Tôn Ngộ Không vẫn thường được nhắc đến như một sinh vật bất tử bất hoại, phép thuật cao cường, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Khả năng của Tôn Ngộ Không không chỉ nằm ở sức mạnh "đánh đấm" mà được thể hiện qua nhiều chi tiết nhỏ lẻ, dễ hiểu nhất như cảm nhận được yêu khí, phân biệt được thật giả yêu ma...
Lại nói Tây Du Ký - cả nguyên tác văn học lẫn khi chuyển thể thành phim đều ẩn chưa những chi tiết cực đắt, tốn vô cùng nhiều giấy mực, ngữ nghĩa vừa vặn một chút cũng không thừa. Phân cảnh Tôn Ngộ Không "xui" Bát Giới ném 3 pho tượng Tam Thanh vào... nhà xí mà chúng ta phân tích ngày hôm nay chính là một ví dụ điển hình.
Trảm yêu diệt ma, 9981 kiếp nạn trên đường thỉnh kinh của Tây Du Ký đều mang đến những câu chuyện thấm nhuần đạo lý, bồi đắp thiện tâm của con người, hướng về Phật Đạo. Những ai một lòng kính Trời, sửa tính tu tâm đều được thiện báo, còn những kẻ khinh Phật rẻ Thánh, ngông cuồng làm càn đều bị trừng trị. Ấy thế nhưng hành động nghịch ngợm, ném cả tượng Tam Thanh vào nhà xí của Bát Giới - dưới lời Tôn Ngộ Không lại bình yên vô sự, có lý nào lại thế?
Đó là một trong số những kiếp nạn đầu tiên, ngay sau chuyện về Hồng Hài Nhi, thầy trò Đường Tăng đặt chân tới tới địa giới nước Xa Trì. Nghe đồn Xa Trì 29 năm qua đất trời đại hạn, bao nhiêu nhà sư thành tâm niệm Phật mà vẫn cầu mưa thất bại, bỗng đâu xuất hiện ba vị đạo trưởng biết hô phong hoán vũ, lại có pháp thuật chỉ nước thành dầu, luyện vàng từ đá… nên đoạt được lòng tín nhiệm của quân vương. Một mặt nhà vua cho rằng các hòa thượng vô dụng bèn phá chùa đập tượng Phật, thu hết độ điệp, không cho về quê, rồi sai bắt họ phải làm việc cho đạo sĩ chẳng khác gì nô lệ.
Tôn Ngộ Không nghe thấy bèn dự cảm điều chẳng lành, tìm hiểu sự tình bèn đùng đùng nổi giận, một đêm nọ liền rủ Bát Giới và Sa Tăng đến toà quán Tam Thanh ở trong thành - nơi 3 đạo sĩ đang làm lễ để quấy phá. Sau khi đuổi hết các hòa thượng đi, tam đồ đệ bèn xông thẳng vào.
Hành Giả hỏi:
- Ngồi trên kia là những vị Bồ Tát nào?
Bát Giới cười:
- Tam Thanh cũng chẳng nhận ra, lại bảo là Bồ Tát!
Hành Giả hỏi:
– Tam Thanh nào?
Bát Giới đáp:
– Vị ngồi giữa là Nguyên Thủy Thiên Tôn, ngồi bên trái là Linh Bảo Đạo Quân, ngồi bên phải là Thái Thượng Lão Quân.
Hành Giả nói:
– Phải biến ra hình dáng như thế mới nuốt trôi được.
Nói đoạn, Bát Giới biến ra Thái Thượng Lão Quân, Hành Giả biến ra Nguyên Thủy Thiên Tôn, Sa Tăng biến ra Linh Bảo Đạo Quân, họ đều đẩy đổ các bức tượng xuống đất. Vừa ngồi vào chỗ, Bát Giới đã vớ ngay chiếc bánh bao to chén liền. Tuy nhiên bị Ngộ Không cản lại, ý muốn "tẩu tán" 3 bức tượng bị xô dưới đất đi để tránh bị phát hiện: "Lúc ta mới đến, phía bên tay phải thấy có chiếc cửa xép. Ở đấy uế khí nồng nặc, chắc là nơi "ngũ cốc luân hồi". Chú hãy quẳng những bức tượng ấy vào đấy". Ngũ cốc luân hồi nghe thì có vẻ ghê gớm nhưng hóa ra ấy chính là nhà xí. Bát Giới khấn ram ran một hồi rồi nghe lời Tôn Ngộ Không, vứt quách 3 pho tượng đi.
Các ngài đã ngồi lâu quá
Nay tạm xuống hố hôi tanh
Bấy nay hưởng nhiều đồ cúng
Làm người đạo sĩ anh minh
Bây giờ tạm xơi đồ thối
Trở thành thum thủm tiên sinh.
Con Hầu Tử gan tày nào mà dám thất kính đến vậy?
Có lẽ đọc đến đây nhiều người mới vỡ ra rằng, cớ sao thân là người tu đạo, Bát Giới hồ đồ không tính nhưng ngay cả Tôn Ngộ Không cũng nghịch ngợm, Tam Thanh là ai mà dám bất kính động vào? Ấy thế nhưng cần phải nhớ rằng Tôn Ngộ Không xưa kia ở Thiên Cung, Thần Phật nào cũng đều nhẵn mặt, nhất là Thái Thượng Lão Quân lại càng quen quá, ấy thế mà tượng Tam Thanh cũng không nhận ra, Thái Thượng Lão Quân nhìn cũng không tỏ?
Đến Thượng Lão Quân cũng không nhận ra sao?
Chắc chắn Tôn Ngộ Không không hề giả vờ, không nói dối, vì thuận theo logic tự nhiên thì đó chẳng phải là tình huống cần phải pha trò, giả ngốc làm gì, nhất là với Thần Tiên. Nhiều người tin rằng đây là một chi tiết ẩn ý vô cùng đắt giá, ý rằng trên những pho tượng hương khói nghi ngút kia chẳng hề có pháp thân của Tam Thanh. "Kỳ thực, những pho tượng Thần, Phật khi mới ra khỏi nhà xưởng thì chỉ là tác phẩm nghệ thuật thuần tuý, muốn mời được pháp thân của Giác Giả tới thì cần phải là bậc chân tu chí thành, chí thiện, thành kính khẩn cầu thì mới được. Nếu không thì pho tượng chỉ là… pho tượng, chẳng linh thiêng gì, ném vào nhà xí cũng không mắc tội vậy".
Điều này xem chừng rất hợp lý bởi lẽ đối với 3 tên đạo sĩ do yêu quái hóa thành kia thì làm gì có tâm mà hướng Phật, lại chưa kể mỗi sáng chỉ tụng kinh cho "đủ số", cứ tưởng xếp đủ tượng tam Thanh là sẽ lòe được người trần mắt thịt, cho rằng mình pháp lực cao cường. Nếu đổi lại rằng tượng Tam Thanh ấy là thật, được Ngộ Không cung cẩn thì chẳng hóa ra Thần Tiên lại độ cho yêu quái hay sao?
Kết quả là tu hết 3 vại "nước Thánh" như thế àny
Lại nói, chi tiết “xuống hố hôi tanh” của ba pho tượng Tam Thanh cũng như kết cục phơi xương trắng hếu của ba đạo sĩ yêu quái thành tinh chính là lời răn dạy: Mọi chuyện tu hành phải xuất phát từ cái tâm. Tâm sáng thì mới có thể chân chính đắc độ.
Hổ Lực đại tiên
Khá khen cho Tôn Hành Giả!
Tham khảo: Bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.