Tối 8.9, bộ phim VTV Đặc biệt mang tên “Ranh giới” có thời lượng dài hơn 50 phút được phát sóng trên kênh VTV1 đã ngay lập tức gây "bão mạng". Những hình ảnh về đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, ngày đêm giành giật sự sống cho các sản phụ nhiễm Covid-19 khiến người xem không khỏi day dứt và xót xa.
Với phương pháp làm phim không lời bình, ê-kíp sản xuất như đưa người xem trực tiếp đến “hiện trường”, khu K1 bệnh viện Hùng Vương với màu trắng toát của giường bệnh và những bộ đồ bảo hộ của các y bác sĩ khoa Sản nhi. Được biết, tính từ 30.5.2021 đến 1.9.2021, khu K1 bệnh viện Hùng Vương đã tiếp nhận 861 sản phụ F0. Trong đó có 804 ca cả mẹ tròn con vuông, 5 ca tử vong tại khu K1, 57 ca nặng chuyển lên bệnh viện tầng 5 trong tháp điều trị Covid-19. Các y bác sĩ đã phải đứng trước rất nhiều ranh giới và sự lựa chọn để giữ lấy sinh mạng cho không chỉ một người mà là hai mẹ con. Và những hộ lý, bác sĩ ở K1 ấy, giữa những tiếng chuông điện thoại liên hồi, giữa tiếng gọi của bệnh nhân... không có một phút ngơi nghỉ nào trong cuộc chiến giành giật giữa sự sống và cái chết. “Mỗi bệnh nhân qua khu K1 này là không có người nhà luôn, nên đó là cái thiệt thòi của những sản phụ vào lúc này. Cái khó xử ở đây là mình phải chạy đua với cả hai mạng sống cùng một lúc. Nên mình bù đắp được cho họ cái gì thì mình bù”, bác sĩ gây mê Lữ Thị Khánh Phương tâm sự.
Có cả những người buông xuôi, xin về nhà để được chết. Có cả những người chỉ mong được hít thở một cách bình thường. Nhưng nổi bật hơn hết là sự không chùn bước của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu. Phóng sự kết thúc bằng câu nói của nhà văn Nguyễn Khải: “Ở đời không có bước đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều quan trọng là có đủ sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy”.
Bộ phim khiến nhiều khán giả không cầm được nước mắt khi xem. Cộng đồng mạng đã chia sẻ lại trên trang cá nhân và dành những lời cảm ơn VTV vì đã có một phóng sự xuất sắc: “Lâu lắm mình mới xem một chương trình xúc động đến thế”, “Đọc báo nhiều, xem ảnh nhiều nhưng thú thực đây là lần đầu tiên mình được nhìn, được cảm nhận rõ những thứ đằng sau cánh cửa một bệnh viện điều trị Covid-19”, “Tôi đã khóc khi xem phóng sự này. Thật sự ám ảnh về hậu quả tàn khốc của Covid. Khâm phục và biết ơn các nhân viên y tế và VTV đã có những thước phim chân thực này”...
MC Diễm Quỳnh xúc động viết: “Ranh giới” - phim tài liệu về cuộc vật lộn của con người và Covid-19. Đau đớn, ám ảnh nhưng chân thật và thức tỉnh! Biết ơn các y bác sĩ quên mình cứu người bệnh! Khâm phục các đồng nghiệp VTV bám trụ tuyến đầu!”.
MC Lại Bắc Hải Đăng khẳng định sẽ xem lại nhiều lần: “Có lẽ không cứ phải gọi họ là người hùng hay bất cứ danh hiệu nào! Các anh chị, các bạn, khi đã chọn nghề đã có lời thề cả đời làm nhiệm vụ mà cả xã hội luôn tôn trọng! Chúc các anh chị, các bạn sẽ thật khỏe mạnh, an toàn và giữ được tinh thần tích cực!”.
Ca sĩ Minh Quân chia sẻ: “Đề nghị VTV cho chiếu đi chiếu lại phóng sự “Ranh giới” - VTV đặc biệt để nhân dân thấy tường tận sự nguy hiểm của con Covid nó hành hạ bệnh nhân như thế nào? Sự sống mong manh, cái chết bất ngờ ra làm sao! Hãy xem ngay và luôn! Xem để mà sợ, mà phòng tránh, mà chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ và Bộ Y Tế. Xem để cảm phục sự nỗ lực của các y bác sĩ, tình nguyện viên tuyến đầu hết mình để cứu sống bệnh nhân! Cảm ơn VTV đã sản xuất một bộ phim giá trị vô cùng”.
Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen ngợi dành cho ê-kíp quay phim, đội ngũ y bác sĩ, vẫn có một vài băn khoăn về chuyện bảo mật hình ảnh và sự riêng tư của bệnh nhân. Một số ý kiến cho rằng, câu chuyện cần được kể để mọi người hiểu hơn về cuộc chiến ám ảnh của y bác sĩ với Covid-19, cảm thấy may mắn vì bản thân vì khỏe mạnh, nhưng nên dưới những hình thức khác, không phải phơi bày những thước phim riêng tư như vậy, dù đã có sự đồng ý của người nhà lẫn bản thân bệnh nhân.
Tài khoản Lương Thế Huy chia sẻ: “Nửa đầu phim rất ổn, chân thật, xúc động, gần như đã toát ra hết được những áp lực, khó khăn, lẫn sự kiên cường trong thiếu thốn của đội ngũ y bác sĩ K1 Hùng Vương. Sau đó, từ giữa phim có một đoạn dài 12 phút là một loạt cận cảnh về hành trình cận tử của một sản phụ, từ lúc chuyển nặng, cấp cứu và không qua khỏi, cho tới cảnh người nhà của bệnh nhân tới làm thủ tục hậu sự. Đây là đoạn rất không ổn với mình. Bỏ qua chuyện đưa máy quay vào phòng mổ, phòng cấp cứu mà mình đã nói vài lần, gần nhất là vụ cầu thủ Đan Mạch đột quỵ được đồng đội che chắn để tránh máy quay, thì mình không hiểu việc cố gắng khắc họa chân thực cái chết của một con người sẽ mang lại sự ủi an, hàn gắn như thế nào với bệnh nhân và gia đình họ? Hình ảnh của bệnh nhân lẫn người nhà hiện lên màn hình cho hàng chục triệu người xem và sẽ ở đó mãi mãi, trong một tình trạng đau khổ tột bậc mà chắc không ai muốn thấy mình trong cảnh đó. Khắc họa nỗi đau là một lựa chọn khó...”