Tứ Đại Danh Tác trong lịch sử văn học Trung Quốc bao gồm Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử và Hầu Lâu Mộng. Cả 4 tác phẩm này đều có tầm ảnh hưởng lớn tới các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam thì Tây Du Ký là tác phẩm nổi tiếng nhất, được nhiều người yêu thích nhất qua nhiều thế hệ và có tính tiếp cận đại chúng mạnh nhất. Chỉ ngần ấy câu chuyện, ngần ấy kiếp nạn, ngần ấy nhân vật nhưng tốn biết bao giấy mực vẫn không thể nào nói hết tầng tầng lớp lớp ý nghĩa. Ví dụ như 72 phép thần thông của Tôn Ngộ Không vốn hữu hạn, nhưng cảm hứng từ đó mà ra là vô hạn, luôn khiến người đời tò mò, đặt ra muôn vàn giả thiết.
Hầu hết 72 phép thần thông của Tôn Ngộ Không đều xuất quỷ nhập thần, người thường không bao giờ có thể đạt tới như xuất hồn, phân thân, di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ... Tuy nhiên có 3 phép thần thông đặc biệt, rất gần với đời thường mà nhiều người chúng ta đều có thể lĩnh giáo, ấy chính là Y Dược, Phù Thủy và Lộng Hoàn.
Với phép Y Dược, Ngộ Không có thể chế ra thuốc, thậm chí là giải phẫu.
Với phép Lộng Hoàn, Ngộ Không có thể bắt mạch, kê đơn thuốc trị bệnh.
Với phép Phù Thủy, Ngộ Không có thể vẽ bùa, đốt bùa, hòa vào với nước để uống trị bệnh.
Có điều nếu như con người chúng ta phải học hành vất vả, chăm chỉ trau dồi kiến thức thì Tôn Ngộ Không chỉ cần "nhắm mắt vào mở mắt ra" cũng đã có thể tinh thông y thuật, đủ mọi lĩnh vực, "bao" mọi khâu chữa bệnh từ A-Z. Mặt khác, bệnh mà Ngộ Không chữa được cũng đa dạng hơn, nghiêm trọng hơn và đương nhiên là mang tính ý nghĩa tượng trưng cao hơn.
Tôn Ngộ Không và thuật "huyền ti bắt mạch"
Nếu tách riêng, 3 phép thần thông của Tôn Ngộ Không nghe khá bình thường nhưng đặt trong các trường hợp cụ thể thì mới thấy được tính cao siêu trong đó. Đơn cử như lần tới nước Chu Tử, biết vua bị bệnh khó trị nên Tôn Ngộ Không đã ra tay giúp đỡ bắt mạch và khám bệnh cho quốc vương Chu Tử. Vì quá sợ hãi gương mặt của Tôn Ngộ Không mà nhà vua không muốn khám bệnh trực tiếp, Tôn Ngộ Không cũng chiều ý luôn, nói rằng mình có khả năng bắt mạch bằng dây.
Nói đặng, Tôn Ngộ Không từ trong phòng kín biến ra 3 sợi kim tuyến cho thái giám cầm ra, dặn đem vào buộc vào tay trái của vua, một sợi ngay bộ thốn, một sợi ngay bộ quan, một sợi ngay bộ xích. Ngộ Không chỉ cần vẩy vẩy vài cái là đã đoán trúng phóc bệnh phiền muộn, tương tư của nhà vua khiến nhà vua vui mừng. Sau đó, Ngộ Không cũng tự tay chọn vị thuốc, pha chế cho nhà vua uống, uống đến đâu hiệu nghiệm đến đấy.
Tôn Ngộ Không và hai sư đệ cùng điều chế thuốc trị bệnh cho quốc vương nước Chu Tử
Tương truyền rằng, phương pháp “huyền ti bắt mạch” mà Tôn Ngộ Không sử dụng bắt nguồn từ cung đình. Bởi vì lễ nghi thời cổ đại là nam nữ thụ thụ bất thân, cho dù là thầy thuốc khám chữa bệnh cho người bệnh thì cũng phải tuân thủ quy tắc này nên ngự y trị bệnh cho hậu cung nương nương hoặc công chúa thì sẽ buộc một sợi tơ trên cổ tay của nàng, còn bản thân mình thì cầm một đầu sợi tơ để tiến hành chẩn đoán bệnh.
Một cảnh bắt mạch qua sợi tơ trong cung đình xưa
Trong lịch sử Y học Trung Quốc cổ đại cũng từng ghi nhận, danh y Tôn Tư Mạc cũng từng dùng phương thức "huyền ti bắt mạch" để khám chữa bệnh cho hoàng hậu, bởi bà mang thai mãi mà không sinh được. Ban đầu, thái giám cố ý kiểm tra Tôn Tư Mạc xem y thuật của ông có thật sự lợi hại như lời đồn đại hay không nên đã lén đem sợi tơ cột vào chân một con vẹt. Không ngờ rằng, Tôn Tư Mạc lập tức biết ở đầu sợi tơ bên kia thực sự không phải là mạch người. Vị thái giám lắp bắp kinh hãi, vội vàng đem sợi tơ cột vào cổ tay hoàng hậu. Tôn Tư Mạc dễ dàng chẩn đoán được nguyên nhân hoàng hậu chậm sinh, sau đó kê một phương thuốc, chẳng bao lâu đã giúp hoàng hậu mẹ tròn con vuông.
Quay trở lại với Tây Du Ký, có người cho rằng ngay từ đầu, Tôn Ngộ Không đã rất tự tin mình sẽ chữa được bệnh cho nhà vua dù lúc đó 2 người còn chưa gặp mặt, thậm chí còn yêu cầu đích thân nhà vua đến mời mới đồng ý vào cung chữa trị. Điều này cho thấy Tôn Ngộ Không không hề quan tâm đến bệnh của nhà vua, cũng chẳng hề ngần ngại đó là loại bệnh gì, dù có ra sao thì bản thân cũng đều có khả năng chữa được mà thôi.