Anh Tú Wilson (Ròm): Ở Busan thằng Phúc không ác bằng ở Việt Nam, còn bản phim chiếu sân nhà có after-credit mà nhiều người không biết!

Câu chuyện của "thằng Phúc" hay đi lừa đảo bạn bè trong phim Ròm được kể bằng những từ ngữ giản dị nhưng đầy nhiệt huyết, chân thành bởi diễn viên Anh Tú Wilson.

Ròm có một nhân vật đồng hành - và đôi khi đối đầu với nó - là một thằng nhóc bụi đời tên Phúc do Anh Tú Wilson thủ vai. Đối với Ròm, Phúc là một nhân vật khó gọi tên. Giữa hai đứa không hẳn là bạn bè, nhưng không hẳn là kẻ thù hay đối thủ cạnh tranh. Lúc Ròm mệt mỏi nhất, Phúc có ở bên. Nhưng mỗi khi có "mối ngon", Phúc luôn tranh giành.

Trailer của Ròm

Anh chàng diễn viên trẻ Anh Tú Wilson thể hiện nhân vật Phúc. Thực ra Tú và Phúc ngoài đời không khác nhau lắm. Cả hai đều là những anh chàng đầy năng lượng, năng động. Chỉ khác là Anh Tú có vẻ không "láu cá" như nhân vật của mình. Ngược lại, Tú có vẻ thuộc kiểu người lúc nào cũng dồi dào năng lượng, nhưng lại không giỏi thể hiện ý nghĩ của mình. Những câu trả lời phỏng vấn chủ yếu là những động tác vò đầu, bứt tai, múa máy tay chân v.v... Cứ như Tú mong rằng nhiêu đó ngôn ngữ cơ thể sẽ thay được cho câu trả lời. Nhưng bởi vậy mới thấy Tú không phải là kiểu người né tránh câu hỏi, hay trả lời vòng vo. Sau một hồi suy nghĩ, câu nào không trả lời, Tú nói không biết. Nhờ vậy mà bài phỏng vấn trở nên chân thành, giản dị, vui vẻ.

Anh Tú Wilson (Ròm): Ở Busan thằng Phúc không ác bằng ở Việt Nam, còn bản phim chiếu sân nhà có after-credit mà nhiều người không biết! - Ảnh 2.

Phiên bản Ròm ở LHP Busan rất khó hiểu, phải có đầu óc điện ảnh mới cảm nhận được

Đối với Tú, nhân vật Phúc có ý nghĩa gì?

Phúc và Ròm là hai nhân vật cùng ở đáy xã hội, cả hai đều phải cố gắng sinh tồn trong cuộc sống. Ròm là kiểu chấp nhận cuộc sống mà chỉ muốn kiếm tiền. Phúc có ý chí mạnh hơn, mãnh liệt hơn rất nhiều. Phúc có thể làm bất cứ gì kể cả chuyện hại người, lừa gạt v.v… Mục đích cuối cùng, sâu trong thâm tâm Phúc luôn mong điều tốt cho mình.

Tuy bên ngoài thực dụng, nhưng trong thâm tâm Phúc vẫn có tình người. Trong phim, khán giả có thể thấy điều này ở phân đoạn khi Ròm ngủ bên lề đường. Phúc đắn đo mãi không biết có nên cứu bạn mình hay không.

Tú hiểu nhân vật như vậy, nhưng khi ra rạp ở Việt Nam, Phúc bị cắt bớt vai diễn. Điều này có khiến bạn buồn?

Phiên bản Phúc trong bản chiếu phim Việt lại phù hợp với mong muốn của tôi hơn, một Phúc dễ tiếp cận khán giả hơn. Khán giả có lẽ chưa được xem bản chiếu ở LHP Busan, bản chiếu dự thi rất khó coi, khó cảm nhận. Ai có đầu óc phim ảnh, biết liên kết sự kiện v.v… mới cảm nhận dễ. Bản thân tôi xem bản chiếu ở LHP xong chẳng hiểu gì.

Thậm chí, tôi nghĩ là nhân vật Phúc dễ tiếp cận với khán giả hơn. Ròm thiên về những khía cạnh nội tâm, đau đớn. Phúc là nhân tố làm giảm nhẹ sự nặng nề của phim. Mỗi lần xuất hiện, tôi đều trêu chọc Ròm, hoặc bay nhảy v.v… cho khán giả thấy nhẹ đầu hơn.

Anh Tú Wilson (Ròm): Ở Busan thằng Phúc không ác bằng ở Việt Nam, còn bản phim chiếu sân nhà có after-credit mà nhiều người không biết! - Ảnh 3.

Nói rõ hơn về sự khác biệt giữa Phúc ở rạp Việt Nam và ở LHP Busan được chứ?

Thật ra cũng gần giống nhau, nhưng trong bản chiếu ở LHP Busan, Phúc không ác như trong bản chiếu Việt Nam. Nhân vật của tôi không liên tục lừa Ròm nhiều lần, thậm chí cả hai còn sát cánh cùng nhau, chống lại thế lực cực mạnh của những đại ca, ông trùm xã hội đen nữa. Tôi là vai ác trong bản chiếu ở Việt Nam.

Trên phim, có một cảnh quay khá mạo hiểm là khi Phúc và Ròm chèo ghe trên sông. Cảnh đó đã được thực hiện như thế nào?

Cảnh quay chèo chiếc thuyền nhỏ đó được thực hiện trên sông Sài Gòn và cực kỳ an toàn. Trên phim thì khán giả sẽ thấy Phúc và Ròm lênh đênh, một mình giữa sông lớn nhưng ngay phía sau máy quay, là hai chiếc ghe với đầy đủ cứu hộ. Có cảnh quay khá căng thẳng, là đạo diễn thả cho tôi tự chèo thuyền và dưới nước có một sợi dây cáp dài kéo thuyền về đúng hướng. Để chuẩn bị cho cảnh chèo thuyền, tôi phải đi học chèo thuyền trên sông trong khoảng một tháng.

Anh Tú Wilson (Ròm): Ở Busan thằng Phúc không ác bằng ở Việt Nam, còn bản phim chiếu sân nhà có after-credit mà nhiều người không biết! - Ảnh 4.

Có phân cảnh nào đáng sợ, hoặc ám ảnh đối với Tú hơn nữa không?

Chắc là khi tôi gặp tai nạn trong quá trình quay. Đầu phim, khi tôi rao bán vé dò và tôi đứng trên một thanh xà ngang. Ban đầu, tôi phải nhảy qua bên kia tường rồi rao, sau đó chạy từ từ trên lầu xuống. Trước khi phi thân qua bên kia tường, tôi giậm chân để lấy đà. Xui xẻo làm sao, cây trụ chống của phần tường nơi tôi đứng bị sập. Cách khoảng 3m bên dưới là rất nhiều mảnh sứ, gỗ, dằm v.v… Khoảnh khắc đó, tôi đã nghĩ là mình mà rơi xuống đó chắc phải nằm bó cẳng cả tháng. May mắn thay, tôi còn một chút lực ở chân còn lại nữa nên đã phi được qua bên kia tường. Thêm một lần thoát chết nữa, là mảnh tường tiếp đất của tôi không sập. Nó mà đổ nữa là tôi sẽ nằm giữa hai mảnh tường đang đổ sụp xuống, tình huống sẽ rất xấu. Lấy lại thăng bằng từ cú ngã, tôi diễn tiếp phân đoạn rao giấy dò. Tiếc là cảnh quay ấy không được trong phim, nếu không khán giả sẽ thấy cảnh Tú vừa rao vé xong sẽ bị lọt xuống đâu đó vài khoảnh khắc rồi bò lên bán vé tiếp.

Còn cảnh Tú bị anh Wowy đánh nữa, mất nhiều thời gian cho nó không?

Cảnh bị anh Wowy đánh, tôi lại diễn thất bại rất nhiều lần. Khi nhân vật của anh Wowy ném búa xuống sát mặt, tôi không thể giật mình đúng lúc được. Thật ra chiếc búa không bị ném trực tiếp vào mặt tôi, mà là được thả từ trên xuống trong khoảng cách khá xa. Nên khi diễn, tôi không thể thực sự sợ hãi để diễn. Những cảnh thực sự căng thẳng trong Ròm phải nói đến phân đoạn hành động.

Anh Tú Wilson (Ròm): Ở Busan thằng Phúc không ác bằng ở Việt Nam, còn bản phim chiếu sân nhà có after-credit mà nhiều người không biết! - Ảnh 5.

Vai diễn vất vả như vật, khi thảo luận về cát xê thì sao?

Chắc chắn tổ sản xuất đã đề cập và thảo luận cát - xê với tôi. Có thể với người khác, cát-xê từ Ròm chỉ là số tiền nhỏ nhưng đối với tôi, chưa bao giờ tôi lại có được số tiền lớn như vậy. Tôi làm được nhiều thứ: gửi cho gia đình, làm được vài điều nho nhỏ. Số tiền đó còn là động lực giúp tôi tự tin khi mình đã tự làm ra tiền.

Khi Ròm đạt thành công về doanh thu khi mới ra rạp, Tú có nghĩ rằng “bài toán” cát - xê đối với mình sẽ thay đổi?

Tôi từng nghĩ tới chuyện này và đề cập với đạo diễn Thanh Huy. “Mọi người mà lời nhiều quá, mà thương em thì mọi người trích cho em một tý”. Con số doanh thu thực ra không nhiều như khán giả được thấy. Vì doanh thu còn phải qua rất nhiều bên rồi mới về đến tay ekip. Số tiền thực khi đến được với đạo diễn và ekip là không còn như ban đầu.

Anh Huy khi nhận tiền về cũng phải lo cho bản thân anh và Khoa (Nam chính của Ròm). Đó là điều tôi thấy hợp lý. Tôi bắt đầu nghiệp diễn là nhờ Ròm, cơ hội được làm việc với ekip giỏi có giá trị lớn hơn nhiều.

Có vẻ Tú cũng đang rất kỳ vọng về thành công của Ròm, để mình được “trích thêm một tý”?

Tôi không có kỳ vọng nhưng có niềm tin vào Ròm. Tôi chưa hề kỳ vọng Ròm sẽ mang lại giải thưởng hay doanh thu gì cho mình. Có mong mỏi, là mong phim nhanh chóng được đến với khán giả chứ tôi không mong tư lợi cho bản thân.

Ròm có after-credit mà khán giả không hề biết!

Ròm đang bị điều tiếng, khán giả chê dở và cho rằng phim đang dựa vào lý do rằng khi chiếu ở Việt Nam đã bị điều chỉnh. Tú có thấy tiếc cho phim không?

Tôi thấy, Ròm có after credit mà khán giả không hề biết. Khi màn hình vừa tắt, khán giả đã về hết trơn. Đoạn after-credit đó sẽ gỡ rối cho tất cả tình tiết trong phim. Đây là lý do chính tôi thấy Ròm bị nhận xét là kết phim không rõ ràng, khó hiểu v.v…Có thể khán giả vẫn chưa quen với thái độ thưởng thức phim. Ví dụ như với những bom tấn nước ngoài, mọi người sẽ xem rất kỹ nhưng lại ít ai chịu suy nghĩ về những lát cắt, ý nghĩa phía trong của Ròm. Đồng ý là lát cắt phim có hơi nhanh, nhưng khi chịu xem phim kỹ hơn sẽ thấy nội dung đáng xem hơn.

Anh Tú Wilson (Ròm): Ở Busan thằng Phúc không ác bằng ở Việt Nam, còn bản phim chiếu sân nhà có after-credit mà nhiều người không biết! - Ảnh 6.

“Số đề” là chủ đề đậm văn hóa Việt, khán giả ở LHP Busan có lẽ không hiểu được trò chơi này. Tú có bao giờ cho rằng yếu tố văn hóa là lý do chính để Ròm đoạt giải thưởng, chứ không phải là sự đặc biệt của phim không?

Giải thưởng The New Currents không chỉ đánh giá về câu chuyện, kịch bản phim mà đánh giá cả về quá trình. Sản phẩm dự thi phải là phim đầu tay. Ngoài ra, để trao một giải thưởng thì có nhiều tiêu chí khác nhau. Tôi cho rằng Ròm đã đạt được 9/10 yếu tố trên, trong khi có thể các phim khác sở hữu tầm 7, 8… Yếu tố văn hóa là một trong những yếu tố Ròm sở hữu, bên cạnh đó là quá trình sản xuất, kỹ năng của ekip v.v… Tất cả đã làm nên giải thưởng của Ròm.

Anh Tú Wilson (Ròm): Ở Busan thằng Phúc không ác bằng ở Việt Nam, còn bản phim chiếu sân nhà có after-credit mà nhiều người không biết! - Ảnh 7.

Có một tình tiết mang tính biểu tượng nào cho Ròm mà Tú thích nhất không?

Tôi thích nhất là cảnh tôi và Ròm ngồi ở bờ tường. Có hai lý do. Thứ nhất là ở khung hình. Toàn bộ khung ảnh trong Ròm đều quay nghiêng, chỉ đó phân đoạn bờ tường là khung nằm ngang. Theo cảm nhận riêng của tôi, thì đó là một sự chuyển biến. Từ đầu đến cuối góc máy đều nghiêng bước chân của hai đứa trẻ, theo cả những khó khăn, tai họa của tụi nó. Cho tới khi hai đứa ngồi hai phía của bờ tường. Phúc cứ băn khoăn lo cho Ròm, tình thương của nó cho thằng bạn bắt đầu bộc ra. Ròm thì cứ li bì ngủ. Chúng tôi ngồi hai bên bờ tường như ở hai đầu của bập bênh. Đó là lúc chiếc bập bênh giữa cả hai cân bằng, máy quay trở về góc ngang như bình thường.

Tôi không tự tin nếu vào vai soái ca, luôn “thèm” một vai “thú” ngầm

Tú có lo rằng mình sẽ bị “đóng khung” với dạng vai diễn trong Ròm?

Tôi không sợ mình bị đóng khung. Nhờ một lợi thế là vận động tốt nên đây giống thế mạnh với tôi hơn. Từ bé, đã được học qua võ thuật và lớn lên là Parkour, hy vọng rằng sau này sẽ có cơ hội để tôi kết hợp những thế mạnh của mình với nhau và tạo nên phong cách “hành động đường phố”. Để diễn tả rõ hơn, thì cái tôi hướng tới sẽ mang hơi hướm hành động giống Thành Long. Đó là thể loại võ thuật nhìn vừa thoải mái vừa đẹp mắt.

Tính cách năng động, nhiệt huyết này của Tú có được từ khi đóng phim Ròm hay có từ nhỏ?

Theo như lời mẹ thì từ bé tôi đã hơi tăng động từ đó dẫn đến lười ăn và… suy dinh dưỡng. Hiện tại, tôi đang trong quá trình tập luyện để cải thiện tình trạng cơ thể. Sau này mong là tướng tá sẽ đẹp hơn, và nếu có đủ tự tin thì tôi sẽ nhận những tuyến vai khác, không chỉ là hành động.

Anh Tú Wilson (Ròm): Ở Busan thằng Phúc không ác bằng ở Việt Nam, còn bản phim chiếu sân nhà có after-credit mà nhiều người không biết! - Ảnh 8.

Nếu có một vai khác tuyến hành động, thì đó sẽ là loại vai thế nào? Ví dụ như “Soái ca học đường” chẳng hạn?

Tôi chỉ sợ khán giả không tin vào ngoại hình soái ca của mình. Chưa cần biết diễn xuất ra sao, khi nhìn vào tạo hình thì khán giả phải tin tưởng người diễn viên. Ví dụ tôi mà vào vai soái ca thì thái độ, thần thái phải giống. Tôi biết hiện tại tình trạng cơ thể của mình, nên tôi không tự tin mình có thể vào vai một soái ca.

Có vài ý kiến cho rằng tôi… đẹp trai. Một bên khác thì khuyên rằng “Thôi đừng có đóng mấy vai đẹp, không hợp đâu”. Bản thân tôi đang rất băn khoăn không biết phải nghĩ ra sao.

Nếu phải vào vai một “thành phần” trong lớp học, Tú sẽ trở thành kiểu nhân vật nào?

Có lẽ tôi sẽ là Thạch (Tùng Maru) trong Thạch Thảo, một kiểu học sinh ngoan, hơi ngơ nhưng bên trong lại là… một con thú. Càng xem phim, khán giả sẽ thấy con thú trong tôi. Ngược lại, tôi lại không muốn vào vai đại ca học đường. Hồi nhỏ đi học toàn bị đánh mà không biết lý do, tôi cứ tự nhiên bị ghét, rồi bị túm lại “hội đồng”.

Anh Tú Wilson (Ròm): Ở Busan thằng Phúc không ác bằng ở Việt Nam, còn bản phim chiếu sân nhà có after-credit mà nhiều người không biết! - Ảnh 9.

Gia đình Tú có biết về công việc, đặc biệt là những nguy hiểm Tú trải qua trong quá trình quay?

Chính vì không ai tham gia nghệ thuật, nên mọi người trong nhà lại rất phấn khích khi tôi đi đóng phim. Nhưng tôi lại không dám kể về những rủi ro mình gặp phải. Chẳng biết bắt đầu từ đâu. Vì có quá nhiều chuyện cực khổ để kể. Tôi luôn là người giữ trong lòng, giải quyết mọi khó khăn một mình chứ không quen chia sẻ với gia đình.

Cũng may là gia đình rất ủng hộ công việc của tôi. Chưa cần biết đến khó khăn trong nghề mà ai nấy đều động viên, cổ vũ thường xuyên giúp tôi có động lực cố gắng.

Không khí đoàn phim là sự tự do mà tôi tìm kiếm!

Trên Instagram của Tú, câu giới thiệu của bạn là “Thà là con kiến tự do còn hơn làm chúa sơn lâm trong cũi”. Câu nói này thể hiện quan điểm của bạn thế nào?

Câu nói “Thà làm con kiến tự do còn hơn làm chúa sơn lâm trong cũi” được trích từ Đen Vâu. Là một diễn viên, tôi cho rằng mình chỉ là cá thể nhỏ trong cộng đồng nghệ sĩ, diễn viên mà thôi. Tôi muốn mình được đi bất cứ đâu mình muốn, làm gì mình muốn làm như con kiến đó chứ không phải làm những thứ người khác yêu cầu, dù mình không muốn. Tôi không muốn làm con sư tử bị giam trong cũi. Thà tôi làm thứ nhỏ bé nhưng có được tự do.

Anh Tú Wilson (Ròm): Ở Busan thằng Phúc không ác bằng ở Việt Nam, còn bản phim chiếu sân nhà có after-credit mà nhiều người không biết! - Ảnh 10.

Tú tìm kiếm sự “tự do” ra sao?

Tôi luôn rất thích thiên nhiên. Lâu lâu tôi lại bắt buộc phải đi tìm nơi nào đó, xa khỏi Sài Gòn để đi. Ở Sài Gòn tôi bị ngộp. Thành phố này là nơi tôi kiếm tiền, học hỏi và tích lũy mọi thứ cho chuyến đi tìm sự tự do, sao cho chuyến đi này trở thành ký ức đẹp đẽ, trôi chảy và thoải mái.

Nghề diễn viên có cho Tú được sự tự do bạn muốn không?

Tôi rất thích môi trường đoàn phim. Không cần làm diễn viên, cho tôi làm vị trí nào trong đoàn phim cũng được. Chỉ cần được cảm nhận không khí đoàn phim, đối với tôi đó là sự tự do mình tìm kiếm.

Thứ hai là khi có đoàn phim được đi quay xa. Có dự án đi đến những nơi rất xa và lạ lẫm, ví dụ như đoàn Thạch Thảo Đỉnh Mù Sương. Tôi được ekip dẫn vào những vùng rừng hoàn toàn xa xôi, hẻo lánh. Đây là khoảng thời gian tôi vô cùng thích. Ngoài ra, nghề diễn viên có nhiều khía cạnh gò bó. Khi ra ngoài tôi phải chỉn chu, khi phát ngôn phải cẩn thận, đi ngoại giao gặp gỡ… có những việc, tôi bắt buộc phải làm cho sự nghiệp dù không muốn.

Anh Tú Wilson (Ròm): Ở Busan thằng Phúc không ác bằng ở Việt Nam, còn bản phim chiếu sân nhà có after-credit mà nhiều người không biết! - Ảnh 11.

Khoảng thời gian nào khiến Tú cảm thấy tự do nhất khi đi quay phim Ròm?

Có lẽ là lúc tôi ở lại một tháng cùng đoàn phim Ròm tại chung cư cũ - bối cảnh quay. Căn phòng ở của chúng tôi trong chung cư là nơi tập kết thiết bị. Ở lại trong chung cư, chúng tôi còn có thêm nhiệm vụ là phải canh chừng thiết bị. Tôi, Khoa và vài thành viên đoàn phim khác ở lại đó một tháng. Sáng dậy là đi quay, tối về đó ngủ. Kế bên khu vực ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân có phòng chơi bóng bàn. Tôi và mọi người thường tụ tập chơi bóng bàn ở đó mỗi tối được về sớm. Đó là thời gian mà tôi thực sự quý trọng và vui vẻ nhất khi ở cùng đoàn phim Ròm. Chúng tôi cùng trải qua mọi thứ trong một tháng ở lại trong chung cư từ: Vui, buồn, nhớ nhà… thậm chí là "sợ ma" cùng nhau.

"Sợ ma" cùng nhau là sao Tú?

Trong một khu chung cư bỏ hoang tất nhiên sẽ có những hiện tượng lạ. Bản thân tôi và các thành viên khác đều bị dọa vài lần. Trong phòng bà Ba (tên nhân vật trong phim), có một cái rèm cửa. Khi đoàn đang quay ở dưới lầu, tôi ngồi trên phòng bà Ba, chỗ ban công một mình. Phòng thì tối thui còn tôi chỉ đang ngồi nhìn vu vơ thôi. Bỗng nhiên nghe một tiếng “Cạch!”. Ai đó đã thò tay vào cửa, đập vào chuỗi hạt của cái rèm khiến toàn bộ số lượng hạt của rèm chuyển động. Trong căn phòng tối thui, tôi phát hoảng liền chui khỏi phòng.

Anh Tú Wilson (Ròm): Ở Busan thằng Phúc không ác bằng ở Việt Nam, còn bản phim chiếu sân nhà có after-credit mà nhiều người không biết! - Ảnh 12.

Một chị phục trang ở lại cùng để giữ đồ. Chị ấy để quên đồ trên sân thượng nên phải lên lấy, thế là chị leo lên 5 tầng lầu. Hai bên cầu thang, chỉ có những cây nến thắp sáng vì chung cư này không còn điện nữa. Vừa lên đến sân thượng, chị này nhìn thấy cả một… gia đình đứng ở mép tường. Chị này xanh mặt, lao xuống kể cho bọn tôi. Nghe xong thì cũng chỉ có thể trấn an nhau mà tiếp tục ở lại đây làm việc chứ không còn cách khác. Chung cư bọn tôi quay đã bỏ hoang từ rất lâu, cấu trúc mọi nơi đều xiêu vẹo vì đất ở đây ven sông, rất mềm. Từ rất lâu rồi, nhà cửa đều xuống cấp và chỗ nào cũng như muốn sụp đổ. Có lẽ chỉ là do chị phục trang suy nghĩ quá nhiều thôi, nhưng thực sự bối cảnh hoang tàn của khu chung cư cũng ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của những người ở lại canh thiết bị những tối đó. Trong đó có tôi.

Anh Tú Wilson (Ròm): Ở Busan thằng Phúc không ác bằng ở Việt Nam, còn bản phim chiếu sân nhà có after-credit mà nhiều người không biết! - Ảnh 13.

Cám ơn những lời chia sẻ của Anh Tú!

Ròm hiện đang công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.