Mars Needs Moms (2011): Không mấy ai biết rằng đạo diễn Robert Zemecski – người đứng đằng sau những siêu phẩm như Forrrest Gump hay Back to the Future, cũng là cha đẻ những bom xịt đáng quên, chẳng hạn như Mars Needs Moms.
Kinh phí lên tới 150 triệu USD nhưng phim chỉ thu về chưa đầy 40 triệu USD. Nguyên nhân là do công nghệ ghi hình chuyển động trong bộ phim tỏ ra cẩu thả, khiến các nhân vật trở nên thiếu tự nhiên lại ghê rợn. Đơn vị chịu trách nhiệm cho công đoạn này thậm chí đã tuyên bố ngừng hoạt động trước khi phim ra mắt.
The Golden Compass (2007): New Line Cinema là “cây đa cây đề” trong làng điện ảnh, tiêu biểu nhất là bộ 3 siêu phẩm Chúa tể của những chiếc nhẫn với tổng doanh thu 3 tỷ USD toàn cầu. Thành công này khiến họ tràn trề hy vọng khi chuyển thể tác phẩm His Dark Materials của nhà văn Phillip Pullman lên màn ảnh, với mục tiêu có thêm một dự án fantasy thành công nữa.
Nhưng doanh thu thảm họa khiến thương hiệu nhanh chóng bị chìm vào quên lãng. 70 triệu USD thu được ở Bắc Mỹ nhưng hãng không thu được đồng nào khi phát hành quốc tế, do phải bán quyền này để chi trả cho quá trình sản xuất. Công ty mẹ Time Warners kết luận đây là một sai lầm khủng khiếp, và hậu quả là New Line Cinema đã bị Warner Bros. mua lại chỉ 2 tháng sau.
Looney Tunes: Back in Action (2003): Nổi tiếng đầu những năm 2000 với thương hiệu Xác ướp Ai Cập, tài tử Brendan Fraser là cái tên hot bậc nhất ở Hollywood, khiến mọi hãng phim đều cố gắng bằng được để có được chữ ký của anh. Nhưng thất bại mang tên Looney Tunes đã khiến mọi chuyện thay đổi. Warner Bros. muốn đây là hậu truyện cho Space Jam (1996), nhưng Michael Jordan từ chối trở lại. Hãng bèn đổi tên dự án thành Spy Jam và cố chào mời Thành Long, nhưng cũng không thành công.
Người cuối cùng được chọn làm đạo diễn, Joe Dante, lại không được tự do sáng tạo. Quá nhiều chi tiết cẩu thả bị nhồi nhét vào bộ phim vốn đã có cấu trúc đứt đoạn, lủng cũng thiếu kết nối. Doanh thu 68,5 triệu USD so với kinh phí 80 triệu USD khiến Warner Bros. nhanh chóng hủy bỏ kế hoạch phát triển tiếp thương hiệu, đồng thời giải thể luôn đơn vị hoạt hình Warner Brothers Feature Animation.
Battlefield Earth (2000): Là tín đồ trung thành của Khoa luận giáo (Scientology), tài tử John Travolta đã cố gắng trong nhiều năm để chuyển thể nguyên tác cùng tên của người thành lập giáo phái L. Ron Hubbard lên màn ảnh rộng. Đến năm 1998, nam diễn viên mới tìm thấy nhà tài trợ là hãng phim mới Franchise Pictures. Nhưng kết quả là doanh thu của phim chỉ bằng nửa vốn sản xuất, bản thân bộ phim bị ném đá thậm tệ, từ đạo diễn tới kịch bản và hình ảnh.
Thậm chí, ban lãnh đạo của Franchise bị kết tội thổi phồng chi phí làm phim để lừa nhà đầu tư. Công ty nộp đơn tuyên bố phá sản vào năm 2007, để lại di sản là hàng loạt thỏa thuận lừa đảo, cùng tác phẩm thường xuyên bị liệt vào danh sách những bộ phim tệ hại nhất mọi thời đại. Cùng với đó, sự nghiệp của John Travolta không bao giờ còn được như trước nữa.
Superman IV: The Quest for Peace (1987): Phim nhựa đầu tiên của Superman đã ra mắt vào năm 1978. Gây tiếng vang nhờ hiệu ứng kỹ xảo cũng như những khoảnh khắc xúc động trong phim, Superman đã báo trước tiềm năng của dòng phim siêu anh hùng tại Hollywood. Lẽ đương nhiên, ba phần hậu truyện tiếp tục ra mắt để thu về càng nhiều lợi nhuận càng tốt.
Song, đến Superman IV, bộ phim trông “rẻ rúng” một cách đáng sợ. Quá nhiều cảnh phim thể hiện sự cẩu thả, hời hợt, qua loa trong quá trình sản xuất. Trong cảnh Siêu Nhân tiếp cận tòa nhà Liên Hợp quốc ở New York, khán giả dễ dàng nhận ra bối cảnh không phải ở Mỹ. Thực chất, trường đoạn được quay tại thị trấn Milton Keynes, Anh, và đoàn phim cũng không thèm chỉnh sửa cho giống xứ sở cờ hoa. Hãng Cannon Group vẫn đứng trên bờ vực phá sản dù đã cắt kinh phí chỉ còn khoảng 18 triệu USD - tức bằng một nửa các phần trước. Một năm sau thất bại của Superman IV, Pathe Communications mua lại hãng phim và cái tên Cannon Group chính thức trôi vào dĩ vãng.
Heaven’s Gate (1980): Từ giữa thập kỷ 1960 đến đầu thập kỷ 1980, Hollywood là thiên đường cho các thử nghiệm điện ảnh. Những nhà làm phim tiên phong như Martin Scorsese, Robert Altman và Francis Ford Coppola đều đi lên từ thời kỳ này, nhưng thời hoàng kim nào rồi cũng phải kết thúc. Sau chiến thắng tại Oscar với The Deer Hunter (1978), Michael Cimino quyết định đưa xung đột giữa giới địa chủ và dân khai hoang ở Wyoming cuối thế kỷ XIX lên màn ảnh với Heaven’s Gate.
Khi ra mắt, bộ phim vấp phải sự chỉ trích từ mọi phía trong ngành điện ảnh, đến nỗi hãng United Artists phải dừng chiếu tác phẩm chỉ sau một tuần ra mắt. Heaven's Gate bị coi là một trong những bộ phim dở nhất lịch sử, nhưng hãng vẫn cố phát hành nó một năm sau đó dưới phiên bản của đạo diễn (director's cut). Với doanh thu vỏn vẹn 3,5 triệu USD so với kinh phí 44 triệu USD, bộ phim khiến United Artists phải ngừng hoạt động trước khi sáp nhập vào MGM.
It’s a Wonderful Life (1946): Trước Thế chiến II, Frank Capra đã là một huyền thoại Hollywood với ba giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc. Trở lại từ chiến trường vào năm 1945, ông thành lập công ty Liberty Films cùng đồng đội, và tựa phim đầu tiên của họ là It’s a Wonderful Life. Thuộc nhóm các tác phẩm Giáng sinh kinh điển với thành tích phòng vé không tệ, nhưng doanh thu của bộ phim không bù đắp nổi chi phí sản xuất, chưa kể đến các khoản chi khác.
Sau chưa đầy một năm kể từ khi thành lập, Liberty bị Paramount thu mua, còn Capra và cộng sự bị hãng này ràng buộc bằng các hợp đồng làm phim. Sau này, Liberty chỉ ra mắt thêm hai tác phẩm trước khi chính thức tan rã vào năm 1951. Capra có lần nói về công ty của bản thân rằng: “Mục đích của hãng là gây ảnh hưởng đến xu hướng làm phim của Hollywood, giúp bốn người lính trở nên giàu có bằng công sức của chính họ. Song, tác phẩm đã phá hủy sự nghiệp của tôi”.