Vượt mốc một triệu người xem sau hơn 1 tuần công chiếu tại Hàn Quốc, đứng đầu phòng vé Việt Nam trong hai ngày khởi chiếu đầu tiên, Cục Nợ Hóa Cục Cưng xứng đáng là bộ phim tình cảm không thể thiếu đối với những mọt yêu phim ngay lúc này. Một câu chuyện gia đình tưởng chừng như có vấn đề nhưng rồi cứ thế nhẹ nhàng hoàn hảo đi sâu vào lòng người. Không có những cú twist hay sự bùng nổ về mặt nội dung nhưng phim lại được tái hiện bởi dàn diễn viên chất lượng nhất nhì màn ảnh xứ Kim Chi. Cục Nợ Hóa Cục Cưng thật sự là một tựa phim tình cảm đáng xem đấy nhé.
Trailer Cục Nợ Hóa Cục Cưng
1. Lay động triệu trái tim với câu chuyện gia đình “bất đắc dĩ” nhất màn ảnh Hàn
Gợi nhớ bối cảnh ở Incheon Hàn Quốc những năm 1994, Cục Nợ Hóa Cục Cưng bắt đầu bằng câu chuyện gia đình “kỳ lạ” nhất màn ảnh Hàn. Cụ thể, Doo Seok (Sung Dong Il) và Jong Bae (Kim Hie Won) là hai tay đòi nợ thuê khét tiếng nhất vùng, trong một lần “tác nghiệp”, cặp đôi đã bắt cóc bé gái Seung Yi (Park Soi) 9 tuổi - làm vật thế chấp cho số nợ của mẹ cô bé. Thật không may mẹ Seung Yi vì là dân nhập cư bất hợp pháp nên đã bị trục xuất khỏi nước, vậy là Doo Seok, Jong Bae và Seung Yi từ người đi đòi nợ lại trở thành hai ông bố “bất đắc dĩ” với vô vàn tình huống dở khóc dở cười ngay sau đó.
Nếu Moon Young (Seo Ye Ji) trongĐiên Thì Có Sao từng định nghĩa “gia đình thì chỉ cần chụp ảnh chung là thành gia đình thôi” thì câu chuyện phim của Cục Nợ Hóa Cục Cưng cũng đã khai sáng thêm một khái niệm mới về gia đình - chỉ cần yêu thương thì sẽ là gia đình. Không cùng chung máu mủ ruột rà, nhưng Doo Seok và Jong Bae và mới đích thị là một gia đình đúng nghĩa bởi tình yêu thương và sự quan tâm chân thành mà những con người vốn dĩ xa lạ này dành cho nhau.
Cục Nợ Hóa Cục Cưng còn khéo léo khi cài cắm hai người đàn ông có tính cách hoàn toàn đối lập nhau, để cùng nhau chăm sóc đứa trẻ; một cộc cằn thô lỗ - một nhẹ nhàng, ấm áp, sẽ cho người xem những cảm nhận thú vị và đúng nghĩa về một gia đình có cả "bố lẫn mẹ" thật đặc biệt. Đây vừa là yếu tố nhân văn đồng thời cũng là điểm sáng tạo đầy mới mẻ của phim.
Điều “giản đơn” để làm nên một gia đình đúng nghĩa nêu trên đôi khi thật xa xỉ với ngay bố mẹ ruột của đứa bé gái Seung Yi trong phim. Vì nợ nần mà dẫn đến hoàn cảnh cùng cực phải đưa đứa bé trốn chui, trốn lủi bất hợp pháp; cũng vì không mẹ không cha mà đã phải nếm mùi đớn đau bạo lực và bỏ rơi khi còn quá nhỏ. Thử hỏi nếu không có hai người bố mới thì liệu cuộc đời cô bé sẽ đi về đâu.
2. Nét diễn gây hài đầy duyên dáng của ông bố quốc dân kết hợp cùng sao nhí Park Soi mang đến tiếng cười, rồi cũng lấy đi nước mắt của khán giả
Từng gây sốt với vai diễn bố của Duk Sun (Hyeri) trong siêu phẩm gia đìnhReply 1988, ông bố quốc dân ngày nào đã trở lại màn ảnh rộng trong vai diễn người bố bất đắc dĩ ở Cục Nợ Hóa Cục Cưng. Thường xuyên đảm nhận kiểu vai người bố ngoài lạnh trong ấm, Sung Dong Il luôn biết cách chinh phục trái tim người xem bởi nét diễn tự nhiên và chân tình của mình. Tình cảm của người bố được Sung Dong Il thể hiện xuất sắc qua ánh mắt, hành động mượt mà, có đôi khi sẽ kết hợp với loạt lời thoại, tình huống hài hước đan xen trong cốt truyện, khiến khán giả vừa cười lại khóc nấc.
Về phần cô bé diễn viên nhí, không phải ngẫu nhiên mà Park Soi có thể đánh bại được 300 đối thủ đồng trang lứa khác để giành xuất diễn trong phim. Sở hữu vẻ ngoài tươi tắn đáng yêu kết hợp cùng lối diễn xuất chân thật, Park Soi thực sự là một nhân tố nhí quan trọng làm nên phần hồn cho phim.
Nam diễn viên Kim Hie Won cũng khoác lên một lớp áo mới với hình tượng xưa nay hiếm thấy trên màn ảnh. Trong phim, Kim Hie Won vào vai Jong Bae - một ông chú hiền lành, sống vô cùng tình cảm và hài hước.
3. Tan chậm với những thước phim vui buồn đan xen, tình cảm gia đình cứ thế nhẹ nhàng đi vào lòng người
Cục Nợ Hóa Cục Cưng là tựa phim khiến bạn sẵn sàng khóc lụt rạp vì nó nhưng tuyệt nhiên không phải là bộ phim cho bạn cảm giác buồn rười rượi từ đầu đến cuối. Phim là sự đan xen, pha lẫn giữa hai yếu tố vui buồn được cài cắm vô cùng tự nhiên và khéo léo. Những giọt nước mắt sẽ rơi vì niềm vui hạnh phúc hoặc nụ cười sẽ nở khi bạn cảm nhận được tình cảm gia đình, tình bố con trong từng chuyển động của phim.
Tình bố trong từng thước phim cũng mang đến cho người xem cảm giác thật gần gũi và thân thuộc. Không thi vị hóa hình ảnh người bố, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy quen thuộc thậm chí là nhìn thấy hình ảnh gia đình mình qua từng thước phim. Một ông bố khi thô lỗ, cục cằn, không biết cách thể hiện tình cảm với con mình, lúc ấm áp, ngọt ngào và có thể làm mọi thứ vì con, bạn có thấy quen thuộc không?
Con cái là cục nợ mà cũng là cục cưng của bố mẹ và ngược lại. Nhìn phim ở khía cạnh đời thực, người xem có thể dễ dàng nhận thấy con cái chính là “cục nợ” của bố mẹ, bố mẹ luôn phải dõi theo và lo lắng cho con từ những bước chân chập chững đầu đời cho đến lúc con cái trưởng thành và thậm chí là già đi; con cái cũng chính là “cục cưng” bởi tình cảm yêu thương ngọt ngào vô bờ bến mà những người làm cha làm mẹ gửi gắm. Vì bố mẹ nên những người làm con lúc nào cũng muốn cố gắng, phấn đấu thành công sớm hơn tốc độ già đi của bố mẹ, không đơn thuần chỉ vì "trả nợ" công ơn sinh thành dưỡng dục mà đó còn là quyền, là tấm lòng mà mỗi đứa con trên cuộc đời.
Cục Nợ Hóa Cục Cưng hiện đang công chiếu trên các cụm rạp toàn quốc.
Nguồn ảnh: Tổng hợp