các dự án hậu truyện rất được mong đợi. Không quá tồi, nhưng The Matrix Reloaded (2003) và The Matrix Revolutions (2003) gây ra vô số tranh cãi trong cộng đồng người hâm mộ. Việc doanh thu phần ba kém phần hai tới hơn 300 triệu USD đã phản ánh điều đó. Hiện chị em đạo diễn nhà Wachowski đang bắt tay thực hiện Ma trận 4 với dàn sao quen thuộc. Hy vọng họ có thể tìm thấy lối đi hợp lý mới cho thương hiệu.

https://shorten.asia/DmbtqZZM

Batman: Từ hình tượng kinh điển của Michael Keaton, Người Dơi biến thành trò cười dưới sự thể hiện của George Clooney. Toàn bộ câu chuyện chỉ diễn ra trong chưa đầy 10 năm. Batman (1989) và Batman Returns (1992) đáng nhớ ra sao, thì Batman Forever (1995) và Batman & Robin (1997) đáng quên bấy nhiêu. Thất bại của bộ phim năm 1997 khiến Warner Bros. không dám động tới nhân vật suốt một thời gian dài. Chỉ khi Christopher Nolan xuất hiện và thực hiện Batman Begins (2005), siêu anh hùng mới hồi sinh trên màn bạc. Sắp tới, siêu anh hùng Gotham sẽ có phim riêng mang tựa đề The Batman thuộc DCEU.

RoboCop: Đạo diễn Paul Verhoeven gây ngạc nhiên khi tạo ra một tác phẩm hành động bạo lực với những thông điệp mỉa mai sâu cay nước Mỹ. Sau đó, không ai có thể vượt qua cái bóng mà nhà làm phim người Hà Lan để lại. Lần lượt RoboCop 2 (1990), RoboCop 3 (1993) hay cả bản tái khởi động năm 2014 đều tỏ ra nhàm chán và sớm trôi qua trong tâm trí người hâm mộ. RoboCop rất khó có cơ hội quay lại màn ảnh, và chủ sở hữu thương hiệu có lẽ nên tập trung kiếm tiền nhờ đồ chơi ăn theo hoặc các định dạng giải trí khác.

Superman: Năm 1978, Superman của Richard Donner tạo ra cuộc cách mạng cho dòng phim giải trí. Nhưng chưa đầy 10 năm sau, Superman: The Quest for Peace (1987) bị xếp vào hàng ngũ thảm họa điện ảnh. Nhà sản xuất từng cố gắng tái khởi động thương hiệu với Superman Returns (2006) hay Man of Steel (2013) thuộc DCEU. Tuy nhiên, cả hai đều gây ra không ít tranh cãi về mặt nội dung. Ở DCEU, Siêu Nhân của Henry Cavill tới nay vẫn chưa có phim riêng thứ hai.

Jaws: Hàm cá mập của đạo diễn Steven Spielberg là tác phẩm kinh điển giúp khai sinh ra khái niệm mùa phim hè bom tấn, đồng thời là ví dụ tiêu biểu cho các thương hiệu bị “vắt sữa” đến cạn kiệt ở Hollywood. Không nhiều người nhớ tới hoặc muốn nhắc đến Jaws 2 (1978), Jaws 3-D (1983) hay Jaws: The Revenge (1987). Trong đó, Jaws: The Revenge thậm chí phải ẵm 8 đề cử Mâm xôi vàng vì chất lượng dở tệ.

Thế giới phù thủy: 8 tập phim Harry Potter giúp Warner Bros. gặt hái thắng lợi phòng vé vang dội và làm nức lòng độc giả hâm mộ cậu bé phù thủy. Nhà sản xuất quyết không để thương hiệu dừng lại khi đánh tiếng với J.K. Rowling để thực hiện ba phần ngoại truyện Fantastic Beasts. Sau Fantastic Beasts and Where to Find Them (2016) tương đối thành công về mặt doanh thu, Warner Bros. lập tức thông báo kéo dài loạt phim thành năm tập. The Crimes of Grindelwald (2018) cho thấy nhiều vấn đề về mặt nội dung và thụt lùi về mặt doanh thu. Tất cả khiến thương hiệu phim phù thủy hiện đứng trước vô vàn khó khăn.