Bên cạnh thời gian, ngôn ngữ là thứ chi phối và có khả năng thay đổi nhận thức của con người một cách sâu sắc nhất. Nó chính là chiếc chìa khóa vạn năng giúp chúng ta hiểu nhau hơn và hiểu sự vận hành của thế giới, là tiền đề giúp con người bắt đầu cuộc cách mạng nhận thức, sử dụng nó hàng ngày. Nhưng liệu bạn có biết sức nặng của ngôn ngữ, thứ vừa là công cụ vừa là vũ khí, hình thành nên suy nghĩ của mỗi người chúng ta? Dưới đây là 7 bộ phim đặc biệt vì nó xoay quanh một chủ đề rất thú vị và quen thuộc với cuộc sống loài người: NGÔN NGỮ.
1. Lạc Lối Ở Tokyo (2003)
Liệu có khi nào bạn cảm thấy bơ vơ và cô độc khi phải sống chung giữa một rừng người không nói cùng một thứ tiếng với bạn chưa? Nếu có thì bạn sẽ nhận thấy chính mình qua hai nhân vật chính trong Lost In Translation (Lạc Lối Ở Tokyo). Bob Harris (Bill Murray) - nam diễn viên điện ảnh người Mỹ đã hết thời nay phải đến thành phố Tokyo để đóng quảng cáo cho một hãng rượu Whisky với mức giá khá hời. Trong một lần tình cờ, ông đã gặp được Charlotte (Scarlett Johansson) - cô sinh viên vừa tốt nghiệp đại học đang đi theo người chồng làm nhiếp ảnh gia công tác tại đây.
Dưới vẻ đẹp hào nhoáng và tráng lệ của thành phố Tokyo là hai tâm hồn u uất lẫn cô đơn đến cùng cực đang phải sống ngày qua ngày ở một nơi không kiếm lấy một người nói được tiếng Anh. Cả Bob và Charlotte đều cảm thấy lạc lõng khi xung quanh họ là những con người hoàn toàn xa lạ. Hai cá thể đơn độc bị bao phủ giữa những âm thanh, ánh sáng hoa lệ của những dãy nhà cao tầng, nay đã tìm thấy nhau và trở thành bạn đồng hành nơi đất khách quê người. Câu chuyện của bộ phim như một lời động viên cho những ai đang gặp khó khăn, trở ngại trong việc hòa nhập và kết nối với xã hội.
Trailer "Lost in Translation"
2. Tháp Babel (2006)
Là phần phim cuối cùng trong bộ ba "Trilogy of Death" của đạo diễn người Mexico Alejandro González Iñárritu, Babel là câu chuyện xoay quanh những số phận con người đến từ 3 quốc gia khác nhau tưởng chừng như không liên quan nhưng vô tình lại bị đan xen chồng chéo lên nhau qua một chuỗi sự kiện đầy bất ngờ lẫn bi kịch. Họ là một đôi vợ chồng người Mỹ đang cố gắng tìm lại tiếng nói chung qua bao nhiêu mâu thuẫn của đời sống hôn nhân, là cô gái người Nhật bị ám ảnh với tật khiếm thính của bản thân và luôn mong cầu được kết nối và yêu thương.
Xuyên suốt bộ phim, tâm lý của nhân vật bị biến chuyển không ngừng theo những tình huống vô cùng oái ăm, có khi bị dồn vào bước đường cùng. Tất cả đã bao trùm một màu sắc ảm đạm cho toàn bộ phim khi mà ở đó, mọi nỗi thống khổ đều được tạo ra không chỉ bắt nguồn từ vấn đề bất đồng ngôn ngữ mà còn từ việc con người không chịu chú ý tới nhau nhiều hơn, chịu khó nhìn vào nhau, lắng nghe nhau dù cùng nói chung một thứ tiếng.
Trailer "Babel"
3. Diễn Văn Của Nhà Vua (2010)
The King's Speed chính là chủ nhân của tượng vàng Oscar ở hạng mục Phim Xuất Sắc Nhất lần thứ 83. Dựa trên một câu chuyện có thật trong lịch sử, bộ phim kể về Vua George VI (Colin Firth) của Vương quốc Anh bị mắc chứng nói lắp ngay từ nhỏ và bác sỹ riêng của mình Lionel Logue (Geoffrey Rush). Cả hai đã cùng nhau cố gắng, nỗ lực nhằm cải thiện tật nói lắp cho vị vua để ông có thể đọc thật trôi chảy bài diễn văn trước toàn thể dân chúng. Đồng thời, một tình bạn đẹp cũng được mở ra từ đây: Cùng nhau thân thiết, cùng nhau vui vẻ, động viên và quan tâm bất kể rào cản.
Phim mang lại một thông điệp muôn thuở về sức mạnh của ý chí: Không một ai là hoàn hảo, nhưng mỗi người có thể vượt qua được sự khiếm khuyết của bản thân theo một cách hoàn hảo nhất.
Trailer "The King's Speech"
4. Đường Về Nhà (2013)
Có một cuộc sống đầy cơ cực tại cửa hàng đồ cũ, nhưng đôi vợ chồng trẻ Jung Yeon (Jeon Do Yeon) và Jong Bae (Go Soo) vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc và yêu thương nhau bên cạnh một cô con gái nhỏ xinh xắn Hye Rin. Và rồi sóng gió ập tới căn nhà nhỏ khi Jong Bae vô tình phải chịu một khoản nợ 200 triệu won vì một người bạn để lại đến mức tán gia bại sản.
Bị dồn chân vào bước đường cùng, hai vợ chồng vì nghe theo lời dụ dỗ của một gã quen biết khi vận chuyển một số lượng lớn hàng cấm mà không hề hay biết. Jung Yeon bị cảnh sát Pháp bắt tận tay và giam giữ ngay tại sân bay Paris.
Bất đồng ngôn ngữ vì không biết tiếng Pháp, không rõ tại sao mình bị bắt giữ, không nhận được sự giúp đỡ, bị đánh đập, hành hung, cưỡng hiếp trong nhà tù... Chuỗi ngày trên đất khách phút chốc hóa địa ngục đối với người phụ nữ đáng thương. Tác phẩm thú vị bởi nó không quá phô trương, không quá cầu kì nhưng lại chân thực và trần trụi đến từng chi tiết.
Trailer "Way Back Home"
5. Vẫn Là Alice (2014)
Phim chỉ đơn giản là câu chuyện xoay quanh giáo sư ngôn ngữ học 50 tuổi Alice Howland (Julianne Moore) - một người phụ nữ xinh đẹp và sở hữu một cuộc sống đầy viên mãn: sự nghiệp thành công, cuộc hôn nhân êm ấm bên người chồng giàu có và ba đứa con đã đến độ tuổi trưởng thành. Nhưng nào ai biết được chữ ngờ, Alice sớm được bác sĩ chẩn đoán bị mắc bệnh mất trí nhớ Alzheimer giai đoạn đầu. Còn điều gì đáng sợ hơn khi Alice nhận ra bản thân từ từ mất đi khả năng ngôn ngữ và những ký ức tươi đẹp đang dần dần biến mất khỏi tâm trí cô.
Trải dài bộ phim là hành trình nỗ lực của Alice và người thân trong việc cố gắng cất nhặt và bảo vệ hồi ức của chính cô.
Với Alice, mỗi ngày mắc bệnh là lại có một sự biến đổi trong cô. Có những điều ở bên người phụ nữ này bình lặng tưởng như sẽ không thay đổi ngày hôm nay, lại có thể dễ dàng vụt biến đi như bong bóng xà phòng vào ngày mai. Chính những tình huống thực tế và góc nhìn chân thật về người mắc bệnh Alzheimer đã ghi điểm với khán giả.
Trailer "Still Alice"
6. Cuộc Đổ Bộ Bí Ẩn (2016)
Được giới phê bình đánh giá là một trong những tuyệt tác điện ảnh kì vĩ nhất của thế kỷ 21, Arrival vẽ ra viễn cảnh vào một ngày không xa trên trái đất, 12 chiếc phi thuyền không gian khổng lồ của người ngoài hành tinh bất chợt đổ bộ xuống 12 địa điểm khác nhau, rải rác trải dài khắp thế giới.
Chính phủ các quốc gia nhanh chóng khẩn trương, gấp rút huy động toàn bộ lực lượng lên kế hoạch tìm hiểu và ứng phó với hiểm họa khôn lường này. Nữ giáo sư ngôn ngữ học Louise Banks (Amy Adams) cùng tiến sĩ vật lý Ian Donnelly (Jeremy Renner) được Chính phủ Mỹ giao nhiệm vụ nghiên cứu và phiên dịch những thông điệp khó hiểu của người ngoài hành tinh và tìm ra mục đích họ đến đây là gì. Từ đây, chìa khóa sinh tử của cả địa cầu phụ thuộc hoàn toàn vào những khám phá của cô.
Tác phẩm một lần nữa nhấn mạnh ngôn ngữ là thứ đưa con người tách biệt và vượt lên trên những loài động vật khác. Nó vừa là phương tiện, công cụ để nối kết mọi người lại với nhau, giúp Louise có thể thấu thị thời gian trong quá trình cố gắng giải mã loại ngôn ngữ của người Heptapod. Nhưng đồng thời, ngôn ngữ cũng là thứ vũ khí hủy diệt, chia cắt, có thể gây ra những hiểu lầm tai hại, dẫn đến chiến tranh, đụng độ khi hai bên không tìm được tiếng nói chung.
Trailer "Arrival"
7. Oh Lucy! (2018)
Setsuko (Shinobu Terajima) là một bà cô tuổi trung niên sống cô độc và làm việc tại một văn phòng nhỏ tại Nhật Bản. Một ngày, Setsuko được cô cháu gái Mika (Shiori Kutsuna) nhờ đến thay mặt học một khóa học tiếng Anh có mức học phí trên trời. Tại đây, cô đã được xếp vào lớp của một giáo viên điển trai người Mỹ tên John (Josh Hartnett) và được anh đặt cho một cái tên mới là Lucy. Qua nhiều buổi học cùng John, trái tim cằn cỗi hóa đá bấy lâu của Setsuko như dần được sưởi ấm bởi những cử chỉ ân cần và thân thiện từ anh.
Trailer "Oh Lucy"
Không được bao lâu, Setsuko nhanh chóng nhận ra John vốn là người tình của cháu gái mình và cả hai đã cùng nhau bỏ trốn sang Mỹ, để lại cô với nỗi ngẩn ngơ trống vắng. Vì tình cảm đặc biệt dành cho John, Setsuko đã sẵn sàng rời quê hương, mạnh dạn từ bỏ công việc nhàm chán bấy lâu để quyết tâm bay sang Mỹ tìm anh.
Mạch phim khá chậm rãi nhưng rất có sức nặng. Nữ đạo diễn Atsuko Hirayanagi đã rất tinh tế khi mượn những yếu tố thời cuộc làm bối cảnh chính để phát triển nhân vật thay vì hô hào một thông điệp quá cao siêu hoặc vô nghĩa. Vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, địa lý và tuổi tác, phim là câu chuyện tình yêu của những con người đến với nhau vì những khoảng trống trong tâm hồn mình, những khoảng trống bắt nguồn từ sự "khác lạ" của họ.