Bối cảnh phim "Đào, Phở và Piano" được dựng ra sao?

Họa sĩ phụ trách thiết kế bối cảnh trong đoàn phim đã có những chia sẻ về hậu trường bộ phim đang thu hút chú ý này.

Đào, Phở và Piano đang trở thành bộ phim điện ảnh thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả dù phim về đề tài chiến tranh và được làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Phim lấy bối cảnh trận chiến Đông Xuân kéo dài 60 ngày đêm, từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 tại Hà Nội. Kịch bản xoay quanh câu chuyện tình yêu giữa chàng cảm tử quân tên Dân (Doãn Quốc Đam) và nàng tiểu thư tên Hương (Cao Thùy Linh) để khắc họa nên nét lãng mạn của một Hà Nội giữa bom đạn.

Với “cơn sốt” trên mạng xã hội, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã cắt 50% suất chiếu của phim Mai để chuyển sang phim Đào, Phở và Piano. Tính đến tối ngày 20/2, theo số liệu từ Box Office Việt Nam, doanh thu của phim đạt hơn 510 triệu đồng với tỷ lệ lấp đầy phòng vé ở mức cao. Với 16 suất chiếu trong ngày 20/2, phim bán ra 3.322 vé, tỷ lệ lấp đầy hơn 207 vé/1 suất chiếu.

Số liệu từ Box Office Việt Nam ngày 20/2

Số liệu từ Box Office Việt Nam ngày 20/2

Phim lấy bối cảnh cận Tết khi người dân Thủ đô sơ tán lên chiến khu. Mỗi nhân vật đều mang theo số phận riêng nhưng ở họ là sự lạc quan, cái nhìn tích cực. Hình ảnh cành đào, bát phở và cây đàn piano trở thành những yếu tố mang câu chuyện cuốn hút người xem bởi sự xúc động. 3 sự vật tưởng như vô tri nhưng lại mang tinh túy, toát lên hình ảnh của sự lãng mạn, tình yêu.

Video hậu trường bối cảnh phim "Đào, Phở và Piano"

Họa sĩ Vũ Viết Hưng phụ trách thiết kế bối cảnh trong đoàn phim đã có những chia sẻ với chúng tôi về quá trình hoàn thành bộ phim mang ý nghĩa đặc biệt này.

“Khi đọc và nhận kịch bản, tôi thấy đây là đề bài khó, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển không ngừng. Câu chuyện xảy ra cách đây 77 năm. Khu phố cổ phố Tây đã thay đổi hoàn toàn không còn đáp ứng được yêu cầu làm bối cảnh cho phim. Cái khó ở đây là tổ dựng bối cảnh phải tái hiện lại được không khí cũng như kiến trúc của Hà Nội thời bấy giờ, vào những năm 1946-1947. Từ chợ Đồng Xuân đến các đường phố cổ có tầu điện chạy qua, rồi các con ngõ nhỏ, chưa kể là bối cảnh chiến tranh hoang tàn đổ nát… Đó là một thách thức rất lớn.

Nhà sản xuất cùng với thành phần chính đoàn phim đã quyết định phải dựng mới hoàn toàn bối cảnh trong trường quay. Khó khăn nhất là phải tìm được một địa điểm có đủ yêu cầu để dựng lại được một con phố cổ có đủ các yếu tố và đủ lớn với tỉ lệ 1/1 so với phố thật, đủ bối cảnh nơi sinh sống của nhân vật chính là một ngôi nhà 3 tầng. Đó là một khu phố dài 120m, đường rộng 15m, cả vỉa hè hai bên là hai dãy nhà.

Cái khó nhất ở đây là chất liệu dựng phải phù hợp với yêu cầu của phim về bối cảnh thời gian lẫn không gian. Trong thời gian 5 tháng, tổ thiết kế gồm 60 người làm ngày đêm để kịp bàn giao bối cảnh cho đạo diễn. Trước khi dựng, tổ thiết kế đã đi nghiên cứu tất cả các loại chất liệu, ví dụ như gạch ngói và họa tiết hoa văn thời điểm đó hay những ô cửa sổ của Hà Nội. Sau đó thể hiện lại bằng tất cả các loại chất liệu giả mà phải khiến người xem thấy như thật, đúng nhất với bối cảnh trong phim”.

 Ê-kíp đã phục dựng một con phố đổ nát do bom đạn, xen lẫn một số biển hiệu đậm chất Hà Nội ngày xưa.

Một số cảnh quay được sử dụng phông xanh để dựng kỹ xảo, hiệu ứng trong phim.

Các bối cảnh trong phim được phục dựng chỉn chu đến từng chi tiết, đồ vật.

Hậu trường cảnh quay lễ cưới của Doãn Quốc Đam và Thùy Linh. Phân đoạn này khiến nhiều người xúc động trong phim bởi chuyện tình yêu nam nữ trong thời chiến chỉ có vỏn vẹn một hôn lễ ngắn ngủi những đong đầy hạnh phúc.

Hậu trường cảnh quay lễ cưới của Doãn Quốc Đam và Thùy Linh. Phân đoạn này khiến nhiều người xúc động trong phim bởi chuyện tình yêu nam nữ trong thời chiến chỉ có vỏn vẹn một hôn lễ ngắn ngủi những đong đầy hạnh phúc.

Những phương tiện giao thông trong phim được đầu tư kỹ lưỡng, phù hợp với bối cảnh.

Như vậy, sau hơn 5 tháng thi công, bối cảnh của trận chiến bảo vệ Hà Nội 60 ngày đêm đã được dựng trên một khu phố cổ dài gần 100m tại một khu đất thuộc doanh trại quân đội cũ ở Đại Lải thuộc thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nối về bối cảnh được tổ họa sĩ thiết kế đặc biệt chú trọng, anh Vũ Viết Hưng cho hay: “Bối cảnh mà tổ thiết kế cũng như đoàn làm phim chú tâm nhất đó là ngôi nhà 3 tầng, nơi nhân vật chính sinh sống. Bên cạnh đó còn có các cụm bối cảnh như chiến lũy toa tàu điện nơi làm đám cưới của đôi trai gái.

Trong phim, tất cả các cụm bối cảnh, đạo cụ đều quan trọng. Từ cành đào cho tới cái hộp đánh giày của cậu bé đánh giày đều được ê-kíp chúng tôi quan tâm một cách đặc biệt.

Những góc phố, con đường, những cảnh Me xừ Phán đuổi bắt nhau ở trên những con phố về đêm, chiến lũy toa tàu điện… đều được chăm chút trong từng khung hình. Đặc biệt nhất là chi tiết lá cờ đỏ sao vàng khi hết màu đỏ phải vẽ bằng máu, những cành đào Nhật Tân cuối cùng là bức tranh mà ông họa sĩ và Cha xứ soi sáng đèn cho ông vẽ”.

Từng đạo cụ trong phim từ cây đàn piano, cành đào, lá cờ đỏ sao vàng... đều được tổ họa sĩ chú tâm

Từng đạo cụ trong phim từ cây đàn piano, cành đào, lá cờ đỏ sao vàng... đều được tổ họa sĩ chú tâm

Phim được đạo diễn Phi Tiến Sơn chỉ đạo bấm máy. Ông có hơn 30 năm làm nghề, tạo nên nhiều tác phẩm xuất sắc như Vào Nam ra Bắc, Lưới trời, Người thổi tù và hàng tổng, Nhà có nhiều cửa sổ… Ông còn là đồng đạo diễn của các phim Em còn nhớ hay em đã quên, Ngọt ngào và man trá

Họa sĩ Viết Hưng chia sẻ về quá trình làm việc cùng vị đạo diễn tài ba: “Đạo diễn Phi Tiến Sơn là người rất kỹ tính cầu toàn trong công tác làm phim. Trước những cảnh quay, đạo diễn đều duyệt và kiểm tra kỹ các đạo cụ, bối cảnh. Chú đưa ra những yêu cầu hết sức khắt khe và cầu toàn. Tôi thấy mình rất may mắn được làm việc cùng chú”.

Ngoài những hình ảnh hậu trường công phu, hoành tráng được hé lộ, nhiều thành viên trong đoàn phim cũng khiến khán giả thích thú khi khoe những hình ảnh lưu niệm đáng nhớ, hài hước trong phim

Một số cảnh hậu trường phim Đào, phở và piano được diễn viên Doãn Quốc Đam hé lộ.