Trong hàng thế kỷ qua, phù thủy đã trở thành chủ đề của vô số truyện dân gian, lễ hội cũng như đề tài cho văn hóa đại chúng khai thác. Nếu như trước đây, khái niệm phù thủy thường được gắn liền với hình ảnh phụ nữ xấu xa sùng bái quỷ dữ, thì ngày nay với sự phát triển của điện ảnh cũng như xu hướng vận động nữ quyền, hình ảnh phù thủy trên màn ảnh đã có sự chuyển dịch nhất định. Cùng nhìn lại những hướng khai thác mới lạ của điện ảnh và truyền hình đối với biểu tượng dường như đã quá quen thuộc này.
Chu trình “thiện hóa” ác nhân khét tiếng, phù thủy cũng không phải ngoại lệ
Trong hàng loạt các phim live-action rập khuôn chỉ để “vắt sữa” thương hiệu thì Disney lại cho ra một tác phẩm cổ tích mới mẻ mang tên Tiên Hắc Ám (Maleficent) năm 2014. Câu chuyện công chúa ngủ trong rừng thì ai cũng biết, ai cũng rõ chuyện bà phù thủy xấu xa thế nào khi nguyền rủa công chúa rồi nghĩ ra tám vạn sáu trăm ngàn kế ghen ăn tức ở không cho nàng đến với hoàng tử. Disney lật bàn, nói rằng như thế là quá đủ rồi. Maleficent xứng đáng kể câu chuyện của riêng mình và được thể hiện qua không ai khác ngoài mỹ nhân Angelina Jolie. Bà tiên hắc ám sở hữu khí chất rạng rỡ lấn át cả công chúa cùng trái tim nhân hậu ấm áp đã chinh phục được khán giả, góp phần phá bỏ quan niệm về những phù thủy trong truyện cổ tích.
Hình tượng nữ phù thủy độc ác của Công Chúa Ngủ Trong Rừng được khai thác sâu sắc, sáng tạo qua Maleficent
Sắp tới, biết đâu chúng ta sẽ được lắng nghe nhiều hơn những câu chuyện từ phía các phản diện “truyền kiếp” nhẵn mặt với văn hóa đại chúng. Thay vì theo đuổi cuộc chiến thiện - ác như mọi lần, các nhà làm phim có thể nhìn vào thành công của Tiên Hắc Ám để khai thác thêm tuyến ác nhân vốn chịu nhiều định kiến từ lâu.
Vẻ đẹp muốn “xỉu dọc xỉu ngang” của bà phù thủy hắc ám
Phù thủy được “trẻ hóa”, xinh tươi mơn mởn để gần gũi với khán giả
Hình tượng phù thủy trên phim và truyền hình đã được cải biến nhiều lần trong các thập niên gần đây để theo kịp thị hiếu khán giả. Trong giai đoạn từ năm 1964 đến năm 1972, series Cô Vợ Phù Thủy (Bewitched) biến câu chuyện mang hơi hướm truyền thuyết về bùa chú thành một bản sitcom gần gũi. Nhân vật chính Samantha là một nữ phù thủy quyền năng sống cùng ông chồng người trần mắt thịt, những mối xung khắc giữa thế giới người thường và giới phép thuật trở thành chủ đề chính cho 8 mùa phim với hơn 200 tập.
Loạt phim Cô Vợ Phù Thủy mang đến màu sắc gia đình, sitcom vô cùng gần gũi
Những năm 2000 là thời của các cô nàng phù thủy xinh đẹp giỏi giang trong loạt phim Phép Thuật (Charmed), Khắc Tinh Ma Cà Rồng (Buffy the Vampire Slayer) hay Sabrina - Cô Phù Thủy Nhỏ (Sabrina The Teenage Witch). Họ đặt phép thuật vào bối cảnh đời thường, kể những câu chuyện dễ chịu đủ để cả gia đình có thể thưởng thức và đủ bí ẩn để lôi cuốn khán giả dõi theo từ tập này qua tập khác.
Ba chị em của Charmed là tuổi thơ của hàng triệu khán giả Việt
Khi phù thủy hòa vào dòng lịch sử, tài tình lên án sự phân biệt giới
Trong khi nhiều nhà làm phim chọn cách “F5” hình tượng phù thủy thì một số lại hướng ống kính trở lại những tháng năm đen tối. Đó là thời kỳ mà phù thủy là từ dùng để gọi những người khác biệt, sang chấn tâm lý, những kẻ thấp cổ bé họng sống ngoài rìa xã hội, bị chà đạp đến mức mất nhân tính. Những người này bị bao vây và truy tố bởi xã hội cuồng tín, xảy ra hàng trăm năm, có khi cả nghìn năm trước khi chúng ta thực sự hiểu điều gì xảy ra với họ.
Lời Nguyền Của Phù Thủy (Hagazussa: A Heathen's Curse) là bộ phim của Đức xoay quanh tâm trí u mê của một phụ nữ bị đẩy ra ngoài xã hội. Bị phủ bóng bởi số phận của người mẹ, chịu đày đọa vì không nơi nương tựa, nhân vật chính dấn vào hàng loạt sai lầm để rồi chuốc lấy bi kịch cho bản thân.
Tác phẩm đến từ Đức tập trung khai thác tấn bi kịch của phụ nữ thời xưa
Tác phẩm đầu tay Phù Thủy (The Witch) của Robert Eggers kể về một thiếu nữ New England sống ở thế kỷ 17 biến thành phù thủy như thế nào. Đó là một bi kịch của sự cuồng tín, nhưng cũng đồng thời là hành trình mà Thomasin (Anya Taylor-Joy) nắm lấy định danh của bản thân, những gì mà em với tư cách là một phụ nữ luôn khát khao: sức mạnh, sự độc lập, ham muốn và sự chấp nhận. Cảnh cuối phim khi nữ chính trút bỏ hết mọi thứ để gia nhập bầy phù thủy múa hát như một lời tuyên ngôn rũ bỏ định danh con người và tôn giáo, hẳn sẽ không giống bất kỳ bộ phim về phù thủy nào mà khán giả từng được xem.
Hình ảnh Thomasin tiến vào rừng sâu và trở thành một phù thủy
Phù thủy thời 4.0 cũng quan tâm nữ quyền, đã đến lúc chị vùng dậy rồi!
Cùng với sự thoái trào của sitcom, phim hài - tình cảm, chủ đề siêu nhiên cũng như thay đổi về xã hội mà các tác phẩm lấy chủ đề về phù thủy cũng biến hóa đa dạng hơn nhiều. Chúng ta có những phù thủy xinh đẹp và chết chóc trong Truyện Kinh Dị Mỹ: Hội Phù Thủy (American Horror Story: Coven), Truyện Kinh Dị Anh Quốc (Penny Dreadful) hay Trò Chơi Vương Quyền (Game of Thrones).
“Phù thủy đỏ” trong loạt phim Trò Choơi Vương Quyền
Phù thủy trong Truyện Kinh Dị Mỹ: Hội Phù Thủy ra mắt năm 2013
Nằm trong dòng chảy nữ quyền chung nhưng với một sắc thái độc đáo, Phù Thủy Tình Yêu (The Love Witch) nổi bật với màu phim pastel cực dễ thương và nội dung 18+ nói về một nữ phù thủy chỉ mong tìm được ai chung tình, rốt cuộc lại giết cả tá đàn ông vì tình dược của nàng. Bộ phim của nữ đạo diễn Anna Biller tạo được tiếng vang khi phá bỏ định kiến về giới, nói lên những khao khát thầm kín và tinh tế của phụ nữ cũng như làm mới hình ảnh của bùa thuật trên màn ảnh.
Nữ phù thủy yêu màu hồng, ghét sự giả dối trong The Love Witch
Ở đó, nhan sắc và quyền năng luôn đi kèm với cái giá phải trả và một phù thủy xinh đẹp thường đi cùng với lời cảnh báo. Phù thủy trong hầu hết các phim ngày nay thường bỏ qua hình tượng ngọt ngào chiều lòng nam giới, mà khoác lên mình sự tự tin của một nữ cường biết mình phải làm gì. Đôi lúc, để có được sức mạnh các chị em còn phải hy sinh đủ thứ như trường hợp của bà chị Yennefer trong Thợ Săn Quái Vật (The Witcher).
Yennefer là phù thủy nhưng phải trải qua nhiều biến cố lớn
Và gần đây nhất là Anne Hathaway trong Phù Thủy, Phù Thủy (The Witches). Bên cạnh cô chẳng có câu chuyện về người đàn ông hay tình yêu đôi lứa. Hội bùa chú của Phù Thủy Tối Cao hoàn toàn có lập trường, vị thế và được xây dựng như một “phản diện” mưu mô đúng nghĩa. Thế nhưng, ở dàn nhân vật Phù Thủy, Phù Thủy vẫn toát lên sự quý phái, sang chảnh của kiểu phụ nữ thời 4.0: độc lập, tự chủ và biết mình muốn gì.
Gần đây nhất, Anne Hathaway hóa thân thành Phù Thủy Tối Cao dẫn đầu hội chị em phù thủy đi săn lùng trẻ em
Phù Thủy, Phù Thủy đang có các suất chiếu đặc biệt nhân dịp Halloween vào ngày 31/10 và 1/11. Phim sẽ chính thức công chiếu tại Việt Nam vào ngày 6/11/2020.
Nguồn ảnh: Tổng hợp