Trong Tam Quốc tuy vô cùng hỗn loạn nhưng đây cũng được coi là thời kỳ nở rộ của nhiều anh hùng, hào kiệt. Trong thời kỳ này có rất nhiều danh tướng. Nhiều người trong số họ là những nhân vật cốt cán của ba tập đoàn chính trị mạnh nhất Tam Quốc, đó là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô.
Những mãnh tướng hàng đầu có thể kể đến như "Ngũ hổ tướng" của Thục Hán, "Ngũ tử lương tướng" của Tào Ngụy. Trong thời loạn lạc, đối với một võ tướng, việc hi sinh trên chiến trận không phải là điều đáng tiếc. Thay vào đó, việc mất mạng vì những tai nạn không may mới là điều đáng tiếc.
Vậy, trong Tam Quốc, có những võ tướng nào phải ra đi đầy nuối tiếc trong hoàn cảnh trên?
Dưới đây là 5 mãnh tướng mất mạng để lại nhiều nuối tiếc trong Tam Quốc.
Thứ nhất, Trương Cáp
Trương Cáp mất mạng oan uổng vì Tư Mã Ý.
Trương Cáp là một mãnh tướng nổi tiếng của nhà Tào Ngụy, được đánh giá là người trí dũng song toàn và khéo léo ứng biến khi cầm quân, khiến Lưu Bị cũng phải kiêng sợ. Ông chính là một trong năm võ tướng tài giỏi thuộc "Ngũ hổ lương tướng" của Tào Ngụy. "Ngũ hổ lương tướng" bao gồm Trương Liêu, Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp và Từ Hoảng.
Ban đầu, Trương Cáp là thuộc hạ của Viên Thiệu tại Hà Bắc. Sau khi Viên Thiệu thất bại ở trận Quan Độ, Trương Cáp đã đầu hàng Tào Tháo . Với tài năng cầm quân của mình khi tác chiến, Trương Cáp đã lập được nhiều chiến công khi cầm quân vây Hung Nô, đánh phá Mã Siêu – Hàn Toại ở Vị Nam…
Trọng trận chiến ở núi Định Quân, khi Hạ Hầu Uyên bị giết chết, Trương Cáp đã nhanh chóng thay thế vị trí thống soái lúc nguy cấp để chỉ huy và dẫn quân Tào rút lui an toàn. Sau khi Tào Tháo qua đời, Tào Phi lên ngôi, Trương Cáp được phong làm Tả tướng quân, tiến tước Đô Hương Hầu, sau là Mạo Hầu…
Trương Cáp cũng chính là mãnh tướng thống lĩnh đại quân Tào Ngụy đánh bại quân Thục do Mã Tốc chỉ huy ở Nhai Đình trong lần Bắc phạt đầu tiên của Gia Cát Lượng.
Tuy nhiên, đáng tiếc là một người tài giỏi, trí dũng song toàn, khéo léo trong tác chiến như Trương Cáp lại chết dưới âm mưu của Tư Mã Ý. Đây quả thực là một điều đáng tiếc.
Thứ hai, Trương Phi
Trương Phi mất mạng vì sai lầm nhất thời.
Trương Phi là một trong những võ tướng mạnh nhất của Thục Hán thời Tam Quốc. Cùng với Quan Vũ, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung, Trương Phi được xếp vào "Ngũ hổ tướng" của Thục Hán. Không chỉ có sức địch vạn người, Trương Phi còn được có tài viết chữ rất đẹp và có sở trường vẽ tranh mỹ nhân.
Trong cuộc đời lẫy lừng của mình, Trương Phi từng đơn thương độc mã chặn quân Tào trên cầu Trường Bản năm 208, tha chết cho Nghiêm Nhan, đại thắng Trương Cáp. Danh tiếng của Trương Phi được nhiều người biết đến. Ông cũng chính là một trong số ít tướng lĩnh dũng mãnh mà Tào Tháo mong ước. Sau khi Lưu Bị xưng đế, Trương Phi được phong làm Xa kỵ tướng quân kiêm Tư Lệ hiệu uý, Tây Hương Hầu, trở thành một trong những vị tướng hùng mạnh nhất trong quân đội của Thục Hán.
Do quá đau buồn vì cái chết của Quan Vũ, Trương Phi mượn rượu giải sầu và trong cơn say đã đánh đập bộ hạ dưới trướng. Chính vì vậy mới dẫn tới nguyên nhân bị sát hại vào lúc nửa đêm.
Điều đáng tiếc là Trương Phi dù rất dũng mãnh trên chiến trường nhưng cuối cùng lại mất mạng vì bị hai bộ hạ dưới trướng của mình sát hại. Đây thực sự là tổn thất lớn của Thục Hán.
Thứ ba, Chu Du
Chu Du ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.
Chu Du (175 - 210) là danh tướng và khai quốc công thần của Đông Ngô thời Tam Quốc. Theo sử sách ghi chép, Chu Du là người cao lớn, cường tráng, đẹp trai và đặc biệt là rất am hiểu âm nhạc.
Trong chính sử, Chu Du được mô tả là người văn võ song toàn, không phải kiểu người hẹp hòi như trong Tam Quốc diễn nghĩa. Tên tuổi của Chu Du vang danh khắp Tam Quốc nhờ đại thắng trong trận Xích Bích của liên minh Tôn – Lưu trước phe Tào Tháo.
Khi đang gấp rút chuẩn bị cuộc chiến thì Chu Du bất ngờ bị bệnh nặng ở Ba Khâu vào sau đó qua đời vào năm 210, chỉ hai năm sau chiến thắng ở trận Xích Bích. Chu Du qua đời sớm là một tổn thất không nhỏ đối với tập đoàn của Tôn Quyền.
Thứ tư, Ngụy Diên
Ngụy Diên là một tướng lĩnh của Thục Hán.
"Ngũ hổ tướng" được coi là 5 vị tướng mạnh nhất của Thục Hán, đồng thời cũng chính là những tướng lĩnh tên tuổi trong Tam Quốc. Tuy nhiên, ngoài "Ngũ hổ tướng", Thục Hán còn có một tướng lĩnh tài giỏi khác. Đó là Ngụy Diên (? - 234).
Sau cái chết đột ngột của Quan Vũ, Trương Phi và sự ra đi của Mã Siêu, Hoàng Trung, Ngụy Diên trở thành một trong những tướng lĩnh trụ cột của Thục Hán. Sau cùng, Ngụy Diên bị tố cáo tội mưu phản và bị Mã Đại giết chết. Hơn nữa, gia tộc của Ngụy Diên cũng bị tru di tam tộc.
Theo các sử giả đánh giá, hành động chống lại lệnh của Ngụy Diên là đáng trách nhưng việc khép ông vào tội có ý đồ làm phản thì oan uổng, đặc biệt là hình phạt tru di tam tộc là thái quá. Mất đi Ngụy Diên, chính quyền Thục Hán cũng mất đi một trong những cánh tay đắc lực nhất lúc bấy giờ.
Thứ năm, Điển Vi
Điển Vi vô cùng dũng mãnh, được coi là ái tướng của Tào Tháo.
Điển Vi được coi là một trong những vị tướng hộ chủ nổi tiếng nhất trong Tam Quốc. Ông được coi là mãnh tướng nổi bật nhất trong thời kỳ mà Tào Tháo gây dựng thế lực. Điển Vi là vị tướng rất trung thành, luôn đi theo bảo vệ cho Tào Tháo.
Dù hầu như không có thành tích trong chỉ huy chiến trận, nhưng Điển Vi được người đương thời đánh giá là một trong ba võ tướng mạnh nhất Tam Quốc, chỉ sau Lã Bố và Triệu Vân.
Năm 197, trong trận Uyển Thành, chỉ vì Tào Tháo muốn Châu thị, vốn là vợ Trương Tế, thím của Trương Tú làm thiếp nên khiến Trương Tú quyết định làm phản.
Trương Tú đánh úp lúc nửa đêm khiến quân Tào không kịp trở tay. Điển Vi khi ấy đã liều chết chặn cửa ngăn quân địch để Tào Tháo có thể chạy thoát. Bản thân Điển Vi sau đó đã phải bỏ mạng vì bị quá nhiều vết thương. Điển Vi mất mạng đầy nuối tiếc chỉ vì ham muốn nhất thời của Tào Tháo.
Sau khi nghe tin Điển Vi chết, Tào Tháo thương khóc vị tướng trung thành. Trong trận Uyển Thành, Tào Tháo không những mất đi một con trưởng, một cháu nội, mà còn mất đi Điển Vi, vị tướng dũng mãnh và rất mực trung thành.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu, Sogou
https://soha.vn/5-manh-tuong-mat-mang-day-nuoi-tiec-nguoi-cuoi-ra-di-vi-ham-muon-nhat-thoi-cua-tao-thao-20220418152850589.htm