Sau hơn 2 năm sản xuất và hậu kỳ, cuối cùng thì Trái Tim Quái Vật của đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp cũng đã sẵn sàng ra mắt khán giả. Đối với những người dấn sâu hơn một tí với điện ảnh Việt, sẽ chẳng xa lạ gì với Tạ Nguyên Hiệp dù Trái Tim Quái Vật là phim đầu tay của anh. Với 4 tấm bằng thủ khoa ở Đại học Sân khấu Điện ảnh, thực tế Hiệp đã gây dấu ấn rất mạnh với những phim ngắn thuộc đề tài giật gân, kinh dị. Vì thế, khi Trái Tim Quái Vật được công bố, giới chuyên môn đã không ngại cho rằng đây là tác phẩm đáng chờ đợi vì Hiệp sẽ được thoải mái vẫy vùng và sáng tạo trên màn ảnh rộng với những thế mạnh của mình.
Xem ngay trailer Trái Tim Quái Vật
Thể loại thriller, hay tâm lý tội phạm luôn có đối tượng khán giả riêng biệt, nhưng chưa bao giờ là thể loại được ưa chuộng của số đông. Vì thế Trái Tim Quái Vật từ đầu đã mang nhiều thách thức hơn so với những phim khác. Nhất là sau một vài phim cùng thể loại ở Việt Nam được công chiếu mà không để lại ấn tượng mạnh mẽ. Liệu rằng những cái tên như Hoàng Thùy Linh, B Trần, Hứa Vĩ Văn, Trịnh Thăng Bình có đủ sức trám vào những non yếu của dòng phim này trên thị trường?
Câu trả lời hẳn nhiên chỉ biết được khi phim công chiếu. Cũng như diễn xuất hay chất lượng của bộ phim bây giờ vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, qua những gì mà Trái Tim Quái Vật đã được công bố với khán giả, chúng ta có thể tin rằng chắc chắn đây là một tác phẩm đáng chờ đợi. Vì len lỏi trong các khung hình đầu tiên của bộ phim là những cảm xúc rất thô ráp, chân thật, rất có tính địa phương về không khí và không gian. Chúng ta thấy một Sài Gòn chân thật, không xa hoa và có mùi vị của bức bối.
Những vụ án tại các khu chung cư ngột ngạt
Nếu ở Sài Gòn đủ lâu, bạn sẽ biết có rất nhiều khu chung cư lâu đời. Ở những nơi đó luôn toát lên một không khí đặc biệt đến nỗi có thể gọi là văn hoá. Sự xuống cấp về cơ sở vật chất, những block nhà nhuốm màu thời gian, cảm giác chật chội và không khí nhộn nhịp của những hộ dân. Văn hóa sinh hoạt chung thể hiện rất rõ ràng ở những nơi này. Khác hẳn với những khung chung cư cao cấp sau này nhà nào cũng đóng cửa kín mít, khi bước dọc trên hành lang những chung cư cũ, ta nghe được nhiều âm thanh cộng hưởng: tiếng tivi của nhà này, tiếng nói chuyện sang sảng của nhà kia, tiếng con nít khóc của nhà nọ… Sở dĩ người ta không đóng cửa cũng là thời tiết, nhưng dần dà tạo thành thói quen, thành nếp sống. Có thể đối với những người Tây phương, không khí ở các khu chung cư này thật hỗn độn, phức tạp nhưng với người Sài Gòn, người Việt Nam, thậm chí là châu Á, đó đã trở thành một phần của văn hoá.
Ta có thể nhìn thấy và cảm nhận cái chật chội, hơi thở ngột ngạt qua trailer của Trái Tim Quái Vật: những dãy hành lang hẹp, những con người không ngại che giấu cảm xúc, và một vụ án mạng. Mỗi khi có những sự kiện ồn ào như người chết xảy ra ở các chung cư, chắc chắn là náo động. Rất nhiều những cánh cửa sẽ mở ra, dòng người kèn đặc ở các hành lang hay hiện trường vụ án, rất nhiều tiếng xì xào. Sự truyền miệng, những thông tin nối từ tai này đến tai kia khiến vụ việc trở thành vấn đề chung của tất cả mọi người, chứ không riêng nhà nào, đúng như ý nghĩa của từ chung-cư. Bộ phim có kịch bản hoàn toàn nguyên bản, với những đặc tính thuần Việt rất mạnh mẽ.
Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp là một người con của Sài Gòn. Thế nên không lạ khi anh thẩm thấu rất đậm đặc thứ văn hóa và cảm giác mà càng ngày càng ít đi đó giữa cuộc sống hiện đại. Anh cho biết chính sự ám ảnh về những lời xì xào, những số phận và cả những kết cục bị chôn vùi trong bóng tối từ những vụ án mạng ở các chung cư đã khiến anh tạo nên một Trái Tim Quái Vật.
Phim của những con người thuộc giai-cấp-thấp
Trái Tim Quái Vật không có biệt thự, không có siêu xe hay những gì hào nhoáng của Sài Gòn. Thay cho phần "hoa", phần "lệ" của thành phố này được thể hiện rất rõ rệt trong trailer và những video hậu trường. Từ khu chung cư, buổi họp dân phố hay khu gầm cầu, bãi đất hoang... đến cả những con người trong câu chuyện này, cũng rất thô mộc và xù xì.
Cô Khánh do Hoàng Thùy Linh đóng là một bà mẹ đơn thân, có đứa con 5 tuổi. Cô ước mơ mở tiệm bánh nhưng cũng là một cô nhân viên làm nghề mát-xa, gội đầu. Khánh trong mắt của mọi người, thậm chí chính cô ấy, chắc chắn không phải người đàng hoàng. Ta sống trong thành phố này, thi thoảng vẫn sẽ nghe thấy những câu dè bỉu về những cô gái làm các nghề mà phần đông người ta cho là không-đàng-hoàng.
Ta chưa biết Khánh là một người như thế nào trong phim, cô có câu chuyện đáng thương nào đằng sau hay không nhưng chắc chắn ấn tượng về Khánh là từ những điều không tốt đẹp như thế. Cô là một dạng người sống mỗi ngày chỉ đề mưu sinh, để thoát khỏi nợ nần, để có một cuộc sống bớt lo đi. Khánh còn có ước mơ mở tiệm bánh, có lẽ đã hơn nhiều người.
Bên cạnh Khánh cũng là những người nhiều vấn đề. Đó là cậu Lâm si tình (B Trần), trẻ tuổi hơn, sẵn sàng vì bà mẹ đơn thân mình yêu mà làm những điều điên rồ. Nghe cao đẹp thế nhưng thực chất, hắn cũng chỉ là một gã lông bông, tương lai không ổn định. Còn có ông tổ trưởng tổ dân phố (Hứa Vĩ Văn), đi cà nhắc và bị người khác bất bình. Ông Bé hiện lên như một miền kí ức vững chắc về cuộc sống trong những khu tập thể, những con hẻm mà đến bây giờ vẫn còn. Những người như ông Bé được ví như bộ mặt của cư dân, đại diện cho dân để quyết định những việc hệ trọng. Nhưng một khi mất lòng tin, chắc chắn sẽ có rất nhiều vấn đề phức tạp.
Ông Bé, Khánh, Lâm hay cả gã diễn viên hết thời (Trịnh Thăng Bình) như những mảnh ghép rất chân thật và đặc sệt màu sắc gai góc của những con người thuộc tầng lớp lao động. Những người mà trong mắt của nhiều người khác là thuộc giai cấp thấp. Ở họ toát lên sự ngông nghênh, bất trị và nhiều khuất tất. Nhưng đồng thời, cuộc sống của những con người này là hơi thở của Sài Gòn - vùng đất của dân tứ xứ. Tin rằng đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp chọn họ để kể câu chuyện Trái Tim Quái Vật với sự tôn trọng và cảm xúc gắn bó trong suốt những năm sinh trưởng của anh ở thành phố này.
Gai góc, bạo liệt nhưng đâu đó vẫn có sự cảm thông
Bức tranh của Trái Tim Quái Vật chỉ mới lộ ra những gì đen tối và gai góc nhất. Một vụ án mạng thương tâm, xác chết tòng teng trên dây điện cùng những nghi vấn chồng chéo về các nghi can tạo nên một không khí hỗn độn, tạp nham.
Trong những thước phim vẫn còn chưa rõ ràng của Trái Tim Quái Vật, ta vẫn thấy được thấp thoáng sự cảm thông và tình thương và đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp dành cho các nhân vật, cho những mảnh đời chưa hạnh phúc, cho một Sài Gòn thô ráp, xù xì nhưng vẫn chất chứa hy vọng.
Những con người khắc khổ trong Trái Tim Quái Vật có lẽ vẫn biết mơ ước, vẫn hy sinh vì nhau kể cả trong những lúc dầu sôi lửa bỏng. Trong ánh mắt của Khánh, của Lâm, hay của Dustin và cả ông Bé, ta nhìn thấy sự chai sạn nhưng vẫn đâu đó là ý muốn thay đổi cuộc đời. Có người muốn mở tiệm bánh để không còn bị gọi là gái mát-xa, có người vì âm mưu mờ ám gì đó mà muốn làm một cú đổi đời, có người vì yêu mà dành riêng sự tin tưởng tuyệt đối, cũng có người cứ như sống trong ảo tưởng để níu kéo hào quang.
"Đến chừng mình muốn làm lại cuộc đời, thì cuộc đời cho mình đi bụi", câu thoại khắc khoải của Khánh trong trailer như nói lên nỗi lòng của rất nhiều người đến với Sài Gòn bằng sự hứng khởi để rồi gục ngã vì những hão huyền.
Hy vọng bộ phim sẽ có chất lượng tốt, để làm nóng bầu không khí nhộn nhịp cuối năm của phim nội địa. Bởi Trái Tim Quái Vật có những chất liệu quá tốt và gần gũi với khán giả trong nước. Nếu thành công, khán giả cũng sẽ có niềm tin nhiều hơn với thể loại khó nhằn này.
Trái Tim Quái Vật dự kiến khởi chiếu từ ngày 20/11/2020.
Nguồn ảnh: NSX cung cấp