Tác phẩm mới nhất thuộc DCEU có màn chào sân không mấy thuận lợi cũng như vấp phải luồng ý kiến đánh giá trái chiều từ giới phê bình. Bài viết sau đây sẽ so sánh và đưa ra 7 lý do khiến "bản chiếu rạp" Justice League không được đánh giá cao bằng The Avengers (2012), bom tấn đầu tiên trong lịch sử điện ảnh quy tụ dàn nhân vật siêu anh hùng từ những phim độc lập với nhau.
1. Profile nhân vật sơ sài
Nhằm chuẩn bị cho sự tập hợp biệt đội báo thù Avengers, Marvel đã dành hẳn 4 năm trời để sản xuất loạt phim điện ảnh riêng về từng thành viên. Xuất phát bằng The Incredible Hulk, Iron Man 1&2 (lúc ấy Iron Man còn xa lạ với đại chúng), Thor, Captain America: The First Avenger.
Ở đó, nguồn gốc, sức mạnh, tính cách mỗi siêu anh hùng được giới thiệu và khắc họa chi tiết. Liên kết các tập phim là bóng dáng của tổ chức tình báo tối mật S.H.I.E.L.D điều hành bởi Nick Fury cùng nhiều chi tiết gợi nhắc dự án Avengers Initiative. Vì vậy, đường dây câu chuyện khởi đầu MCU cực kì chặt chẽ. The Avengers 2012 thành công vang dội phần lớn nhờ thừa hưởng nền tảng vững chắc trên.
Ngược lại, Warner Bros. hiện tại chỉ vừa sản xuất hai phần phim riêng cho Superman, Wonder Woman; còn Hải vương Aquaman, tia chớp Flash, Cyborg vẫn chưa hề có lần ra mắt đàng hoàng tử tế. Justice League buộc phải tốn kha khá thời lượng đầu phim tóm tắt ngắn gọn tiểu sử, siêu năng lực cá nhân. Cách làm này tuy được nhận xét là ngắn gọn, dễ hiểu với đối tượng người xem mới biết tới DC, nhưng nó vô tình dẫn đến hậu quả đáng tiếc tiếp theo.
2. Mâu thuẫn đội nhóm hời hợt
Hầu hết đỉnh điểm kịch tính (the big gloom) ở những tác phẩm lấy đề tài đội nhóm đều xoay quanh mâu thuẫn nội bộ. The Avengers thực hiện rất tốt việc này. Dù sở hữu thời lượng lên tới 140 phút, bộ phim dành hơn 90 phút để xây dựng tình huống tương tác giữa các thành viên qua đó phát triển sự đối nghịch mục tiêu, quan điểm ngày một gia tăng.
Ngay ban đầu, mỗi siêu anh hùng đến S.H.I.E.L.D với mục đích khác nhau chứ không phải vì khái niệm Avenger hay giải cứu thế giới. Bruce Banner (Hulk) chỉ tập trung làm cho xong nhiệm vụ truy tìm khối vuông Tesseract, Tony Stark (Iron Man) thì âm thầm điều tra những kế hoạch bí mật mà tay giám đốc Nick Fury đang che giấu còn Thor muốn bắt giữ và áp giải thằng em trời đánh Loki về Asgard chịu tội. Khi bất đồng vượt quá mức giới hạn, xung đột tất yếu nổ ra khiến pháo đài bay của Nicky Fury thiệt hại nặng nề, cả nhóm tưởng chừng tan đàn xẻ nghé...
Justice League, như vừa nhắc đến phía trên, do triển khai tâm lý, tính cách nhân vật hời hợt nên xuyên suốt bộ phim khán giả không cảm được mối gắn kết khăng khít giữa các thành viên. Aquaman, Wonder Woman chấp nhận lời đề nghị từ Batman bởi họ chẳng còn lựa chọn nào khác khi để Mother Box lọt vào tay phe phản diện, bố Cyborg bị lũ parademons bắt cóc mới khiến anh ta đồng ý lộ mặt, Flash gia nhập liên minh vì anh ta thấy... cô đơn. Tranh cãi quanh quyết định có nên hồi sinh Superman trở lại vẫn chưa đủ tạo cao trào mạnh mẽ, tất cả chỉ thể hiện ở mức độ bề mặt chứ không hề sâu sắc, thuyết phục.
3. Mất cân bằng năng lực trầm trọng
Dẫu biết giới hạn cho người đàn ông thép Superman gần như không tồn tại, tiếc thay việc quá đề cao sức mạnh siêu anh hùng này làm tính cân bằng về năng lực cả đội ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ lúc Superman trở lại, các nhân vật khác đều tỏ ra lép vế. Anh chàng thậm chí có thể một mình tiêu diệt ác nhân giải cứu nhân loại mà chẳng cần tới sự hỗ trợ những người đồng đội. Tia chớp Flash thì bị dìm thảm thương khi để Superman đuổi bắt dễ dàng. Thực tế Superman chưa bao giờ bì nổi tốc độ nhanh hơn ánh sáng gấp nhiều lần của Flash, the fastest man alive.
Điều tương tự xảy ra với Aquaman lẫn Cyborg, do đất diễn hạn chế cộng thêm môi trường chiến đấu trên đất liền, hải vương Arthur Curry chưa phát huy tối đa sức mạnh bản thân. Thật khó hiểu tại sao chi tiết cây đinh ba huyền thoại Trident of Neptune không được tận dụng đến. Theo nguyên tác, thần binh này mang quyền năng hô mưa gọi gió, sấm sét giống hệt búa thần Mjolnir. Siêu anh hùng Cyborg cũng không đủ cơ hội phô diễn hàng loạt kỹ năng bá đạo chẳng kém gì Iron Man bên Marvel.
Xét về mô hình đội nhóm, Justice League và Avengers đều giống nhau: chiến lược gia Batman/ Captain Ameria, cỗ máy càn quét Superman/Hulk, chuyên viên kỹ thuật Cyborg/ Iron Man, tay đánh lót hỗ trợ Aquaman/Thor, cuối cùng là bóng hồng sexy có kỹ năng cận chiến đáng nể Wonder Woman/Black Widow. Tuy nhiên, Marvel thể hiện điều này thành công hơn ở chỗ, họ phân chia nhiệm vụ cho từng thành viên hết sức rõ ràng, hợp lí để họ tỏa sáng nhất trong vai trò của mình.
4. Thiếu những màn "hội đồng" ấn tượng
Justice League thiếu vắng các pha hành động đội nhóm đỉnh cao, chủ yếu mạnh người nào người nấy phô diễn sức mạnh cá nhân. Nhưng ở The Avengers, yếu tố đó rất được xem trọng. Chắc hẳn khán giả còn nhớ hàng loạt màn phối hợp ăn ý của Thor - Captain Ameria, Thor – Hulk, Iron Man – Hulk... trong trận đại chiến bảo vệ thành phố New York khỏi bọn quái vật Chitauri. Tới nay, Marvel vẫn tiếp tục duy trì ổn định tinh thần đồng đội giữa những siêu anh hùng qua The Avengers 2: Age of Ultron, Captain America: Civil War.
5. Kẻ phản diện kém cỏi
Nếu Loki để lại dấu ấn một tên tà thần thông minh vừa biết sử dụng đầu óc nhằm chia rẽ nội bộ biệt đội Avengers, vừa có siêu năng lực thú vị thì Steppenwolf là nỗi nhục nhã đáng quên. Ngay từ tạo hình CGI bên ngoài đã xấu xí, cá tính hắn cũng nhạt nhòa nốt. Dù bản thân thuộc đẳng cấp The New God, chủng tộc thần thánh sở hữu sức mạnh khủng khiếp cùng kinh nghiệm chinh chiến vô số hành tinh, Steppenwolf phiên bản điện ảnh trông không khác gì gã võ biền luôn miệng hô hào, suốt ngày vung vẩy cây rìu. Hắn xuất hiện theo kiểu đầu voi đuôi chuột, ban đầu cực kì bá đạo bao nhiêu càng gần cuối càng đuối bấy nhiêu.
Parademons, đội quân quái vật ngoài hành tinh dưới trướng Steppenwolf cũng chứng minh chúng bất tài chẳng kém. Áp đảo với số lượng khổng lồ, sức khỏe vượt trội thấy rõ nhưng lũ parademons này chỉ biết răm rắp nghe lệnh, chủ nhân mình bị liên minh công lý đánh hội đồng tơi tả vẫn thản nhiên đứng trơ trơ nhìn. Chúng thậm chí không gây nổi khó khăn đáng kể nào lên các siêu anh hùng Justice League như bọn Chitauri từng hành xác biệt đội Avengers.
6. Không hoành tráng như mong đợi
Khán giả tinh ý sẽ nhanh chóng phát hiện phân đoạn lần đầu tiên Steppenwolf xâm lăng trái đất được tiến hành ở quy mô hoành tráng hơn nhiều với sự tham gia của đội tàu chiến Apokolips hùng hậu. Cuộc tấn công thứ 2 vào thời điểm hiện tại lại không thấy chúng góp mặt, chỉ toàn lũ parademons nhàm chán. Bối cảnh diễn ra trận đánh là một thành phố tan hoang, thưa thớt dân cư càng góp phần làm giảm mức độ tàn phá, cháy nổ mãn nhãn vốn rất quan trọng cho dòng phim siêu anh hùng.
Điểm phi lý kế tiếp là sự vắng mặt khó hiểu từ phía quân đội loài người khi để mặc Steppenwolf tha hồ tung hoành ngang dọc. Trong The Avengers, trận đại chiến New York đều xuất hiện bóng dáng lực lượng cảnh sát lẫn vệ binh quốc gia thực hiện nhiệm vụ di tản, cứu người bị nạn; còn Batman vs Superman: Dawn of Justice thì Bộ Quốc phòng Hoa Kì cũng cố gắng tìm mọi biện pháp tiêu diệt Doomsday. Lẽ nào nhân loại giờ đây đã lệ thuộc lực lượng siêu anh hùng?
7. Cắt ghép nham nhở
Tội đồ lớn nhất của Jutice League nằm ở thời lượng quá ngắn ngủi. Theo thông tin ban đầu, tác phẩm dài 170 phút nhưng vì muốn tăng thêm số suất chiếu tại các hệ thống rạp, Warner Bros. đã nhẫn tâm cắt xén đi rất nhiều phân đoạn nên bộ phim còn vỏn vẹn 120 phút. Điều đó khiến mạch phim vô cùng lủng củng, gấp gáp và nhồi nhét hàng đống thông tin mới mẻ cho khán giả. Hy vọng phiên bản uncut Ultimate Edition ra mắt sắp tới sẽ cung cấp một câu chuyện rõ ràng, thuyết phục hơn phần chiếu rạp đáng thất vọng này.
(Theo Nguyễn Khánh - Kênh 14)