Không chỉ là một hành trình 8 năm với sự trưởng thành của cả ekip làm phim, Ròm còn là một tác phẩm xứng đáng được xem là dấu mốc trong sự trưởng thành của điện ảnh Việt để đưa một tác phẩm trần trụi, khắc nghiệt, vượt qua nhiều quy chuẩn trước đó để đến với màn ảnh rộng.
Ròm cũng mở ra cho ta một hướng đi mới lạ về cách xây dựng hình tượng nhân vật. Không thể phủ nhận rằng, nó còn nhiều sai sót. Nhưng sự mạo hiểm này đã để lại một ấn tượng mạnh mẽ về bản chất thật sự của con người khi đối diện với bước đường cùng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng bàn với nhau về một tuyến nhân vật đặc biệt bật nhất của Ròm - nhân vật phản diện. Nhân vật, mà với tôi, nó là tất cả mọi người, nhưng cũng chẳng là ai.
1. Một xã hội mà ai cũng là kẻ ác
Ròm lấy bối cảnh chính ở một chung cư nghèo, nơi ai cũng mê đắm những “con số may mắn” với khao khát đổi đời, thoát khỏi cái cảnh nghèo túng. Ở đây, mọi người vừa gắn kết với nhau bằng tình làng nghĩa xóm, vừa chỉ xem nhau là công cụ kiếm tiền đơn thuần. Với người dân chung cư, cái lớn, cái bé hay Ròm (Trần Anh Khoa) và Phúc (Nguyễn Phan Anh Tú) vừa là vị thần may mắn, vừa là kẻ phá hoại, cướp bóc tiền tài, hạnh phúc. Với cái lớn, tất cả những kẻ còn lại vừa là công cụ kiếm tiền, vừa là kẻ cặn bả chèo kéo những món nợ. Với Ròm và Phúc, người dân chung cư là mối tiền, vừa là hiểm họa đe dọa cuộc sống. Và trong mối quan hệ của riêng hai cậu bé, người còn lại là bạn bè, vừa là đối thủ.
Vì luôn ấp ủ âm mưu về sự lợi dụng nên các nhân vật trong phim đều là phản diện của cuộc đời nhau. Họ đuổi đánh, họ đe dọa, họ đày đọa, dày xéo đối phương bằng cả những đòn đánh từ tinh thần đến thể xác. Họ, trong lúc túng quẩn nhất, bỏ qua sự yêu thương, gắn kết trong cái đêm đàn hát trước đó để trở nên ích kỉ, tàn độc. Kể cả nhân vật do rapper Wowy thủ vai, người tưởng là phản diện có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của bộ phim, cũng chịu chung một sự hắt hủi, lừa lọc, phải sống cái đời gắn với cây búa và máu lửa. Hay Ròm, người tưởng ngây thơ, tội nghiệp cũng đã “thắp sáng” cả căn chung cư vì 200.000 đồng đi tìm cha mẹ. Suy cho cùng, ai trong Ròm cũng có thể là phản diện.
2. Số đề hay là cái nghèo
Và chúng ta cũng có thể nói rằng, lô đề là phản diện lớn nhất. Trong cái bức tranh mà mọi con người xuất hiện trong đó đều gắn với lô đề, chẳng ai hạnh phúc. Cái lớn kì kèo số tiền 100.000 đồng, sống trong cái khu lụp xụp lo sợ một ngày cảnh sát tìm đến; cái bé giấu mặt, giấu mũi mà sống, mong chờ hi vọng chữa được bệnh cho con; đứa chạy số thì cả đời gắn với những cuộc rượt đuổi, hắt hủi, chém giết; và người chơi đề nghèo túng, nợ nần, và nghiện ngập đi tìm “con số may mắn”.
Số đề đẩy mọi nhân vật vào một cuộc sống lòng vòng, túng quẫn không lối thoát. Thắng lại chơi tiếp, thua thì bỏ mạng trốn nợ. Lòng tin con người cũng phải so đo với con số 49, 37, 91, số thẳng thì lòng tin còn, số thua thì dẫm đạp như vũng nước mưa lún đọng mà Ròm và Phúc đánh nhau chảy máu. Nếu ma túy giết chết con người bằng cách phá hủy cơ thể của họ, thì số đề tấn công vào tinh thần mềm yếu của những con người lỡ “hít” thử nó một lần.
Nhưng số đề đã là gì, khi kẻ giật giây cuối cùng cho mọi bất hạnh thực chất là cái NGHÈO. Nhìn xem, trong Ròm, có ai không nghèo. Cái nghèo làm 50.000 đồng quý như vàng, phải vứt bỏ niềm tin và liêm sỉ để ăn cướp, ăn trộm. Cái nghèo khiến hai đứa trẻ đáng ra phải ngây thơ, trong sáng buộc ra đời sớm hơn mong đợi, dìm nhau xuống nước, đánh nhau chảy máu đầu để tiếp tục sống qua ngày. Chính kẻ phản diện vô hình này đã thao túng mong muốn đổi đời của người lao động, nhử họ bằng món lời nhỏ để kích thích họ bỏ ra số tiền đầu tư lớn. Để rồi kẻ phản diện ngày càng to lớn, càng vững mạnh khi chứng kiến những người bị nó chà đạp ngày một thêm nghèo, thêm tù túng.
3. Và khi mỗi người đều là phản diện của cuộc đời mình
Như dòng đề tự của đạo diễn trong những phân đoạn cuối của bộ phim, lô đề từng làm khổ rất nhiều người lao động. Nó đánh vào cái tầng lớp nghèo khó, chật vật nhất của xã hội và giày xéo họ, khiến họ không thể bức ra được bi kịch cuộc đời mình. Nhưng chính bản thân họ, lấy cái cớ “nghèo” để bào chữa cho mọi hành động sai trái, để đổ lỗi và ép buộc đối phương. Họ, vốn tự mặc định mình với sự nghèo của đời, đẻ tiếp tục sống với nó.
Đó chính là bi kịch thật sự của bộ phim. Bi kịch về những con người lầm đường lạc lỗi, những con người không thể bức phá khỏi cái lồng đóng khung tâm trí, khỏi những cám dỗ ngắn hạn. Cuối cùng, phản diện của Ròm có thể là bất kì ai. Vì ai cũng gây nên tác động xấu lên cuộc đời những người còn lại. Nhưng cũng chẳng là ai cả, vì chính họ đã tự khiến đời mình bế tắc và cực khổ chỉ vì một chữ “nghèo” đóng chặt trong suy nghĩ.
Nguồn ảnh: Tổng hợp từ phim