(Cảnh báo: Bài viết tiết lộ nội dung Money Heist)
Money Heist (Phi Vụ Triệu Đô) đang là loạt phim ăn khách nhất trên Netflix trong tuần vừa qua. Thuộc đề tài trộm cướp, Money Heist được so sánh với những Ocean's 12, Now You See Me, Logan Lucky... Nhưng bộ phim có nhiều điểm tương đồng nhất với Money Heist phải kể đến Prison Break (Vượt Ngục). Cùng chủ đề trinh thám hình sự, Prison Break được rất nhiều người yêu thích vào những năm 2000.
1. Động lực cho vụ cướp là tình cảm gia đình
Trong Money Heist, Giáo Sư thực hiện vụ cướp Xưởng in tiền hoàng gia để tưởng nhớ người cha quá cố, còn chiếm Ngân hàng Tây Ban Nha để ép chính phủ thả Rio - một thành viên trong nhóm và trả thù cho anh trai Berlin.
Trong Vượt Ngục, Lincoln bị buộc tội giết người và giam giữ tại trại giam Fox River. Kỹ sư thông minh Michael Scofield tin rằng anh trai mình vô tội và lập tức lên kế hoạch giải cứu anh trai ra khỏi nhà tù. Để vào được Fox River, Michael thừa nhận mình phạm tội cướp có vũ trang. Yếu tố tình cảm thúc đẩy những nhân vật hành động. Họ sẵn sàng liều mạng, đâm đầu vào chỗ chết vì những người yêu thương.
2. Kế hoạch tinh vi và những cú "lật bàn" hú tim
Vượt ngục hay cướp ngân hàng đều không phải là một vấn đề dễ dàng. Michael Scofield với trí tuệ vượt bậc đã săm cả bản đồ nhà tù lên người. Từng bước đi trong nhà tù, từng người mà anh gặp gỡ đều được anh dự tính trước để phục vụ cho mục tiêu của mình. Dù thế, hai anh em cũng thường xuyên rơi vào những tình huống ngàn cân treo sợi tóc, khi kế hoạch suýt nữa đổ bể. Điều này khiến khán giả luôn cảm thấy hồi hộp, căng thẳng khi dõi theo nhân vật.
Money Heist cũng vậy, phe Giáo Sư đã phải mất 5 tháng để "tập dượt" cho mọi tình huống xảy ra trong Xưởng in. Đường hầm để cả đội tẩu thoát còn được Giáo Sư chuẩn bị từ 5 năm trước. Chính vì vậy, một toán cướp 9 người có thể xoay cả Bộ Nội vụ lẫn lực lượng cảnh sát được trang bị tận răng như chong chóng. Tuy nhiên, kế hoạch của Giáo Sư nhiều lần trên bờ vực phá sản, vì phía cảnh sát quá ranh ma hay đồng đội "phá team". Ngay cả Giáo Sư cũng suýt bị bắt mấy lần.
3. "Ê-kíp" hùng hậu mỗi người một sở trường
Để Vượt Ngục trót lọt, hai anh em nhà Scofield đã lôi kéo được rất nhiều bộ óc tài năng về phe mình. Nhóm “Fox River Eight” là những người tù cùng vượt ngục, trong đó có những cái tên nổi bật như T-Bag, John Abruzzi, Sucre...
Trong Money Heist, team Delí ban đầu có 9 thành viên, mỗi người được đặt tên theo một thành phố như Tokyo, Berlin, Moscow, Denver... Có người nhận nhiệm vụ quản lí con tin, người đào hầm, người in tiền... Sang đến phần 3, team còn được mở rộng ra đến cả trăm người.
4. Biệt đội đối địch cũng "không phải dạng vừa"
Dẫu Giáo Sư có "biết tuốt" đến mức nào, anh cũng phải đụng độ những đối thủ khó nhằn. Ở 2 phần đầu, thanh tra Raquel Murillo làm anh liêu xiêu, không chỉ vì cô quá thông minh mà còn vì anh trót "cảm nắng" trước cô. Kế hoạch tẩu thoát chắc chắn đã đổ bể, nếu Giáo Sư không thuyết phục được Raquel đi theo mình. Đến 2 phần sau, "bà bầu" Alicia Sierra lại làm băng cướp nếm mùi đau khổ. Alicia Sierra không chỉ tinh ranh mà còn quyết đoán, lạnh lùng hơn Raquel rất nhiều, thậm chí không ngại dùng chiêu trò hành hạ, thao túng.
Trong Vượt Ngục, nhóm tù nhân phải đối đầu với tên cai ngục Brad Bellick, vị giám đốc nhà tù Pope, thanh tra Alex Mahonne. Cả hai phe đều khôn ngoan và lõi đời, tạo nên những màn đấu trí kịch tính. Không chỉ vậy, phe nhóm của Scofield còn chịu sự kiểm soát của tổ chức bí mật The Company.
Nhiều cư dân mạng đánh giá Money Heist hay chẳng kém 2 phần đầu của Vượt Ngục, dù so với Vượt Ngục thì Money Heist có phần nặng tình cảm và nhiều "drama" hơn. Dù vậy, Vượt Ngục càng về sau càng "đuối". Hi vọng Money Heist không đi vào "vết xe đổ" của Vượt Ngục và có một cái kết trọn vẹn, viên mãn hơn.
Money Heist phần 4 đã có mặt trên Netflix.
Thăm dò ý kiến
Bạn có thấy hai bộ phim giống nhau không?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.