Các bài bình luận không đủ tích cực: Giống trường hợp của Terminator: Dark Fate mới đây, Charlie’s Angels không hẳn bị chê bai toàn tập, với minh chứng là điểm 60% trên Rotten Tomatoes. Nhưng chừng đó là chưa đủ để kích thích trí tò mò công chúng. Số đông giới truyền thông nhận định rằng phiên bản 2019 không có điểm nào nổi trội nếu so với hai tập phim hồi đầu thế kỷ XXI.
Phần marketing không quá ấn tượng: 55 triệu USD không phải là mức kinh phí sản xuất quá lớn, và Charlie’s Angels năm nay chưa bao giờ được coi thuộc hàng bom tấn. Nhưng các trailer và trích đoạn sớm từ bộ phim là chưa đủ thú vị. Công chúng dễ nhận định đây chỉ là một tác phẩm hành động quy mô nhỏ, và có thể theo dõi tại nhà trên các dịch vụ trực tuyến sau này, thay vì lập tức ra rạp.
Yếu tố ngôi sao sút kém: Hậu Twilight, Kristen Stewart chưa bao giờ là bảo chứng phòng vé. Còn Naomi Scott và Ella Balinska là những gương mặt quá mới, bất chấp việc Scott vừa góp mặt trong Aladdin thu hơn 1 tỷ USD. So sánh với bộ ba thiên thần trước, Cameron Diaz và Drew Barrymore đều đã là sao lớn, còn chỉ duy nhất Lucy Liu là cái tên mới mẻ đối với dự án phim ra mắt năm 2000.
Không có sự đột phá về mặt nội dung: Khi so sánh nội dung bộ phim với phiên bản năm 2000, Charlie’s Angels giống như một sự lặp lại nhàm chán. Điều tương tự từng xảy ra với thương hiệu Men in Black hồi mùa hè khi chính hãng Sony thực hiện phần ngoại truyện mang tên International với Chris Hemsworth. Nữ đạo diễn. Elizabeth Banks cố gắng tôn vinh yếu tố nữ quyền, nhưng nỗ lực của cô mới chỉ dừng lại ở bề nổi.
Một thương hiệu không còn hút khách: Đầu những năm 2010, kênh ABC dừng sản xuất và phát sóng Charlie’s Angels phiên bản mới chỉ sau 7 tập vì không có người xem. Điều đó cho thấy thương hiệu đã không còn sức hút đối với công chúng như trong thế kỷ XX. Đánh mất yếu tố ngôi sao, không có nội dung đột phá, một thương hiệu thiếu sức sống càng trở nên thê thảm. Và hậu quả chính là việc Charlie’s Angels thu không nổi 10 triệu USD sau ba ngày đầu trình chiếu tại Bắc Mỹ.
(Theo zing.vn)