Bật mí cảnh hậu trường của 1 số tác phẩm Oscars 2020: Bom tấn thế giới trước và sau khi sử dụng CGI khác biệt như thế nào?

Không chỉ công nghệ CGI, mà ngay cả những khâu như trang điểm, thiết kế trang phục, cũng đóng góp 1 phần không nhỏ trong thành công của loạt bom tấn này.

Mặc dù Oscars 2020 đã diễn ra từ gần 5 tháng trước, nhưng những bộ phim góp mặt tại giải thưởng điện ảnh lớn nhất thế giới này vẫn còn được fan hâm mộ bàn luận cho đến tận ngày nay. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến lịch trình bấm máy của không ít dự án mới, những bộ phim này lại càng trở nên quý giá hơn bao giờ hết.

Để được lọt vào danh sách đề cử của Oscars, hay thậm chí là ẵm luôn tượng vàng, những bộ phim này được giới chuyên gia phân tích và đánh giá chi tiết dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. 1 trong số đó chính là kĩ xảo điện ảnh - yếu tố không thể thiếu góp phần giúp cho các bom tấn trở nên hấp dẫn hơn và có tính thẩm mỹ cao hơn. Hạng mục Kĩ xảo xuất sắc nhất đã thuộc về 1917 của đạo diễn Sam Mendes, nhưng điều đó không có nghĩa là các tác phẩm khác không chất lượng. Trái lại, những Avengers: Endgame, Frozen II hay Star Wars cũng đã mang đến nhiều cảnh quay cực kì hoành tráng và ấn tượng.

Dưới đây là cảnh hậu trường của 1 số bom tấn đình đám bậc nhất năm 2019 và gây nhiều tiếng vang lớn tại Oscars 2020. Trong đó, chúng ta sẽ được tận mắt chứng kiến những bộ phim này trước và sau khi áp dụng CGI khác biệt nhau như thế nào. Và không chỉ phim hành động, mà ngay cả các tác phẩm có nhịp độ chậm như The Irishman cũng dựa vào công nghệ này rất nhiều để có được những thước phim đẹp nhất.

Bật mí những cảnh hậu trường của 1 số tác phẩm đã được đề cử Oscars 2020 vừa qua.

Khi nhắc đến những bom tấn ăn khách, giành được nhiều giải thưởng lớn nhỏ, người ta thường nghĩ về kịch bản, dàn diễn viên hay đạo diễn. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần mà thôi. Sau khi đóng máy, nếu như không có khâu hậu kì nỗ lực ngày đêm chạy deadline thì chưa chắc những bộ phim mà họ yêu thích đã đạt được thành công vang dội như vậy.

Một trong những yếu tố hậu kì quan trọng bậc nhất trong cả lĩnh vực điện ảnh lẫn truyền hình hiện nay có lẽ phải kể đến công nghệ CGI. Khởi nguồn là kĩ xảo phim hoạt hình 2D trên máy tính từ những năm 1970, công nghệ này đã trải qua 1 chặng đường dài phát triển và ngày càng trở nên hoàn thiện. Minh chứng rõ ràng nhất trong lễ trao giải Oscars vừa qua chính là những thước phim liên tục, gay cấn, đậm chất thời chiến trong 1917 - chủ nhân của tượng vàng trong hạng mục Kĩ xảo xuất sắc nhất. Avengers: Endgame, dù trắng tay ra về, nhưng cũng đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhờ khả năng CGI quá đỉnh cao của đội ngũ VFX.

Bật mí cảnh hậu trường của 1 số tác phẩm Oscars 2020: Bom tấn thế giới trước và sau khi sử dụng CGI khác biệt như thế nào? - Ảnh 2.

Công nghệ CGI, đội ngũ make-up, thiết kế trang phục cũng đóng góp một phần không nhỏ trong thành công của những bộ phim đỉnh nhất năm 2019.

Tuy nhiên, CGI không phải “vũ khí” duy nhất giúp những bộ phim này đạt đến đỉnh cao thế giới. Họ cũng cần phải có đội ngũ make-up tài ba để thay hình đổi dạng cho diễn viên; các nhà thiết kế trang phục để mang đến sự đa dạng và hài hòa cho màu sắc chung của phim; đôi khi cũng phải “chịu chơi” 1 chút để phim thêm phần hoành tráng. Ví dụ như bom tấn Ford v Ferrari, với sự góp mặt của Christian Bale, đã sử dụng đến 460 mẫu phương tiện khác nhau để thực hiện. Và họ cũng không ngần ngại phá hủy nhiều mẫu xe trong số này để có được những cảnh quay chân thực nhất.

Nói tóm lại, để đánh giá 1 bộ phim Hollywood hiện nay thì chỉ khâu kịch bản thôi là chưa đủ toàn diện. Nếu nội dung đã tốt, mà hình ảnh lại còn đẹp, thì rõ ràng là sức hút của những bom tấn này sẽ còn tăng lên gấp bội.

Theo Insider