(Bài viết tiết lộ nội dung phim, cân nhắc trước khi xem)
Tiếp nối thành công của bộ phim kinh điển The Shining và cũng là để tri ân tác phẩm của đạo diễn Stanley Kubrick, bộ phimDoctor Sleep: Kí Ức Kinh Hoàng (tựa gốc: Doctor Sleep) ra mắt vào tháng 11 năm nay viết tiếp câu chuyện đời đầy trắc trở của gia đình Torrance. Trung tâm của bộ phim là nhân vật Dan Torrance (Ewan McGregor) chống chọi với chứng nghiện rượu và những bóng ma ám ảnh không thôi của khách sạn Overlook xưa kia, đồng thời phải chống lại một thế lực hắc ám săn đuổi những người có khả năng đặc biệt. Không chỉ vậy, bộ phim còn chứa vô số "trứng phục sinh" – những chi tiết ẩn giấu thú vị mà một "fanboy" của Stephen King như đạo diễn Mike Flanagan dành tặng khán giả.
1. Văn phòng của bác sĩ John Dalton
Trong Doctor Sleep, văn phòng của bác sĩ John Dalton người cho phép Danny làm việc tại nhà tế bần được sắp xếp rất giống văn phòng của quản lý Stuart Ullman trong The Shining. Trong phần phim của Kubrick, Ullman là người đã phỏng vấn Jack Torrance – bố của Dan Torrance vào vị trí trông coi khách sạn Overlook vào mùa đông.
2. Số 217
Trong nhà tế bần, con mèo Azzie (tên đầy đủ là Azrael - Thiên thần của Cái chết) dường như luôn "đánh hơi" được bệnh nhân nào sẽ chết nên thường lẻn vào để ngồi vào lòng họ. Phòng bệnh nhân đầu tiên mà Azzie chạy vào có một ông già hấp hối được đánh số 217.
Trong nguyên tác tiểu thuyết, phòng khách sạn 217 mới là phòng xảy ra những sự kiện đáng sợ chứ không phải 237 như trên phim. Tuy nhiên khách sạn Timberline Lodge (nơi được mượn làm trường quay của phim The Shining) đã yêu cầu đổi sang phòng 237 (vốn không tồn tại) do lo ngại du khách sẽ lo sợ mà không dám ở phòng 217 sau khi phim được chiếu.
3. Vai khách mời của Danny Lloyd
Danny Lloyd – người thủ vai Danny của The Shining có một vai cameo nho nhỏ trong Doctor Sleep khi anh vào vai khán giả trong trận đấu bóng chày. Dù nổi tiếng với vai trò một sao nhí, nhưng sau The Shining và một vài bộ phim khác, Danny Lloyd quyết định không đóng phim nữa. Hiện tại anh là giáo sư sinh học tại Kentucky.
4. Những đoạn trong tiểu thuyết “The Shining” không có mặt trong bộ phim năm 1980 được tại hiện
Trong The Shining, Stanley Kubrick đã lược bỏ nhiều đoạn trong nguyên tác của Stephen King. Mike Flanagan đã đưa một số vào Doctor Sleep, nhất là trong đoạn cuối khi Dan gọi Jack/Lloyd là “gương mặt giả”. Tương tự, Abra cũng gọi Dan khi bị khách sạn Overlook kiểm soát tâm trí là “mặt giả” y hệt cách Dan nói với Jack năm nào. Ngoài ra, câu thoại “uống thuốc đi” của Jack nói với Dan trong truyện cũng chưa bao giờ được lên phim của Kubrick.
5. Phòng nồi hơi
Mike Flanagan đã sử dụng cái kết của The Shining trong truyện để khép lại Doctor Sleep. Khác với cái kết trên màn ảnh, trong nguyên tác, Jack đã giữ mình tỉnh táo để Dan và Wendy có thời gian chạy thoát, còn anh ta đi xuống phòng nồi hơi và làm nổ tung khách sạn Overlook. Vì thế, trong tiểu thuyết Doctor Sleep, khi Dan và Abra tới sườn núi thì nơi đây chỉ còn là đống đổ nát.
6. Số nhà của gia đình Stone
Ngôi nhà của gia đình nhà Stone mang số 1980. Đây là năm ra mắt của bộ phim The Shining.
7. Chiếc áo len xanh da trời
Trong buổi gặp mặt hội nhóm cai rượu đánh dấu 8 năm Danny tránh xa con ma men, anh mặc chiếc áo len màu xanh da trời cùng màu với chiếc áo “Apollo 11” mà Dan mặc hồi còn bé trong khách sạn Overlook.
8. Abracadabra!
Khi còn bé, Abra tham gia một bữa tiệc. Ở đó, ảo thuật gia hỏi các em bé câu thần chú nào sẽ khiến điều kỳ diệu xảy ra. Câu trả lời là “Abracadabra!” – dự đoán vai trò của cô bé mang tên Abra trong bộ phim này.
9. Máy đánh chữ
Có ít nhất hai chiếc máy đánh chữ xuất hiện trong The Shining của Kubrick và một chiếc đã xuất hiện trở lại trong Doctor Sleep. Để tìm ra chiếc máy đánh chữ hiệu Adler mà Jack Torrance từng sử dụng, nhóm đạo cụ đã phải sang tận Đức để kiếm được một chiếc về phục vụ cho quá trình ghi hình.
10. Cầu thang định mệnh
Cách mà Rose the Hat tiếp cận Dan trong Doctor Sleep giống y hệt đoạn Jack tiến tới Wendy trong The Shining.
11. Vết thương ở chân
Tương tự thì Dan cũng bị vết thương ở chân cùng vị trí, y hệt bố mình tại Overlook năm xưa.
12. Sự “trở lại” của Jack Torrance
Jack Torrance trở lại trong Doctor Sleep với cảnh phim tại quầy bar. Nhờ chỉnh sửa kỹ xảo máy tính, trông Jack không khác gì Nicholson hồi còn đóng The Shining. Thú vị ở chỗ người vào vai nhân vật này là Henry Thomas – quý ông nhẵn mặt với phim của Mike Flanagan vì từng đóng Hugh Crain trong The Haunting of Hill House và Tom trong Gerald's Game.
13. Hàng tá “trứng” về “Dark Tower”
Có lẽ để dân tình ngóng trông phim truyền hình chuyển thể sắp ra mắt The Stand, Doctor Sleep rất rộng rãi rải đều “trứng phục sinh” liên quan đến loạt truyện The Dark Tower của Stephen King. Có thể kể ra một vài chi tiết như sau.
Dick Hallorann nói với Dan câu “Ka is a wheel” (tạm dịch: con tạo xoay vần) vốn là một câu văn lấy trực tiếp từ truyện The Dark Tower III: The Waste Lands.
Số áo của cậu bé đánh bóng chày là 19 – con số lặp đi lặp lại trong vũ trụ của The Dark Tower.
Chiếc xe buýt "Tet Transit" gợi nhắc tập đoàn Tet trong The Dark Tower.
Khu công nghiệp nơi cậu bé Bradley Trevor bị giết hại và chôn xác thuộc sở hữu của công ty LaMerk – một cái tên quen thuộc xuất hiện trong truyện The Dark Tower.
Poster của nhạc sĩ Joe Collins hay còn gọi là Dandelo – một sinh vật trong The Dark Tower.
14. Mã Morse
Trong một số cảnh quay, ánh sáng lập loè trong Overlook không phải được bố trí một cách ngẫu nhiên mà trong thực tế nó là một cách truyền dữ liệu bằng mã Morse. Một số “thông điệp” được truyền thông qua nguồn sáng đó bao gồm ngày sinh của Stanley Kurbirk, “REDRUM”, “Phòng 237” và câu thoại “Cứ làm việc mà không hưởng thụ”.
Trailer phim "Doctor Sleep"
Doctor Sleep: Kí Ức Kinh Hoàng đang được công chiếu tại các rạp trên toàn quốc.