Thể loại: Hành động, viễn tưởng Đạo diễn: James Cameron Kịch bản: James Cameron, Rick Jaffa, Amanda Silver Diễn viên: Sam Worthington, Zoe Saldaña, Sigourney Weaver, Stephen Lang, Kate Winslet. Khởi chiếu: Suất chiếu sớm từ 15/12 IMDb đánh giá: 8.2/10 |
* Lưu ý bài viết có tiết lộ nội dung phim
Sau thành công vang dội của Avatar (2009), đạo diễn James Cameron không thực hiện ngay phần tiếp theo mà phải đợi công nghệ phát triển đến đúng mức mình mong đợi. Avatar: The Way of Water (Tựa Việt: Avatar: Dòng Chảy Của Nước) ra mắt sau 13 năm với nhiều tiến bộ vượt bậc.
Vị đạo diễn sinh năm 1954 bắt đầu viết kịch bản cho phần tiếp theo với 1.500 trang ghi chú và ý tưởng câu chuyện. Ông và ê-kíp mang về một nhóm biên kịch hàng đầu Hollywood hợp tác với Cameron để tiếp tục cuộc phiêu lưu của Jake (Sam Worthington), Neytiri (Zoe Saldaña) và gia đình mới của họ, xoay quanh một chủ đề chính: tầm quan trọng của gia đình.
Ở phần phim tiếp theo này, Jake Sully đã trở thành tộc trưởng Omatikaya và có gia đình hạnh phúc với Neytiri. Jake luôn nhắc nhở Neytiri và những đứa con của họ gồm Neteyam (Jamie Flatters), Lo’ak (Britain Dalton), Tuk (Trinity Jo-Li Bliss) và cô con gái nuôi tuổi teen tên Kiri (Sigourney Weaver): “Gia đình là thứ quan trọng nhất”.
Hình ảnh người Navi với làn da xanh biếc, đôi mắt màu hổ phách được tạo hình vô cùng sắc nét, lối biểu cảm, trò chuyện sinh động hơn phần một.
Jake Sully và Neytiri
Khi “Người Trời" (cách dân Navi gọi người trái đất) trở lại Pandora với tham vọng thôn tính hành tinh này làm thuộc địa. Bị truy đuổi, gia đình Jake bỏ quê nhà, tìm đến vùng đất của thủy tộc Metkayina để nương nhờ. Tại đây, mọi người giúp gia đình Sully thích nghi với phong tục và truyền thống mới của thủy tộc.
Tộc Metkayina có màu xanh lam hơi khác so với Omatikaya. Họ có đặc điểm với bàn tay to, ngực và khung xương sườn rộng hơn cùng lớp sụn dày nhô ra bên dưới da, gần giống như vây, kéo dài xuống hai bên cơ thể, tay và chân để bơi lội.
Ngôi làng Metkayina được thiết kế để gợi lên cảm giác về cuộc sống bình dị trên rạn san hô. Và giống như người Omatikaya có những nơi linh thiêng trong rừng nhiệt đới, người Metkayina có Vịnh Tổ Tiên và Cây Thần của riêng họ.
Thủy tộc Metkayina
Một thế giới Pandora hoàn toàn khác, lộng lẫy và hoành tráng. Các sinh vật dưới nước vô cùng đa dạng, nhiều kích thước, đủ màu sắc. Đặc biệt, người Metkayina có mối quan hệ tâm linh và độc đáo với tulkun, một loài sinh vật giống cá voi có tri giác, dài tới hơn 90 mét.
Suốt 3 giờ đồng hồ, Avatar: The Way of Water khiến người xem không thể rời mắt vì các phân cảnh hành động dồn dập từ rừng đến đại dương bao la giữa nhóm quân đội trái đất và người Navi. Các phân cảnh được dàn dựng quy mô, tỉ mỉ từng chi tiết. Cảnh cưỡi rồng bay lượn của người Navi được camera theo sát từng chuyển động. Ngoài súng, họ còn có vũ khí riêng là cung tên.
Với Avatar: The Way of Water, James Cameron phải tìm cách ghi hình dưới nước - điều chưa từng được thực hiện trước đây. Ông nói: “Điểm then chốt là chúng tôi thực sự quay phim ở dưới và trên mặt nước để mọi người bơi đúng cách, ra khỏi nước đúng cách, lặn đúng cách. Mọi thứ trông như thật vì chuyển động là thật. Và cảm xúc là có thật. Đội hậu trường đã chế tạo một bồn nước khổng lồ tại Manhattan Beach Studios. Bể có thể chứa đủ nước để cho phép nhà làm phim tái tạo các điều kiện đại dương trong thế giới thực với chiều dài 36 mét, 18 mét, sâu 9 mét và chứa hơn 1.000 mét khối nước".
Gia đình Jake Sully
Ở phần 2, James Cameron sử dụng máy quay ảo (Virtual Camera) để tạo ra những cảnh quay cụ thể. Máy quay ảo cho phép đạo diễn quay các cảnh trong thế giới do máy tính tạo ra, giống như thể ông đang quay phim tại một địa điểm thực hoặc trên trường quay của Hollywood.
Ngoài ra, họ còn phải tạo ra thế giới Pandora bằng kỹ thuật số, ở cấp độ chưa từng có. Mọi cây cối, tảng đá… đều cần được tạo và kết xuất trong máy tính của nhóm VFX. Những bước đột phá quan trọng về ánh sáng, đổ bóng và kết xuất cho phép họ hoàn thành các cảnh quay với độ phức tạp cao hơn do nước có mặt khắp nơi trong các cảnh quay.
Dù thuộc thể loại khoa học viễn tưởng song Avatar 2 khá gần gũi với khán giả, diễn xuất của các diễn viên chân thực, đời thường và thể hiện được sự cao trào.“Gia đình Sully phải luôn đoàn kết" – câu nói của Jake Sully được lặp lại nhiều trong phim.
Ở hồi cuối, James Cameron kết hợp hình ảnh, âm nhạc và diễn xuất để làm bật lên thông điệp về sức mạnh của thiên nhiên: "Nước kết nối mọi thứ, trước sự sống và sau cái chết".
Có thể thấy, Avatar: The Way of Water chính là một cuộc cách mạng về ngành công nghiệp điện ảnh.
Trong buổi công chiếu sớm tại TP.HCM, khán giả Hoàng Dung nhận xét: “Avatar 2 hoành tráng trong từng giây. Diễn xuất, tạo hình, bối cảnh... đều chỉn chu, chi tiết, sống động. Thông điệp về tình cảm gia đình được tái hiện trọn vẹn, tự nhiên. Tuy nhiên phim thiếu cao trào do quá nhiều cảnh hành động từ đầu phim đến cuối phim”.
Đạo diễn, ca sĩ Lý Hải nói phần 2 của Avatar hoành tráng và giàu cảm xúc hơn phần 1. Câu chuyện của phim cũng dễ cảm nhận vì nói về tình cảm gia đình. Anh đánh giá cao về tư duy làm phim, trí tưởng tượng cao siêu của đạo diễn James Cameron.
Vợ chồng Lý Hải - Minh Hà trong buổi ra mắt phim
Diễn viên Kim Tuyến hào hứng tiết lộ: "Suốt 3 tiếng đồng hồ tôi không hề rời mắt màn hình. Phải nói đây là tác phẩm mang cho tôi nhiều cảm xúc nhất từ trước đến nay".
Các nhà phê bình quốc tế cũng dành nhiều lời khen cho Avatar: The Way of Water. Cây bút Erik Davis của báo Fandango viết: “Avatar: The Way of Water là một hiện tượng. Bộ phim này hoành tráng hơn, hay hơn và nhiều cảm xúc hơn so với Avatar. Bộ phim thật ngoạn mục về hình ảnh, trực quan và vô cùng hấp dẫn. Câu chuyện, cảnh tượng, tâm linh, vẻ đẹp - đây là cách làm phim và cách kể chuyện tuyệt vời nhất”.
Đạo diễn Guillermo del Toro - người chiến thắng giải Oscar viết trên Twitter rằng: “Phần tiếp theo của Avatar là một thành tựu đáng kinh ngạc, một bộ phim chứa đầy những khung cảnh hùng vĩ và cảm xúc ở quy mô hoành tráng".
Dẫu vậy, nhiều khán giả đánh giá bộ phim có nhiều hạn chế như câu chuyện đại trà, không quá nổi bật so với phần 1. Trang Rotten Tomatoes nhìn nhận cân bằng giữa khen và chê khi mô tả Avatar 2 là bộ phim với nhiều thứ chỉ "đạt mức tiêu chuẩn", nhưng là "trải nghiệm nhập vai tuyệt vời" đối với khán giả.
Peter Bradshaw, nhà phê bình của báo The Guardian, gọi Avatar 2 là "một cái màn hình chờ (screensaver) sũng nước, sướt mướt và trị giá hàng nghìn tỉ USD".
Avatar 2 hiện tạo cơn sốt phòng vé trên toàn cầu. Tại Trung Quốc, doanh thu vé đặt trước vượt 100 triệu nhân dân tệ (14,3 triệu USD sau ba ngày mở bán), trở thành phim cán mốc 100 triệu tệ (qua vé đặt trước) nhanh nhất năm. Ở Việt Nam, sau 48 giờ mở bán sớm, phim có tỷ lệ lấp đầy gần 70% ở các rạp trọng điểm, áp đảo nhiều bom tấn trước đó.