Mới đây, tờ Sohu hé lộ những bí mật trong quá trình quay phim cổ trang mà giới làm phim không muốn cho khán giả biết. Sohu khẳng định, quay phim cổ trang không dễ và đơn giản như những gì người hâm mộ vẫn nghĩ.
Khi xem phim cổ trang, đặc biệt là dòng phim tiên hiệp, huyền huyễn, khán giả tinh ý phát hiện dường như mặt đất luôn ẩm ướt, giống như vừa trải qua một trận mưa lớn. Trong phân cảnh này, có thể thấy rõ vệt nước trong phim "Thương lan quyết".
Thậm chí với góc máy toàn cảnh, những vệt nước còn đọng lại trên bậc thềm trở nên sáng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời khiến khung cảnh trong "Thương lan quyết" lung linh và đẹp mắt hơn.
Không riêng gì dòng phim tiên hiệp, bộ phim cổ trang "Tinh hán xán lạn" của Triệu Lộ Tư cũng bị soi ra cảnh bậc thềm vẫn còn ướt.
Thậm chí, trong cảnh quay này, mặt sân còn ướt đến mức có thể nhìn thấy rõ hình ảnh phản chiếu của các binh sĩ, tướng lĩnh trong phim.
Khi ống kính quay đến nữ chính Triệu Lộ Tư, khán giả lại phát hiện trang phục của nhân vật phía sau bị bẩn do bị kéo lê trên nền đất ẩm ướt.
Một cảnh phim trong "Mộng hoa lục" của Lưu Diệc Phi cũng rơi vào trường hợp tương tự: Nền gạch vẫn còn những vũng nước chưa khô.
Nền gạch trong phim hot gần đây là "Trường nguyệt tẫn minh" cũng tương tự, còn ướt và bóng loáng tới mức có thể phản chiếu hình ảnh các đồ vật trong cảnh quay.
Để giải đáp thắc mắc của khán giả, một đạo diễn phim cổ trang cho biết, lý do khiến mặt đất, nền gạch trong các bộ phim cổ trang luôn trong tình trạng ẩm ướt không phải do nước mưa mà thực chất do đoàn phim cố ý dùng vòi phun nước.
Việc làm này vừa giúp làm sạch các bụi bẩn còn bám lại trên nền gạch, vừa có tác dụng giúp các cảnh quay khi lên phim sẽ đẹp hơn, sáng hơn. Hơn nữa, nền gạch bóng loáng do nước kết hợp với ánh nắng mặt trời hay ánh sáng tự nhiên sẽ giúp cảnh quay khi lên phim sẽ đẹp hơn. Điều này được thể hiện rõ trong những cảnh quay từ trên cao phim "Thương lan quyết", cảnh phim trông rất bắt mắt được nhận xét giống như trong tiên cảnh.
Nếu các bộ phim cổ trang trước, cảnh tắm của diễn viên nữ thường ở trong bồn tắm gỗ, có rải cánh hoa hồng. Tuy nhiên, một số bộ phim cổ trang hiện nay, diễn viên thường tắm ở hồ tắm có kích thước rộng hơn. Trong ảnh là phân cảnh Địch Lệ Nhiệt Ba tắm ở hồ trong phim "Tam sinh tam thế chẩm thượng thư". Điều khiến nhiều người chú ý là nước tắm trong hồ có màu trắng đục, khiến nhiều người lầm tưởng mỹ nữ Tân Cương được đoàn phim ưu ái cho tắm sữa thật.
Trên thực tế, để nước có màu trắng đục giống như sữa, đoàn phim đã sử dụng hết một lọ muối tắm hòa tan vào nước. Loại muối tắm này không chỉ giúp nước chuyển sang màu trắng đục giống như sữa còn giúp cảnh quay khi lên phim trông đẹp mắt hơn.
Lý do đoàn phim sử dụng loại muối tắm này để nước chuyển sang màu trắng đục - màu gần giống với trang phục của nữ diễn viên giúp Nhiệt Ba khi bước xuống hồ tắm, quần áo không bị nổi lên, cảnh phim trông sẽ đẹp mắt hơn và giống như đang tắm thật sự.
Đối với những cảnh phim cổ trang chỉ tập trung vào biểu cảm gương mặt diễn viên, ê-kíp cũng có những "mẹo" riêng. Cụ thể, khi Dương Tử quay cảnh xích đu, đạo diễn chỉ quay phần thân trên trở lên. Ở hậu trường, máy quay được kẹp sẵn vào đùi của nữ diễn viên.
Theo Sohu, khi quay các cảnh dầm mưa hay bị ngã xuống hồ nước hay sông suối, các diễn viên đều được bảo vệ kỹ càng để không bị cảm lạnh hoặc xảy ra vấn đề gì về sức khỏe.
Nam diễn viên Hàn Thừa Vũ tiết lộ, trước khi quay cảnh dầm mưa, anh được đoàn phim cho mặc áo mưa, quấn ba lớp màng bọc thực phẩm bó sát cơ thể rồi sau đó mới mặc phục trang.
Máy quay phim cũng được ê-kíp quấn nilon đen kỹ càng trước khi quay cảnh phun mưa nhân tạo.
Trong phim cổ trang, nhiều khán giả thường thắc mắc lý do các nhân vật nữ khi đi ngủ vẫn trang điểm, không thay y phục. Hình ảnh Bạch Lộc trong "Trường nguyệt tẫn minh" là một ví dụ. Theo Sohu, diễn viên không tẩy trang hay thay đồ đi ngủ do phải thực hiện nhiều cảnh quay liên tiếp.
Hơn nữa, từ trước tới nay, giới làm phim cổ trang Trung Quốc luôn có một "luật" ngầm mà ai nấy đều hiểu là diễn viên mặc trang phục thuần trắng trên trên giường ngủ, không có áo khoác ngoài tương đương với việc đã thay đồ, không mặc quần áo trên người.
Phim cổ trang không thể thiếu những cảnh có khói như khói súng trên chiến trường, khói bếp lò... Đoàn phim "Tây du ký" từng sử dụng đá khô và oxy để tạo ra khói giúp thiên cung của trở nên mờ ảo hơn.
Ngày nay, các đoàn phim cổ trang đã tạo khói thuận tiện hơn rất nhiều khi sử dụng bánh khói. Đối với ê-kíp dư dả tài chính có thể "chơi" sang hơn. Ví đụ đoàn phim "Như Ý Truyện" sử dụng hạt cà phê để tạo khói thay vì bánh khói.