Điện ảnh vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất khi doanh thu phòng vé năm 2018 đã lên tới con số 10 tỷ USD. Tuy nhiên, đây cũng là một canh bạc đắt giá khi khán giả sẵn sàng từ chối những bộ phim không đạt chất lượng tốt. Hàng loạt "bom xịt" dù được đầu tư cả trăm triệu USD là minh chứng rõ nét nhất.
1. A Wrinkle in Time (Nếp Gấp Thời Gian)
A Wrinkle in Time chính là cú sẩy chân đầu tiên trong năm 2018 của Disney. Bộ phim vẫn được làm theo công thức quen thuộc của hãng với kinh phí khủng, kỹ xảo hoành tráng và một thế giới "thần tiên" có vô số điều thú vị. Song, "nhà chuột" dường như quên mất lý do khiến Transformers: The Last Knight (2017) hay Tomorrowland (2015) thất bại.
Phần kịch bản của phim quá đỗi nhàm chán với hàng loạt tình tiết không đầu không cuối. Tạo hình nhân vật thì lòe loẹt quá đáng với nội dung chỉ để rao giảng những triết lý ai cũng thuộc lòng. Có lẽ Disney nên phát hành phim vào ngày 01/06 để trẻ em đi xem sẽ tốt hơn. Ra mắt gần như cũng thời điểm, tiền lời từ Black Panther có lẽ đã được dùng để bù lỗ cho A Wrinkle in Time khi chỉ mang về vỏn vẹn 130 triệu USD so với kinh phí tương đương.
2. Pacific Rim: Uprising (Pacific Rim: Trỗi Dậy)
Trung Quốc có thể giải cứu nhiều phim nhưng cũng là mồ chôn của không ít tác phẩm mà điển hình là Pacific Rim: Uprising. Sau khi Guillermo del Toro rời khỏi dự án, Legendary – vốn đã bị tập đoàn Vạn Đạt mua lại – vẫn tiếp tục thực hiện tiếp phần hậu truyện của Pacific Rim (2013).
Mất cái chất của "bậc thầy quái vật", bộ phim như biến thành Năm anh em siêu nhân đánh quái vật phiên bản đẹp hơn một tí mà thôi. Nội dung phim cũng được sửa đổi, chắp vá để biến Trung Quốc, đặc biệt là Cảnh Điềm, trở thành người giải cứu thế giới. Điều này ngay lập tức khiến khán giả Mỹ thờ ơ. Tuy nhiên, các thị trường thế giới giúp Pacific Rim: Uprising lỗ không quá nhiều với doanh thu 290,5 triệu USD.
3. Solo: A Star Wars Story (Solo: Star Wars Ngoại Truyện)
Khó ai có thể tin rằng thương hiệu Star Wars sẽ lỗ vốn nhưng Disney đã chứng minh rằng "không có gì là không thể". Câu chuyện quá khứ của Han Solo (Alden Ehrenreich) chỉ như một con bài "hút máu" khán giả mà thôi. Bộ phim chẳng giải thích được bất kỳ chi tiết gì về người anh hùng phe Kháng chiến mà mọi người hằng mong đợi.
Do đó mà 135 phút phim bỗng trở thành sự chắp vá rời rạc của vô số nhiệm vụ và một loạt nhân vật mà có cũng được còn không thì cũng chẳng sao. Không những thế, lùm xùm hậu trường việc Disney sa thải đạo diễn và bắt quay lại nhiều cảnh khiến kinh phí đội lên tới 300 triệu USD. May mắn là thương hiệu Star Wars vẫn là "con gà đẻ trứng vàng" với 400 triệu USD nhưng nhà chuột vẫn xanh mặt mà bù lỗ.
4. The Predator (Quái Thú Vô Hình)
Sau nhiều năm vắng bóng trên màn ảnh rộng, Fox quyết định đưa thương hiệu Predator trở lại màn ảnh rộng trong bộ phim cùng tên do Shane Black làm đạo diễn. Dễ nhận ra ý đồ của nhà sản xuất là muốn biến tác phẩm thành một thương hiệu hành động – hài 18+ như Deadpool. Dù giữ được yếu tố bạo lực và máu me nhưng bộ phim lại chẳng "hợp khẩu vị" với những fan ruột của Predator.
Trong khi đó, chiến dịch quảng bá thiếu hiệu quả khiến tác phẩm khó tiếp cận với khán giả đại chúng. Nội dung phim quá ngắn với chỉ 107 phút cũng là lý do người xem không quá mặn mà. Doanh thu 160,5 triệu USD so với kinh phí 88 triệu cũng đủ để Fox thua lỗ một khoảng không nhỏ.
5. The Nutcracker and the Four Realms (Kẹp Hạt Dẻ Và Bốn Vương Quốc)
Sau A Wrinkle in Time thì "nhà chuột" tiếp tục nuốt "trái đắng" với The Nutcracker and the Four Realms bởi công thức làm phim quen thuộc. Chuyến hành trình tới thế giới tí hon của Clara (Mackenzie Foy) được đầu tư quá nhiều về mặt hình ảnh mà quên mất phần nội dung.
Tổng thể, đây chỉ là một bộ phim cổ tích dành cho thiếu nhi với kinh phí ngang tầm bom tấn siêu anh hùng. Nếu như Beauty and the Beast (2017) hay The Jungle Book(2016) còn có giá trị hoài niệm thì The Nutcracker and the Four Realms không làm được điều tương tự. Mang về chỉ 166 triệu USD so với kinh phí 133 triệu, Disney có lẽ phải dùng tiền từ Avengers: Infinity War để bù lỗ không ít.
6. Robin Hood
Với truyền thuyết quen thuộc về chàng Robin Hood, đạo diễn Otto Bathurst quyết định thực hiện theo một phong cách mới với những gương mặt trẻ tuổi như Taron Egerton, Eve Hewson và Jamie Dornan. Song, bộ phim nhanh chóng nhận phải vô số chỉ trích về trang phục quá hiện đại, nội dung phi lý và thiếu hẳn cao trào.
Ngoại trừ thêm thắt yếu tố ngôn tình thì Robin Hood chẳng mấy khác biệt so với hàng chục bộ phim khác về huyền thoại này. Tác phẩm sẽ khiến nhà sản xuất Leonardo DiCaprio lỗ tới hàng chục triệu khi chỉ thu về có 73,2 triệu trên toàn thế giới so với kinh phí 100 triệu USD.
7. Mortal Engines (Cỗ Máy Tử Thần)
Danh tiếng của Peter Jackson cùng loạt phim The Lord of the Rings cũng chẳng cứu nổi quả "bom xịt" Mortal Engines. Lấy bối cảnh hậu tận thế giới những thành phố cơ giới hóa, bộ phim theo chân Hester Shaw (Hera Hilmar) trong hành trình ngăn chặn dã tâm của người cha tàn ác Thaddeus Valentine (Hugo Weaving).
Bộ phim có phần kỹ xảo và hình ảnh khá tốt nhưng nội dung lại chắp vá và nhàm chán. Thời lượng 128 phút là không đủ để nhà làm phim chuyển tải hết tâm lý nhân vật cũng như hàng loạt mâu thuẫn rắc rối. Với kinh phí lên tới 150 triệu USD, Mortal Engines chỉ mới thu được 55 triệu và chắc chắn là kế hoạch thực hiện phần hậu truyện đã tan thành mây khói.
(Theo Kênh 14)