"Tây du ký" phiên bản 1986 được xem là bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Hoa ngữ. Dù tác phẩm được quay dựng vào thời điểm khó khăn, kinh phí eo hẹp nhưng đoàn phim vẫn cố gắng hoàn thiện mọi khâu sản xuất theo cách chỉn chu nhất. Đến nay, các thế hệ nhà làm phim trẻ vẫn phải nể phục kỹ thuật hóa trang cùng chế tác trang phục ấn tượng của ê-kíp "Tây du ký". Đặc biệt, tạo hình Tôn Ngộ Không là một trong những phần việc đầu tư nhiều công sức và thời gian nhất.
Hoá trang Tôn Ngộ Không tỉ mỉ và chỉn chu
Theo các chuyên gia hóa trang, tạo hình Tôn Ngộ Không trong "Tây du ký" tốn rất nhiều thời gian và công sức. Trước tiên, họ cắm từng sợi lông được nhuộm màu lên một mảnh vải mắt lưới chuyên dụng để tạo thành những mảng lông khác nhau phủ khắp toàn cơ thể nhân vật.
Ngoài ra, đội ngũ chế tác phải sử dụng một loại keo dán đặc biệt để tạo ra khuôn mặt của Tôn Ngộ Không. Đây là khâu hóa trang công phu, đòi hỏi nhiều thời gian. Bởi vậy, mỗi khi có cảnh quay vào buổi sáng, Lục Tiểu Linh Đồng phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị cho công đoạn hoá trang phức tạp. Khi chuyên viên hóa trang thực hiện đến khâu dán lớp da mặt thì việc ăn uống của nam diễn viên sẽ trở nên khó khăn.
Sau khi hoá trang, vùng miệng của Lục Tiểu Linh Đồng gần như bị lớp mặt nạ và keo dán dính chặt nên không thể nhai một cách linh hoạt mà chỉ có thể dùng chút đồ ăn lỏng. Với vùng mặt bị dán đầy keo, nam diễn viên phải chịu đựng cảm giác khó chịu mỗi khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Lúc thời tiết trở nên nóng nực, lớp hóa trang sẽ khiến ngôi sao họ Lục cảm thấy bí bách bởi phần da bị dính keo tiết mồ hôi sẽ xuất hiện tình trạng phồng rộp.
Nam diễn viên cảm thấy khó chịu vì vùng mặt dán đầy keo.
Bí mật về hai bộ áo giáp của Tôn Ngộ Không
Nhân vật Tôn Ngộ Không được tổ chế tác ưu ái hai bộ giáp đặc biệt dùng cho các cảnh quay khác nhau trong phim. Đầu tiên là bộ giáp mang tính lễ phục hay còn gọi là bộ giáp “cứng” để Lục Tiểu Linh Đồng diện trong những phân đoạn thể hiện uy quyền. Bộ giáp được thiết kế tỉ mỉ với nhiều họa tiết được trang trí bằng mảnh kim loại màu vàng lấp lánh, trông rất đẹp mắt.
Bộ áp giáp "cứng" thể hiện uy quyền của Tôn Ngộ Không.
Bộ trang phục thứ hai được gọi là áo giáp "mềm". Thân áo và những họa tiết trên áo đều được trang trí bởi kim tuyến ánh vàng trên bề mặt. Điều này tạo cho chiếc áo giáp trở nên mềm mại và nhẹ hơn khi mặc. Bộ giáp mềm chủ yếu được dùng để quay cảnh giao đấu, hành động của nhân vật Tôn Ngộ Không. Nhờ vậy, những cảnh đấu đá của diễn viên được thực hiện khá dễ dàng và thoải mái, không bị gò bó như bộ giáp "cứng".
Trong cảnh bị thiêu trong lò Bát Quái, Lục Tiểu Linh Đồng mặc lớp giáp sắt dày và nặng nề đứng ở khu vực diễn ngăn cách với lửa và lăn lộn diễn xuất thần, tạo cảm giác như đang bị thiêu đốt thật. Chính đạo diễn Dương Khiết đã phải gật gù rằng đây chính là phân cảnh mà bà tâm đắc nhất trong phim.
Bộ áo giáp mềm được làm từ nguyên liệu đắt tiền, lửa thiêu không cháy.
Khi cảnh quay kết thúc, sau khi tẩy trang cho Lục Tiểu Linh Đồng, nhân viên mới phát hiện toàn bộ lông trên mặt và lông mi của "Hầu Tử" đã bị thiêu rụi vì sức nóng xung quanh. Mọi người đều cảm thông và khâm phục tình yêu nghề , khả năng chịu đựng và chấp nhận hi sinh của nam nghệ sĩ.
Không ít khán giả khi xem phim đã cho rằng bộ giáp này bị cháy rụi nên ở 3 tập sau không hề thấy Tôn Ngộ Không mặc nữa. Tuy nhiên, trên thực tế, bộ giáp "mềm" được thiết kế từ những những vật liệu hiếm có và đắt tiền. Do đó, giá trị thường của nó không hề nhỏ. Thế nên, đoàn phim sẽ cẩn trọng không để cho trang phục bị hư hỏng hay bị đốt như khán giả lầm tưởng.
Theo Sina, sau khi gặp Đường Tăng, Ngộ Không không còn khoác những bộ hộ giáp nữa là vì giáp đấu là biểu tượng cho quyền uy, chiến tranh và chết chóc. Khi Ngộ Không cùng Đường Tăng đi thỉnh kinh, đó là sự giác ngộ về tâm tính, đề cao phẩm chất tu tâm vậy nên Ngộ Không chỉ mặc thường phục. Chỉ đến cảnh khi bị Đường Tăng đuổi về Hoa Quả Sơn, lúc này Ngộ Không mới lại có dịp mặc lại bộ giáp phục, trở lại là một Mỹ Hầu Vương oai vệ, tôn nghiêm ngày nào.