Sau buổi công chiếu sớm, 30 Chưa Phải Tết nhận về phản ứng khá yên ắng của khán giả Việt dù quy tụ hai gương mặt cực hot của showbiz Việt: Trường Giang và Mạc Văn Khoa. Dựa trên những review hiếm hoi đầu tiên, luồng ý kiến trái chiều xoay quanh việc 30 Chưa Phải Tết có thực sự "ổn" cho một dự án điện ảnh với thể loại lạ lẫm ra mắt dịp Tết vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ trước ngày công chiếu chính thức. Đối với những khán giả sẽ ra rạp đầu năm mới để tự mình kiểm chứng chất lượng của bộ phim, 30 Chưa Phải Tết có những lí do nào để kéo khán giả ra rạp dịp Tết này?
30 Chưa Phải Tết có gì kéo khán giả ra rạp?
1. Món ăn độc lạ đầu năm mới: Vòng lặp thời gian luôn "ăn khách" trên màn ảnh rộng
Nhắc tới câu chuyện "vòng lặp thời gian", Happy Death Day (Sinh Nhật Chết Chóc), Groundhog Day (Ngày Chuột Chũi) hay Edge of Tomorrow (Cuộc Chiến Luân Hồi) chính là những cái tên đình đám đầu tiên mà hội mọt phim đam mê thể loại này nghĩ tới. Với sức hấp dẫn không thể chối từ khi chứng kiến nhân vật chính sẽ trải qua 1001 cung bậc cảm xúc: từ hoảng sợ, bất ngờ, chấp nhận tới phát điên khi quay đi quay lại đúng một khoảnh khắc, 30 Chưa Phải Tết đã thu hút ngay một lượng khán giả Việt không nhỏ đam mê thể loại kì ảo này.
Vòng lặp thời gian luôn có sức hấp dẫn nhất định nếu tận dụng tốt, nhưng nếu không khéo thì chỉ có khiến khán giả phát điên.
Không gắn liền với những pha "chết hụt" như Happy Death Day, ngày đen tối như Groundhog Day của điện ảnh Mỹ, 30 Chưa Phải Tết "bắt trend" đúng không khí Tết tại Việt Nam với câu cửa miệng muôn đời của người Việt: "30 chưa phải là Tết" được sử dụng thường ngày. Thích nhất 30 Tết khi nóng lòng chờ đợi pháo hoa đúng 0h sáng, quây quần bên gia đình để cùng ăn bữa cơm tất niên, trang hoàng nhà cửa (dù có mệt mỏi một chút) để đón Tết, thế nhưng, khi cứ lặp lại ngày 30 như vậy, phát điên là điều dễ hiểu và nhất là khi đứng ở vị trí của nhân vật "nghịch tử" do Trường Giang đảm nhiệm trong bộ phim. Với không khí xa rời thể loại giật gân như Groundhog Day, 30 Chưa Phải Tết liệu có giữ được sức hút của riêng mình?
2. Xu hướng kể câu chuyện "cha - con" đang được chú ý hiện nay từ Bố Già?
Từ truyền hình tới webdrama, phim "cha - con" bất ngờ trở thành thể loại được yêu thích xuyên suốt năm 2019 với Về Nhà Đi Con, cho tới Bố Già của Trấn Thành đang nhận được phản hồi siêu tích cực. Bổ sung vào kho tàng phim ảnh Việt, 30 Chưa Phải Tết cũng chẳng bỏ qua yếu tố chuyện cha con đang nhận được sự đồng cảm lớn này.
30 Chưa Phải Tết "bắt trend" phim cha - con đang cực hot?
30 Chưa Phải Tết bắt đầu với sự xuất hiện của chàng trai mồ côi mẹ từ nhỏ tên Hân (Trường Giang), sống cùng với người cha bạo lực. Không chịu được hoàn cảnh hiện tại, anh bỏ quê lên thành phố bắt đầu cuộc sống mới. Sau 12 năm, Hân về quê với mục đích chiếm lấy mảnh đất của cha để có "của hồi môn" đi cưới tiểu thư con nhà "tài phiệt" bất động sản lớn nhất Sài Gòn. Tuy nhiên, cuộc đời chẳng như là mơ khi Hân rơi vào vòng lặp thời gian không có cách nào dừng lạit. Và tất yếu, khi phải trải qua vòng lặp không hồi kết này, Hân sẽ nhận ra được nhiều điều mà bản thân đã bỏ lỡ, nhất là sự hàn gắn của mối quan hệ cha con.
3. Không khí chuẩn phim "ăn Tết"
So nhanh ba dự án cùng ra mắt trong thời điểm này, 30 Chưa Phải Tết tất yếu là dự án "sát" với không khí Tết nhất khi vừa xoay quanh chuyện gia đình, vừa diễn ra trong bối cảnh ngày cuối năm. Việc lựa chọn phim kinh dị như Đôi Mắt Âm Dương ngay đầu năm mới cũng chẳng phải dễ cho những khán giả "yếu tim" hay kiêng xem thể loại nhạy cảm này vào mùng 1. Bên cạnh đó, Gái Già Lắm Chiêu 3 lại thuộc dòng phim chick-flick (phim dành cho phụ nữ) nên đối tượng khán giả cũng bị hạn chế hơn.
4. Lời thoại nửa gây ức chế, nửa gây đồng cảm: Chẳng phải đây chính là hiện thực bộ phận người trẻ ngày nay?
Ngoài những yếu tố bên lề, bản thân 30 Chưa Phải Tết lựa chọn chủ đề chạm đúng nỗi lòng của người trẻ sống xa quê, xa bố mẹ với những câu nói: "Tết này con không về, tết này tôi không về quê đâu" quen thuộc. Ngay từ khi 30 Chưa Phải Tết nhá hàng, khán giả đã được biết rõ về độ "nghịch tử", những lời nói láo của Hân cùng mối quan hệ khó có thể hàn gắn sau nhiều biến cố của hai cha con xuyên suốt đời người. Hơn nữa, 30 Chưa Phải Là Tết lại là quá trình hàn gắn tình cảm gia đình, được kể dưới cái bóng của yếu tố kì ảo "vòng lặp thời gian". Chính vì vậy, dù bộ phim có thể sẽ chưa khiến khán giả thấm về mặt cốt truyện hay nội dung xuyên suốt, việc "thấm" về mặt lời thoại chính là điều chắc chắn sẽ phải xảy ra khi chạm tới góc sâu lắng nhất của tình yêu gia đình.
Bên cạnh đó, việc 30 Chưa Phải Tết mãi mới qua kiểm duyệt vì yếu tố Phật Giáo cũng khiến độ tò mò của khán giả tăng hơn nữa.
Trailer "30 Chưa Phải Tết"
Thăm dò ý kiến
Bạn có ý định xem 30 Chưa Phải Tết không?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
30 Chưa Phải Tết khởi chiếu chính thức từ ngày 25/1/2020.