Dưới đây là những tình tiết rập khuôn một cách phi lý khiến người xem cảm thấy ngán ngẩm:
Áo giáp
Một điều đáng buồn là áo giáp trong phim bao giờ cũng rất ngớ ngẩn, và gần như chả mấy nhà làm phim biết mục đích của chúng là gì. Bởi vì trên thực tế, áo giáp không được tạo ra để khiến đàn ông trông hung hãn hơn, còn phụ nữ thì hấp dẫn hở hang hơn. Thiết kế kiểu vậy không chỉ hạn chế khả năng bảo vệ các bộ phận quan trọng trên cơ thể, mà còn khiến việc di chuyển của người mặc trở nên kém linh hoạt
Sự lột xác hoàn hảo
Hình tượng rập khuôn về những cô gái kém hấp dẫn đó là vì họ mặc những bộ trang phục bình thường và đơn điệu, nhưng thực ra họ có vẻ đẹp tiềm ẩn. Một khi họ thay đổi trang phục và make up, họ bỗng lột xác thành nữ thần, và những người đàn ông xung quanh không thể rời mắt khỏi họ. Và họ ngay lập tức thay đổi hành vi của mình: từ những cô gái không rụt rè hoặc hướng nội, họ biến thành những người hướng ngoại siêu tự tin. Thật không may, trong cuộc sống thực, khả năng thay đổi 180 độ như mô típ này gần như không thể xảy ra, hoặc đòi hỏi thời gian, công sức và tiền bạc rất nhiều.
Gào thét giữa đường để vẫy taxi
Nghiêm túc mà nói, bạn đã thấy ai làm như vậy ngoài đời bao giờ chưa? Nếu bạn gào thét trên đường phố, mọi người sẽ nghĩ bạn bị điên. Có thể hiểu rằng các nhà làm phim tạo những cảnh này để cho thấy sự bốc đồng của các nhân vật, nhưng kịch bản này có phần phi lý và nhàm chán, đòi hỏi sự thay đổi mới mẻ hơn.
Phi tiêu gây mê
Nếu bạn tin vào những cảnh phi tiêu gây mê trong phim, thì ngoài thực tế, chúng ta hoàn toàn không cần tới bác sĩ gây mê vì bất kỳ ai cũng có thể ngủ lịm chỉ với phi tiêu tẩm thuốc mê. Trên thực tế, rất khó để tính đúng liều đủ để gây mê cho một người, và vũ khí này rất hiếm khi được sử dụng trong quân đội hoặc cảnh sát. Còn động vật vẫn có thể chạy thêm khoảng 30-45 giây sau khi bị bắn, do đó phi tiêu gây mê đôi khi cũng vô dụng.
Sinh nở
Tất cả mọi thứ liên quan đến chủ đề sinh nở trên phim đều rất giả tạo. Một người mẹ hoàn toàn ổn trong 9 tháng mang thai, nhưng một giờ trước khi sinh, cô ấy bị co thắt dữ dội. Trong thực tế, mọi thứ hoàn toàn khác. Và những em bé mới sinh trong phim rất sạch sẽ, và to gấp 2 lần so với thực tế. Tuy nhiên, trên thực tế đứa trẻ mới sinh trông khá nhớp nháp do lớp ối bọc bên ngoài rách ra, còn người sản phụ thì vật vã nhiều giờ liền.
Vết thương và hôn mê
Các nhân vật bị đánh, trúng đạn, và sau đó họ chạy trốn khỏi bệnh viện sau khi rút hết kim tiêm và ống truyền. Và ngay cả khi nhân vật gặp kẻ thù khi chạy trốn, anh ta vẫn sẽ thắng bằng một cách vi diệu nào đó. Sau một tuần hôn mê, người hùng có thể đánh bại bất cứ ai. Nhưng trong thực tế, người bệnh thậm chí còn không thể đi lại, huống gì đánh nhau.
“Không có thời gian để giải thích”
Các nhân vật thường sẽ nói điều này khi họ nghĩ rằng tình huống quá gấp gáp. Thế nhưng ngoài cuộc sống, chúng ta hầu như không bao giờ sử dụng câu nói này. Sẽ tốt hơn nhiều nếu giải thích bản chất của vấn đề trước khi bạn muốn một người làm việc gì đó, hoặc khiến họ tin tưởng bạn. “Họ đang đuổi theo tôi”, hay Chỉ có anh mới có thể giúp chúng tôi”, ít nhất cũng phải cho người khác biết điều gì đang diễn ra trước khi nhờ cậy hay lay chuyển họ chứ?
Máy tính
Việc sử dụng máy tính trong phim là một vấn đề gây nhức nhối với nhiều người. Trong phim, các nhân vật sử dụng máy tính thường phát ra những âm thanh kỳ lạ, các nút quá to, giao diện phần mềm trông như được thiết kế bởi một đứa trẻ 3 tuổi. Trong loạt phim truyền hình NCIS, các nhà biên kịch còn quá đà hơn khi để... 2 nhân vật gõ chung một bàn phím. Thậm chí trong hầu hết các phim, 15 giây là quá đủ để hacker kiểm soát mọi thiết bị, mọi nơi trên thế giới.
Kiếm thuật
Nếu bạn sử dụng kiếm để chiến đấu ngoài đời, khung cảnh trông sẽ khác hẳn so với phim. Trên phim các động tác, đòn đánh trông chả khác gì khiêu vũ để khiến khán giả mãn nhãn, còn trong thực tế, bạn sẽ cố gắng hạn chế tối đa các động tác thừa, và luôn chờ cơ hội để đâm hoặc chém đối phương nhanh nhất có thể.