Các dự án điện ảnh lấy cảm hứng từ khung cảnh Việt Nam ngày xưa luôn nhận nhiều sự quan tâm từ khán giả. Bên cạnh cốt truyện, dàn diễn viên, bối cảnh là một yếu tố quan trọng quyết định thành công của phim. Nhiều đạo diễn, ê-kíp làm phim đã không ngần ngại chi tiền khủng để phục dựng đúng nhất.
Người vợ cuối cùng
Người vợ cuối cùng lấy cảm hứng từ bối cảnh làng quê Bắc bộ vào thế kỷ 19. Đạo diễn Victor Vũ cùng ê-kíp đã mất hơn 80 ngày để tái hiện những hình ảnh thời phong kiến: mái đình, chợ quê, phủ quan, mâm cỗ,... Ngay cả từng chiếc trâm cài, nhẫn, nếp áo, kiểu tóc của khoảng 200 diễn viên quần chúng cũng được chăm chút tỉ mỉ.
"Toàn bộ những bộ cổ phục đều được may đo riêng cho từng diễn viên. Hàng trăm diễn viên là hàng trăm bộ đồ, hàng nghìn mét vải", nhà sản xuất phim Người vợ cuối cùng - Đinh Ngọc Diệp chia sẻ.
Ê-kíp phim "Người vợ cuối cùng" mất 80 ngày làm việc liên tục để tái hiện bối cảnh làng quê Bắc bộ thời phong kiến.
Đất rừng phương Nam
Đất rừng phương Nam lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Để phục dựng bối cảnh miền Tây vào những năm 1920 với tổng kinh phí 40 tỷ đồng, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và ê-kíp lặn lội đi nhiều tỉnh thành như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh,...
Tiêu biểu nhất phải kể đến đại cảnh chợ nổi, được quay tại rừng tràm Trà Sư (An Giang). Để tái hiện nét văn hóa truyền thống của người dân miền tây, đoàn phim đã chuẩn bị trong 60 ngày dựng mới 70% bối cảnh. Ê-kíp cho biết phải đóng 50 chiếc thuyền gỗ, huy động 400 diễn viên quần chúng và may mới 500 trang phục. Phần nội thất, phụ kiện được sưu tầm để đảm bảo yếu tố lịch sử.
Chợ nổi là cảnh được đầu tư nhất trong phim.
Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh
Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh là một trong những dự án điện ảnh đạt doanh thu trăm tỷ trong năm 2023. Bên cạnh cốt truyện cảm động, Lý Hải còn mang đến hình ảnh một miền Tây bình dị trong phim. Anh cùng ê-kíp đã phục dựng làng chiếu Định Yên (Đồng Tháp), xây dựng nhiều lò nhuộm, bãi sân phơi lát và chiếu. Bối cảnh phiên chợ chiếu ngày đêm cũng giúp khán giả cảm nhận được thời hưng thịnh ở Định Yên ngày xưa.
"Trên dưới 100 nghìn đồng một chiếc chiếu mà mình để đầy kho, nguyên cả một con đường làng thì bao nhiêu tiền cho đủ? Lúc đó tôi rất là sợ nhưng sau khi chứng kiến quá trình một chiếc chiếu được dệt, thấy giá đó cực kỳ rẻ so với công sức người lao động bỏ ra. Vì vậy phải quyết tâm thực hiện cho bằng được", Lý Hải chia sẻ.
Lý Hải phục dựng làng chiếu Định Yên trong Lật mặt 6.
Chị chị em em 2
Chị chị em em 2 lấy cảm hứng từ câu chuyện của hai "đại mỹ nhân" xưa là Ba Trà và Tư Nhị. Đạo diễn Vũ Ngọc Đã và cộng sự đã dựng mới hoàn toàn bối cảnh Sài Gòn thời Pháp thuộc, từ dinh thự, nội thất đến xe cộ, bảng hiệu, đường phố.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chia sẻ: "Nếu cảnh quay có 1000 diễn viên quần chúng thì chúng tôi cũng phải may 1000 bộ trang phục khác nhau chứ không tận dụng lại được. Việc phải dựng lại cả con phố với nhà cửa, người, xe tấp nập tốn nhiều thời gian và chi phí, vậy nên hoạ sĩ thiết kế của phim rất cực".
"Chị chị em em 2" tái hiện hình ảnh Sài Gòn xưa.