1. Bước ngoặt lớn cho Pixar và thể loại phim hoạt hình: Ra mắt năm 1995, Toy Story là cột mốc lớn cho hãng Pixar nói riêng và thể loại phim hoạt hình nói chung. Cụ thể, đây không chỉ là phần phim đầu tiên của thương hiệu Toy Story mà còn là bộ phim hoạt hình dài đầu tiên được tạo dựng trên máy tính. Tác phẩm gặt hái thành công lớn, trở thành phim có doanh thu cao nhất 1995 và được đề cử ba giải Oscar. John Lasseter đã được trao giải thưởng Thành tựu đặc biệt cho những sáng tạo về công nghệ được sử dụng để tạo ra bộ phim.
2. Joss Whedon giữ kịch bản phần phim đầu tiên: Trước khi làm đạo diễn The Avengers, Joss Whedon là người viết kịch bản cho Toy Story phần đầu tiên. Trong cuốn sách Joss Whedon: Cuộc trò chuyện của tác giả Cynthia Burkhead, Whedon giải thích rằng nhà sản xuất đã gửi cho anh kịch bản tác phẩm này nhưng ban đầu nó rất lộn xộn, đậm tính mỉa mai và khả năng thành công không cao. Việc đóng góp chất xám cho bộ phim của hãng Pixar giúp Whedon có được đề cử Oscar đầu tiên và cũng là duy nhất đến hiện tại.
3. Buzz và Woody phiên bản đầu tiên được xây dựng khác biệt: Ban đầu, Woody là nhân vật phản diện của Toy Story, xuất hiện dưới dạng một hình nộm chứ không phải một con búp bê cao bồi. Toy Story ban đầu cũng có tựa phim khác là You Are A Toy. Đây chính là câu nói của Woody với Buzz trong phim khi anh chàng ảo tưởng việc mình là cảnh sát vũ trụ. Tên ban đầu của Buzz Lightyear được đặt là Lunar Larry.
4. Tim Allen không phải sự lựa chọn đầu tiên cho nhân vật Buzz Lightyear: Tim Allen đã lồng tiếng cho nhân vật Buzz Lightyear trong cả ba phần của phim. Anh sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò này trong Toy Story 4 được phát hành năm nay. Trên thực tế, Allen không phải là người đầu tiên được trao vai trò này mà là Billy Crystal. Hãng Pixar đã lấy mẫu một đoạn clip phần diễn xuất của Crystal trong bộ phim When Harry Met Sally để tiến hành thử nghiệm. Tuy nhiên nam diễn viên đã chủ động từ chối lời mời. Crystal hợp tác với Pixar sau đó trong vai trò người lồng tiếng cho Mike Wazowski của phim hoạt hình Monsters, Inc(2001).
5. G.I. Joe và Barbie đáng lẽ sẽ xuất hiện trong Toy Story: Pixar muốn đưa vào Toy Story rất nhiều nhân vật thú vị khác. Ban đầu, hãng muốn có một món đồ chơi có tên G.I. Joe trong phim, nhưng sau khi nhà sản xuất Hasbro biết rằng nhân vật Sid sẽ thổi bay nó trong kịch bản, họ đã từ chối. Pixar cũng từng có ý định nhờ Barbie cứu Woody và Buzz khỏi nhà Sid, nhưng Mattel không chấp thuận. Vì vậy Pixar phải từ bỏ ý tưởng này. Barbie sau đó được giới thiệu vào năm 1999 trong Toy Story 2.
6. Toy Story có thể là một vở nhạc kịch: Disney đã thành công với các vở nhạc kịch được chuyển thể từ phim hoạt hình cùng tên như The Lion King hay The Little Mermaid. Vì vậy Toy Story ban đầu được xây dựng như một vở nhạc kịch. Khi tác phẩm trong giai đoạn phát triển, Joss Whedon được mời tham gia làm lại kịch bản. Whedon và John Lasseter đã quyết định không sử dụng âm nhạc để kể chuyện trong Toy Story.
7. Lý do bố của Andy không bao giờ xuất hiện: Kể từ bộ phim Toy Story đầu tiên được phát hành vào năm 1995, nhiều khán giả đã thắc mắc không hiểu chuyện gì xảy ra với bố của Andy. Hơi kỳ lạ khi ông không bao giờ được nhìn thấy hoặc đề cập đến trong bất kỳ phần phim nào của Toy Story. Trên thực tế, bố của Andy không đóng vai trò quan trọng và việc nhân vật này không xuất hiện giúp Pixar đỡ tốn kém hơn. Điều này cũng giải thích tại sao tất cả những đứa trẻ trong bữa tiệc sinh nhật của Andy trông giống hệt cậu bé.
8. Các nhà làm phim đổ công sức để có Green Army Men trên màn ảnh: Trong quá trình làm phim hoạt hình, một số nhân vật khó tạo hiệu ứng hơn các nhân vật khác. Trang Screenrant trích dẫn rằng phiên bản đầu tiên của gấu Lotso trong Toy Story không được xuất hiện nhiều vì công nghệ thực hiện bộ lông gấu vẫn chưa được hoàn thiện. Khó khăn tương tự với tạo hình của Green Army Men. Các nhà làm phim hoạt hình muốn chắc chắn rằng họ tái hiện đúng chuyển động của những người lính trên màn ảnh, vì vậy họ buộc những tấm gỗ vào chân mình và cố gắng đi bộ xung quanh. Để đạt đến độ chân thực nhất cho các nhân vật hoạt hình là cả một sự kỳ công của những người sáng tạo.