Avatar vĩ đại như thế nào sau 10 năm trôi qua?

"Avengers: Endgame" chuẩn bị được tái phát hành. Marvel qua đó để lộ rõ tham vọng xô đổ kỷ lục của "Avatar" trên đường đua trở thành siêu phẩm ăn khách nhất mọi thời.

Không có gì ngạc nhiên khi Marvel Studios tuyên bố Avengers: Endgame sẽ được tái công chiếu vào ngày 28/6 với các phân cảnh mới bổ sung đồng thời hé lộ những bất ngờ trong phần after credit. Đây là nỗ lực khá rõ ràng của Marvel để Avengers: Endgame vượt mức doanh thu của Avatar, qua đó trở thành phim ăn khách nhất mọi thời đại.

Khép lại giai đoạn đầu tiên của Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), Avengers: Endgame nhanh chóng gây bão phòng vé, chính thức trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ hai lịch sử điện ảnh. Hiện tổng doanh thu toàn cầu của phim đã đạt 2,749 tỷ USD, con số khổng lồ vượt xa thành tích hàng loạt bom tấn kinh điển của nền điện ảnh thế giới và chỉ đang đứng sau doanh thu của Avatar (2,788 tỷ USD).

Tuy nhiên, thực tế việc cạnh tranh này càng khẳng định những thành công rực rỡ cũng như tầm ảnh hưởng khó thay thế mà bom tấn một thời của James Cameron đem lại.

Năm 2009, Avatar ra đời trong thời điểm xảy ra nhiều rắc rối về việc nhượng quyền thương mại. Đây là sự thiệt thòi lớn khi cả Avengers: Endgame và Star Wars: The Force Awakens đều được "chống lưng" bởi các thương hiệu phát hành uy tín. Các tác phẩm này cũng có nhiều phiên bản được xây dựng trước đó.

Đạo diễn James Cameron viết kịch bản Avatar từ năm 1995. Tuy nhiên, ông đã chờ công nghệ điện ảnh phát triển trong hơn 10 năm để biến ý tưởng của mình thành một bộ phim không gian ba chiều (3D) hoành tráng.

Quay phim bằng công nghệ 3D tối tân, sử dụng kỹ thuật bắt hình động phức tạp, James Cameron tiêu tốn 237 triệu USD để sản xuất bộ phim. Theo USA Today, bộ phim có tới 2.500 cảnh quay sử dụng kỹ xảo đặc biệt. Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Hãng phim 20th Century Fox tiết lộ chi phí quảng bá phim lên đến 150 triệu USD. Tổng cộng, Avatar ngốn hết 400 triệu USD, trở thành một trong những bộ phim có chi phí thực hiện đắt nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ.

Thập kỷ vừa qua chứng kiến xu hướng phát triển các phần tiếp theo và tái khởi động tác phẩm ăn khách trên màn ảnh rộng. Các hãng phim cho rằng những dự án như thế mang ít rủi ro hơn so với việc phát hành những tác phẩm độc lập, nguyên bản.

Riêng Avatar chưa từng có bất kỳ phần tiếp nối nào được khởi động khiến cho sự thống trị về doanh thu phòng vé của nó trở nên ấn tượng hơn. Theo Screenrant, con số thống kê về doanh thu của Avatar thậm chí không được điều chỉnh theo lạm phát.

Một thập kỷ qua đi chứng kiến những thay đổi về kinh tế. Đặt lên bàn cân hai tác phẩm Avatar và Avengers: Endgame, con số doanh thu mà tác phẩm của James Cameron đạt được nếu tính theo tiêu chuẩn ngày nay sẽ lên tới hơn 3 tỷ USD. Vì thế, khoảng cách giữa hai bộ phim càng khó để vượt qua.

Ngoài ra cũng phải tính toán đến việc tăng giá vé, sử dụng rộng rãi công nghệ 3D tại các rạp chiếu phim và sự gia tăng số lượng màn hình IMAX trong 10 năm qua. Về cơ bản, điều này có nghĩa Avengers: Endgame đã thất bại trong việc phá vỡ kỷ lục của Avatar.

Không những vậy, thông điệp về môi trường và tình yêu thương con người mà Avatar đem đến cực kỳ nhân văn. Thông qua hình tượng người Navi, đạo diễn James Cameron tích cực kêu gọi ngăn chặn việc xây dựng con đập thủy điện khổng lồ để bảo vệ thiên nhiên hoang dã và cuộc sống của các bộ lạc thổ dân vùng Amazon. Phim đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ các nhà hoạt động môi trường và người yêu thiên nhiên trên thế giới.

Avatar cũng vinh dự nhận giải thưởng Phim thân thiện với môi trường của Hiệp hội Truyền thông vì môi trường (EMA) nhằm tôn vinh các bộ phim, chương trình và các cá nhân có đóng góp tích cực trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề môi trường.