Hàn Quốc là xứ sở của nền công nghiệp giải trí, trong đó phim truyền hình là một trong những mảng nổi bật nhất, góp công lớn khởi đầu và lan tỏa làn sóng Hallyu ra quốc tế. Sau thập kỉ đầu thế kỉ XXI thống trị bởi phim bi và phim lịch sử, 10 năm từ 2010 đến 2019 chứng kiến sự đa dạng hóa, quốc tế hóa mạnh mẽ của phim Hàn. Mỗi năm có ít nhất 100 phim Hàn lên sóng nên hẳn nhiên rất khó chọn ra một số ít phim hay nhất từ hơn cả nghìn phim trong suốt 10 năm qua. Tuy nhiên dựa vào rating, độ phủ sóng, chất lượng và thông điệp, tờ Munhwa Ilbo đã điểm tên 10 phim Hàn xứng đáng đại diện cho nền phim ảnh xứ kim chi trong thập kỉ qua.
1. Secret Garden (SBS 2010): Tường thành dòng phim lãng mạn
Ngay trong năm đầu tiên của thập kỉ này, Secret Garden (Khu Vườn Bí Mật) lên sóng và lập tức "càn quét" châu Á với câu chuyện tình yêu "từ oan gia thành tri kỉ" của hai con người bị hoán đổi cơ thể cho nhau. Cũng là câu chuyện chàng giàu nàng nghèo, Secret Garden tiến thêm một bước so với các phim lãng mạn truyền thống khi xây dựng nữ chính Gil Ra Im (Ha Ji Won) là một cô nàng mạnh mẽ làm nghề diễn viên đóng thế chứ không hề "bánh bèo" như các nữ chính điển hình. Việc phát triển chuyện tình trong bối cảnh hai nhân vật bị hoán đổi cơ thể cũng hàm ẩn những thông điệp sâu sắc về tôn trọng giới và sự đồng cảm chứ không hề đơn thuần chỉ là tình cảm nam nữ. Kịch bản chắc tay, kết hợp yếu tố kì bí mới lạ, cặp đôi chính quá đỉnh và nhạc phim tuyệt vời đã giúp Secret Garden đạt rating 35.2% ở tập cuối, đưa tên tuổi Hyun Bin và Ha Ji Won lên hàng sao hạng A và bản thân bộ phim trở thành một trong những tường thành khó quên của dòng phim lãng mạn.
Tin rằng hiếm có ai mê phim Hàn mà chưa "cày" qua cặp đôi này.
Nụ hôn bọt sữa ngày ấy đến nay vẫn còn là huyền thoại.
2. The Moon Embracing The Sun (MBC 2012): Cổ trang kết hợp quyền đấu lãng mạn thành công nhất
The Moon Embracing The Sun (Mặt Trăng Ôm Mặt Trời) có thể được xem là phim cổ trang thành công nhất trong suốt thập kỉ qua. Trước bộ phim này, đa phần phim cổ trang Hàn dựa trên những sự kiện lịch sử có thật, tuyến lãng mạn có nhưng không được dành quá nhiều thời lượng. The Moon Embracing The Sun, trái lại, lấy chuyện tình đầy trắc trở của vua Lee Hwon (Kim Soo Hyun) và nàng Yeon Woo (Han Ga In) làm trung tâm. Tuyến lãng mạn được phát triển đan xen hợp lý cùng những âm mưu chính trị, tạo nên một tác phẩm vừa hoành tráng về mặt nội dung vừa kịch tính, lâm li lấy nước mắt không ít khán giả.
Thêm nữa, ở thời điểm năm 2012, hầu hết dàn diễn viên chính của phim đều chỉ vừa quá 20, đặc biệt là nam chính Kim Soo Hyun lúc này chỉ vừa gây dựng được danh tiếng sau thành công của Dream High (Bay Cao Ước Mơ). Sở hữu một dàn diễn viên trẻ, phim vẫn thành công vang dội với mức rating tập cuối đạt 42%, đưa danh tiếng Kim Soo Hyun một bước thành sao hàng đầu, đồng thời giới thiệu đến khán giả một thế hệ diễn viên nhí hoàng kim sẽ trở thành các gương mặt dẫn đầu làn sóng diễn viên trẻ triển vọng sau này. Thành công của The Moon Embracing The Sun được đánh giá là mang đến bước đệm cho các phim cổ trang lãng mạn về sau như Sungkyunkwan Scandal hay Moonlight Drawn by the Cloud.
Hiện tại nhìn lại, ai nấy đều sẽ thấy "ngộp" với những bước tiến đáng kể của toàn dàn diễn viên năm đó.
3. My Love from the Star (SBS 2013): Phim Hàn đầu tiên công phá mạnh mẽ thị trường Trung Quốc
Kim Soo Hyun chứng minh danh xưng "ông hoàng truyền hình" chẳng phải vô lý khi có tận hai phim trong danh sách này. My Love from the Star (Vì Sao Đưa Anh Tới) đã càn quét mọi mặt trận, bao gồm Việt Nam, khi lên sóng cuối năm 2013. Phim gây ấn tượng mạnh mẽ với chuyện tình của người ngoài hành tinh và một nữ minh tinh người thường. Quan trọng là cách xây dựng nhân vật nữ chính cực kì độc đáo của phim đã tạo nên hình tượng "mợ chảnh" cá tính và xinh đẹp gây ấn tượng cho đến tận hôm nay.
Nếu như phim bi huyền thoại Winter Sonata (Bản Tình Ca Mùa Đông) được cho là đã mở đầu làn sóng Hallyu tại Nhật Bản, thì My Love from the Star được xem là phim Hàn đầu tiên thực sự "công phá" mạnh mẽ thị trường Trung Quốc. Nhờ bộ phim, ngành du lịch Hàn Quốc thu hút một lượng lớn khách Trung, còn "chimaek" (món gà và bia) - món ăn ưa thích của nữ chính Jun Ji Hyun trong phim - trở thành "hội chứng" tại quốc gia tỉ dân. Cũng từ đây, tiền bản quyền phim Hàn bán sang Trung tăng dần theo cấp số nhân.
Bây giờ xem lại vẫn thấy "rụng tim" như lần đầu.
4. Misaeng (tvN 2014): Khởi đầu thời kì huy hoàng của đài cáp
Năm 2014, phim đài cáp vẫn ít được chú ý so với phim từ đài công cộng và rating 3-4% cho phim đài cáp đã là khá khẩm. Nhưng rồi Misaeng (Mùi Đời) xuất hiện và gây nên một "hội chứng" trong cộng đồng Hàn Quốc. Chuyện phim khắc họa quá đỗi chân thật cuộc sống của các nhân viên văn phòng, là tác phẩm tiên phong trong dòng phim xã hội bám sát thực tế, không lãng mạn hóa, không cần cả tuyến tình cảm nam nữ rõ ràng. Misaeng khiến khán giả cảm nhận cuộc sống này một cách chân thật nhất. Bộ phim vượt mốc rating 8% - một con số "khủng khiếp" ở thời điểm 2015 với phim đài cáp và luôn được nhắc nhở như một trong những tác phẩm mở ra thời kì huy hoàng sau này của phim đài cáp nói chung.
Misaeng - Tôn trọng nguyên tác, không chiêu trò, không tạo "loveline" lung tung, một tác phẩm cho khán giả trải nghiệm thực thụ cái gọi là "mùi đời".
5. Reply 1988 (tvN 2015): Tác phẩm xuất sắc đại diện cho dòng phim gia đình
Trong ba phần của loạt phim Reply, Reply 1988 (Lời Hồi Đáp 1988) là phần thành công vang dội nhất. Chuyện phim đưa khán giả về với những sự kiện nổi bật trong năm 1988 tại Hàn, điển hình là Olympic Seoul, và cách mà cuộc đời của những con người bình thường liên quan đến những sự kiện đó. Phim cũng khắc họa bức tranh xã hội, gia đình sống động, không cầu kì mà vẫn chạm đến trái tim khán giả. Dựng phim chỉn chu, mạch phim cuốn hút và tinh tế, và dàn diễn viên hùng hậu chất lượng giúp bộ phim ghi nhận rating 18.8% ở tập cuối, giữ vững ngôi vương rating phim đài cáp cho đến đầu năm 2019 này. Reply 1988 cũng là bệ phóng vững chắc cho cả dàn diễn viên trẻ gồm Hyeri, Park Bo Gum và Ryu Jun Yeol.
Reply 1988 - tường thành của dòng phim tâm lý gia đình - xã hội.
6. Goblin (tvN 2016): Một phim Hàn mang dáng dấp "toàn cầu hóa"
Goblin (Yêu Tinh) đã "cứu vãn" năm 2016 bằng câu chuyện tình mang dáng dấp thần thoại, kì ảo của một yêu tinh đang chờ "cô dâu" của mình đến giúp kết thúc kiếp sống bất tử. Phim được đánh giá cao vì hàm chứa rất nhiều ẩn ý và thông điệp về sự sống, quá khứ, tương lai, sự bất tử nhưng truyền tải những yếu tố đậm chất phương Đông theo cách mà bất cứ ai cũng có thể đồng cảm. Goblin có thể nói là một tổng hòa hoàn hảo của kịch tính, đau thương và hài hước được truyền tải trọn vẹn dưới ngòi bút chuyên nghiệp của "biên kịch vàng" Kim Eun Sook và màn hóa thân ấn tượng của Gong Yoo, Kim Go Eun, Lee Dong Wook, Yoo In Na. Phim cũng khiến khán giả mê mẩn với ngoại cảnh tuyệt vời, màu phim đầy tính nghệ thuật và bộ nhạc phim được đánh giá hay nhất nhì lịch sử phim Hàn. Goblin đồng thời đứng thứ ba trong danh sách phim đài cáp rating cao nhất với thành tích 18.7% cho tập cuối.
Goblin khiến khán giả thổn thức vì đẹp đến đau lòng.
7. Signal (tvN 2016): Sự kết hợp tuyệt vời của giả tưởng, trinh thám và xã hội
Nếu như Misaeng dù không chú trọng tuyến lãng mạn vẫn thu hút khán giả bằng câu chuyện rất đời, thì Signal (Tín Hiệu) khiến ta chẳng cần chú ý tình yêu nam nữ bởi bị cuốn vào một cuộc chạy đua căng thẳng với thời gian nhằm vạch trần sự thật đằng sau chuỗi vụ án kinh hoàng của những con người ở hai thời điểm khác nhau trong dòng thời gian. Ý tưởng kết nối quá khứ và hiện tại bằng bộ đàm rất độc đáo, và ý tưởng đó được triển khai hoàn toàn hợp lý, cuốn hút xuyên suốt thời lượng phim. Signal không phải phim đầu tiên, nhưng là phim được đánh giá cao nhất trong những tác phẩm có chủ đề xuyên thời gian. Hẳn nhiên, màn thể hiện xuất sắc của dàn diễn viên gạo cội như Kim Hye Soo, Cho Jin Woong, Lee Je Hoon góp phần không nhỏ vào thành công của bộ phim trinh thám duy nhất đang đứng trong top 10 phim rating cao nhất lịch sử đài cáp này.
8. SKY Castle (JTBC 2018): "Hiện tượng rating" bóc trần giáo dục Hàn Quốc
"Khởi đầu với rating 1.7%, kết thúc với 23.8%", một câu đơn giản nhưng đủ để vắn tắt cho thấy sức hút tuyệt đối của SKY Castle (Lâu Đài Trên Không) và lí do phim được gọi là "hiện tượng rating" độc nhất vô nhị trong lịch sử phim đài cáp xứ Hàn. Dưới lăng kính trào phúng nhất, phim bóc trần nền giáo dục áp lực "như địa ngục" tại Hàn Quốc với những cuộc chạy đua vào trường đại học hàng đầu được đặt cược bằng tất cả tiền bạc, tâm sức và thậm chí tính mạng. Những góc khuất giáo dục, xã hội, giới thượng lưu, tất cả đều bị phơi bày không giấu diếm. Chuỗi "drama" bất tận khiến khán giả bất ngờ từ tập này sang tập khác kết hợp với diễn xuất đỉnh cao của dàn diễn viên thực lực giúp rating phim tăng nhanh dần đều, gây sốt trong cộng đồng và thậm chí ảnh hưởng đến tình hình tìm chỗ học thêm hay tư vấn vào đại học của các gia đình Hàn Quốc.
SKY Castle là gì? Là một thiên "drama" khiến bạn không dám rời mắt khỏi màn hình một phút!
9. Dazzling (JTBC 2019): Bộ phim nhân văn với cú "twist" độc nhất vô nhị
Dazzling (Đôi Mắt Rực Rỡ) có thể không nổi tiếng với khán giả quốc tế bằng những phim khác trong danh sách này, nhưng chủ đề và cách bộ phim truyền tải nó thật sự xứng đáng là bước ngoặt của phim Hàn. Chuyện phim bắt đầu với cô gái Kim Hye Ja (Han Ji Min) có một chiếc đồng hồ xoay ngược được thời gian, do sử dụng quá nhiều mà bất ngờ bị biến thành một bà lão 70 tuổi. Tuy nhiên sự thật bất ngờ là chẳng có gì kì bí cả, tất cả là hồi ức trộn với tưởng tượng của Kim Hye Ja (Kim Hye Ja) - một bà lão mắc hội chứng Alzheimer. Cú "twist" của Dazzling được xếp vào hàng độc nhất vô nhị, nhấn mạnh thêm tính nhân văn của phim trong việc khắc họa cuộc sống, tuổi trẻ và cuộc sống tinh thần của những người cao tuổi - một chủ đề rất hiếm khi được khai thác trên màn ảnh nhỏ. Màn nhập vai tuyệt vời của bộ đôi Kim Hye Ja - Han Ji Min mang đến những thước phim đầy cảm xúc, vừa buồn lại vừa đẹp, giúp truyền tải trọn vẹn thông điệp: "Cuộc đời này, mỗi ngày đều là một ngày rực rỡ."
10. When Camellia Blooms (KBS 2019): Câu chuyện cảm động về những anh hùng trong đời thường
Vừa kết thúc gần đây với thành tích là phim đài trung ương có rating cao nhất năm 2019, When Camellia Blooms (Khi Cây Trà Trổ Hoa) đã thổi một làn gió mới vào dòng phim lãng mạn Hàn Quốc. Phim không có tổng tài, chỉ có anh "trai quê" si tình một bà mẹ đơn thân. Phim không có Seoul hào nhoáng, chỉ có trấn nhỏ Ongsan với những con người bình thường yêu thích sống một cuộc sống bình thường. Phim không có những "drama" khiến người ta há hốc, nhưng có một kẻ giết người hàng loạt âm thầm nấp đâu đó. Tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lãng mạn, hài hước, xã hội và một chút bí ẩn.
Xuyên suốt một thập kỉ qua, hiếm có phim nào thể hiện tình yêu bình dị và chân thật như Khi Cây Trà Trổ Hoa. Trong những thước phim ấy còn ngập tràn những bài học nhân sinh tưởng như là cơ bản nhất, quen thuộc nhất nhưng thực tế là quan trọng nhất. Phim có thể khiến bạn phút trước đang cười, phút sau đã nước mắt lăn dài. "Một người có thể là điều kì diệu với một người khác không?" - Khi Cây Trà Trổ Hoa khẳng định là có! Bộ phim là một món quà cho tất cả những ai đang sống và cố gắng, là lời khích lệ đến những "anh hùng đời thường" trong mỗi con người chúng ta.
"Một người có thể là điều kì diệu với một người khác không?" - Khi Cây Trà Trổ Hoa khẳng định là có!
Thăm dò ý kiến
Bạn nghĩ thế nào về danh sách này?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.