8 phim hậu truyện có chất lượng tốt hơn phần trước dù giảm ngân sách

Các phim sequel tại Hollywood thường bị đóng khung theo công thức ồn ào, hoành tráng và đắt đỏ hơn tác phẩm trước. Nhưng đôi khi, chất lượng lại tỷ lệ nghịch với kinh phí.

Spider-Man: Far from Home (2019): Ít ai biết rằng phần hậu truyện về Người Nhện ra mắt năm 2019 lại có kinh phí thấp hơn tác phẩm trước - Homecoming (2017) - 15 triệu USD. Cả hai phim đều là những chuyến phiêu lưu ly kỳ của Peter Parker (Tom Holland) đang trong độ tuổi trưởng thành. Song, Far from Home có phần nhỉnh hơn khi tập trung vào cảm xúc của Người Nhện sau cái chết của Tony Stark (Robert Downey Jr.). Ngoài ra, phim dành nhiều thời lượng hơn cho hai nhân vật Ned (Jacob Batalon) và M.J (Zendaya), cũng như xây dựng phản diện Mysterio (Jake Gyllenhaal) đầy thú vị.

Logan (2017): Là lời từ biệt của Hugh Jackman dành cho vai diễn Wolverine sau gần 20 năm, Logan tập trung xây dựng nhân vật và cốt truyện, thay vì tập trung vào hành động hay kỹ xảo. Phim mang đến hình ảnh già nua, mệt mỏi và suy sụp tinh thần của Wolverine từng bất khả chiến bại. Nhưng đây cũng là lúc gã được sống như một con người thực thụ với khát khao có một gia đình nhỏ. Logan không chỉ cảm xúc mà còn bạo lực hơn khi loại bỏ hầu hết hiệu ứng phông xanh giả tạo. Kinh phí phim nhờ đó được thu nhỏ đáng kể, chỉ 100 triệu USD so với 150 triệu USD của The Wolverine (2013) trước đó.

Guardians of the Galaxy Vol. 2 (2017): Guardians of the Galaxy (2014) là phép thử thành công của Vũ trụ Điện ảnh Marvel khi đưa lên màn ảnh một nhóm anh hùng ít tiếng tăm thông qua âm nhạc và sự hài hước. Song, bộ phim vẫn thiếu một phản diện xứng tầm và mới dừng lại ở việc giới thiệu nhân vật. Qua phần hai, mối quan hệ giữa các Vệ binh được đào sâu hơn khi Peter Quill (Chris Pratt) phát hiện ra sự thật về người cha Ego (Kurt Russell), Nebula (Karen Gillan) và Gamora (Zoe Saldana) làm lành, hay Yondu (Michael Rooker) cố gắng sửa chữa lỗi lầm. Kinh phí của Guardians of the Galaxy Vol. 2 chỉ dừng ở mức 200 triệu USD, so với 232 triệu USD của phần trước.

Paddington 2 (2017): Ra mắt năm 2014, Paddington là bộ phim nhẹ nhàng và cảm xúc xoay quanh hành trình tìm kiếm một mái ấm ở London của chú gấu biết nói Paddington (Ben Whishaw). Tác phẩm thu 300 triệu USD với kinh phí 65 triệu USD. Đến Paddington 2, đạo diễn Paul King thêm thắt nhiều yếu tố phiêu lưu hài hước giúp tập phim hấp dẫn hơn. Vai phản diện thú vị Phoenix Buchanan (Hugh Grant) là điểm nhấn mang về cho tác phẩm điểm số tuyệt đối trên Rotten Tomatoes. Bất ngờ là Paddington 2 chỉ tiêu tốn của các nhà sản xuất 40 triệu USD.

G.I. Joe: Retaliation (2013): G.I. Joe: The Rise of Cobra (2009) là “bom xịt” đắt đỏ với kinh phí sản xuất lên tới 175 triệu USD. Những cảnh hành động mãn nhãn không cứu nổi kịch bản tẻ nhạt, diễn xuất tệ hại và những câu đùa kém duyên. Chẳng lạ khi nhà sản xuất quyết định thay máu gần như toàn bộ dàn diễn viên. Tuy không quá xuất sắc, G.I. Joe: Retaliation lại hài hước, gắn kết và dễ tiếp cận hơn nhiều nhờ sự góp mặt của Dwayne “The Rock” Johnson, Bruce Willis và Elodie Yung. Phim có kinh phí sản xuất 155 triệu USD, nhưng kiếm hơn phần trước đến 75 triệu USD.

Star Wars: Revenge of The Sith (2005): Bộ ba tiền truyện của Star Wars bị nhiều fan của thương hiệu đánh giá là tệ hại. Tiêu tốn đến 115 triệu USD mỗi phim, lần lượt The Phantom Menace (1999) và Attack of the Clones (2002) bị cả các nhà phê bình lẫn khán giả chê bai bởi cách xây dựng nhân vật, diễn xuất và những màn đối thoại thảm họa. May mắn là Revenge of The Sith đã vớt vát phần nào niềm tin của người hâm mộ. Trừ việc Anakin (Hayden Christensen) đổi phe quá nhanh, phim mang đến cái kết trọn vẹn cùng những cảnh chiến đấu hoành tráng với kinh phí sản xuất 110 triệu USD.

Star Trek II: The Wrath of Khan (1982): Star Trek: The Motion Picture (1979) có chất lượng chỉ ở mức tạm ổn. Phim ngốn đến 44 triệu USD do quá phụ thuộc vào kỹ xảo. Đến khi The Wrath of Khan ra mắt, thương hiệu Star Trek mới bước lên tầm cao mới. Tác phẩm tập trung xây dựng nhân vật và khai thác mối liên kết giữa thành viên tàu Enterprise như Spock (Leonard Nimoy) và Kirk (William Shatner). Kịch bản phim nhờ đó trở nên cảm xúc và hấp dẫn hơn. Khan (Ricardo Montalban) cũng là một trong những phản diện xuất sắc trên màn ảnh rộng. Điều ngạc nhiên là phim chỉ có kinh phí sản xuất 12 triệu USD.

Superman II (1980): Ngay khi vừa công chiếu, Superman (1978) đã nhanh chóng tạo ra cơn sốt. Bộ phim hội tụ đủ yếu tố thành công như hành động, giật gân, lãng mạn, thiện - ác đối đầu, sự hài hước và hiệu ứng hình ảnh ấn tượng. Diễn xuất của Christopher Reeve và cả dàn diễn viên đều xuất sắc. Phần hai của phim ra mắt sau đó hai năm với cường độ hành động và kỹ xảo tương tự. Song, Superman II vượt qua tác phẩm trước nhờ tập trung xây dựng cả nhân vật chính lẫn phản diện Tướng Zod của Terence Stamp. Kinh phí phim cũng thấp hơn khoảng 1 triệu USD so với khoản 55 triệu USD trước đó.