Squid Game là một phim khá phân cực về cảm nhận của người xem sau khi họ đã trải nghiệm hết 9 tập phim. Tuy nhiên, việc so sánh Squid Game với các phim như The Hunger Games, Alice In Borderland, Escape Room dẫn đến những nhập nhằng thể loại chưa được chính xác.
1. Góc nhìn về thể loại phim
Đầu tiên là nói về yếu tố xây dựng thế giới. The Hunger Games và Alice In Borderland đều có hai thế giới rất vĩ mô với luật lệ, xã hội và cách vận hành riêng. Đây gọi là thể loại dystopia (phản địa đàng). Panem hay Borderland là hai thế giới không có thật, nó nhiễu nhương, tàn khốc và các nhân vật bị đẩy vào những tình huống mang tính đặc thù trong thể chế của nó (ví dụ truyền thống The Hunger Games ở Panem, hay những địa điểm chơi game của Borderland). Trải qua nhiều lần sinh tử, điều mà các nhân vật đấu tranh trong thể loại này cuối cùng vẫn là làm sao để lật đổ lại chế độ, sắp xếp trật tự xã hội. Đặc điểm chung của dystopia là nó đòi hỏi phim có sự xây dựng thế giới khá là choáng ngợp để kéo người xem vào trong một thế giới tác phẩm sống động và chân thật.
Squid Game mất hẳn yếu tố dystopia. Lý do mà chúng ta không thấy nó hoành tráng như những bộ phim nổi tiếng khác có yếu tố "game" là bởi vì nó được xây dựng trên một thế giới thật, một xã hội thật. Nhân vật bị nhốt trong một nơi được xây nên bởi những kẻ lắm tiền và mọi thứ nhân vật trải qua đều sát với thực tế. Không có công nghệ tương lai. Không có thể chế xã hội. Nói thẳng ra là cảnh trí trong Squid Game rất xấu và rất giả một cách cố tình, để thể hiện rõ một điều là những kẻ làm nên cái game này chả phải thánh thần hay có sức mạnh ghê gớm gì, mà chỉ có tiền để xây nên một khu nhà kho phức hợp như vậy thôi.
Ở các thể loại chính như giật gân, hành động, kinh dị, drama hay dystopia, chúng ta có thể gặp các mẫu thức hay thấy trong cốt truyện. Trò chơi là một trong số các mẫu thức đó. Thú vị ở chỗ, bản chất khái niệm "game" đã có vô số các thể loại khác để định hình nên màu sắc, phong cách của phim và thậm chí gán cho nó một tiểu thể loại.
Survival là thể loại game đòi hỏi sự sinh tồn. Điều cuối cùng mà nhân vật phải đạt được là sống. Đối thủ có thể là thiên nhiên hà khắc, quái vật quá mạnh và mình không thể làm gì ngoài trốn và sống cho đến khi tiếp viện đến, sát nhân máu lạnh, thực thể siêu nhiên... Ví dụ như giật gân - sinh tồn thì có Jungle (2017), kinh dị - sinh tồn thì có Crawl (2019), hay A Quiet Place (2018) cũng là một phim dạng này. Gần đây có Ready Or Not (2020) cũng là một phim xuất sắc.
Và dĩ nhiên, nếu luật chơi survival yêu cầu một số lượng nhân vật phải đối chọi và tiêu diệt lẫn nhau để phân định người sống sau cùng, thì lúc này survival đã đẩy thành một tiểu thể loại mới gọi là battle royale.
2 phần đầu của The Hunger Games, The Belko Experiment (2016) hay tượng đài Battle Royale (2000, tên tiểu thể loại này xuất phát từ phim này luôn) chính là điển hình. Ở Squid Game, yếu tố battle royale được tung ra bắt đầu từ sau game thứ 2, khi những người chơi nhận ra họ có thể giết nhau ngoài game để loại bỏ những kẻ mạnh hoặc kẻ yếu thế, giúp chiến thắng trở nên gần hơn.
Puzzle là giải đố hoặc xếp hình. Người chơi và người xem thường được đặt vào một tình huống hóc búa có thể dính đến chuyện sinh tử. Nếu survival là ráng sống, battle royale là giết nhau để sống, thì puzzle là tìm ra chìa khoá để được sống. Có thể thấy càng ngày định nghĩa càng hẹp lại một chút. Một vài phim về puzzle hay là Alice In Borderland với hệ thống game tương ứng với những quân bài trong bộ bài Tây, còn phân cả "hệ game" và cấp độ cho người chơi lựa chọn. Cả 2 phần phim Escape Room cũng mang yếu tố này. Infinity Room (2016) hay Cube (1997) cũng thuộc thể loại này.
Squid Game không có yếu tố puzzle hay giải đố gì cả, nên nói rằng phim không hack não là đúng, và chúng ta đã kỳ vọng phim này dựa trên chuẩn mực của nhiều siêu phẩm trước đó. Điều này dễ hiểu vì cách marketing cho phim và logo tổ chức với ba hình vuông, tròn, tam giác gây hiểu lầm rằng đây là một bộ phim giải đố.
Squid Game không có được sự vĩ mô hoành tráng như Alice In Borderland hay The Hunger Games, cũng như không có yếu tố giết nhau xuyên suốt, hoặc chả có cái puzzle gì để giải cả. Bởi vì ở gốc rễ, Squid Game vẫn đi theo hướng đi mà phim Hàn mạnh nhất từ trước đến giờ: drama.
2. "Đến khi nước mắt rơi lấy tiền mà lau"
Mượn một chuỗi trò chơi để khắc hoạ lên sự khốn cùng của những kẻ mắc đoạ trong xã hội, Squid Game khám phá bản chất con người và đặt câu hỏi rằng liệu họ sẽ trượt dài như thế nào để được tiền. Tiền là cái đích đến cuối cùng của các nhân vật này khi tham gia trò chơi. Không phải sống sót, mà là tiền. Mà khi nhắc đến tiền, thì phim khai thác nặng yếu tố drama, đôi khi có phần lê thê do tính chất của nhiều phim Hàn trước đây.
Rõ nhất chính là ở tập 2 và tập 6 của phim - có thể là 2 tập hay nhất và khiến series này mang màu sắc riêng nhất.
Tập 2 đi ngược lại với cách được dự đoán. Khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, ông lão Oh Il Nam đã bỏ phiếu ngừng chơi, giúp tất cả được trả về thế giới thực: địa ngục của chính họ. Ở tập 2, chúng ta được tạm dừng game để những con người này được nếm trải một lần nữa nỗi khốn cùng mà họ đang gặp phải. Từ tập 2 này, lý lịch nhân vật và yếu tố drama đậm chất tâm lý xã hội Hàn Quốc được dựng nên rất rõ, và nó góp phần xây nên động lực để những người này mang tâm thế khác khi quyết định quay trở lại trò chơi. Chính quyền lựa chọn và sự quyết định này của các nhân vật đã cho họ tự do ý chí quyết định số phận của mình, từ đó họ bộc lộ sự phức tạp của nhân cách con người, không như những phim khác khi họ bị kẹt trong một tình huống và không có lựa chọn.
Ở tập cuối, chúng ta chứng kiến mục tiêu được hoàn thành của nhân vật Gi Hun, cũng là đại diện cho (hầu như) tất cả 456 người tham gia Squid Game. Có trong tay số tiền khổng lồ, Gi Hun vẫn không thể chạm vào nó bởi chính anh nhận ra nó là "tiền máu". Số tiền đó tương đương 456 mạng người, cũng là tiền lẽ ra có thể dùng để lo đám tang cho họ. Gi Hun dẫu là một con nợ đầy lỗi lầm, một người đàn ông thất bại theo chuẩn mực của Hàn Quốc, thì phim vẫn xây dựng anh là đại diện của lương tâm, trái ngược với Sang Woo, cậu em thiếu thời, là đại diện của bản năng sinh tồn. Hệ giá trị của Gi Hun luôn bị chất vấn bằng câu hỏi: "Anh vẫn còn tin người sao?" như là một thí nghiệm để xem rằng liệu số tiền lớn có thể thay đổi cuộc đời một người hay sẽ thay đổi cách người đó nhìn về cuộc đời mãi mãi.
3. Cợt nhả
Phim cũng phảng phất mùi "hài đen" mà thật đáng tiếc, ước gì phim bám sát màu sắc này hơn. Những trò chơi trong Squid Game là những trò chơi con nít ở Hàn Quốc. Cái khiến các nhân vật điêu đứng là bởi họ không biết trò chơi tiếp theo sẽ là gì và tìm nhiều cách để đoán biết. Bi hài ở chỗ từng game đều đã được vẽ lên trên tường khu vực ngủ nghỉ của họ, che khuất bởi những chiếc giường (tập 8) mà chính họ lại không nhận ra điều đó. Phim sử dụng biện pháp đối xứng khi đặt sự ngây thơ của những trò chơi thơ ấu với sự tàn nhẫn và bạo lực của con người, tạo nên một "bữa tiệc máu" thực thụ.
Ở tập 1, khi gặp người đàn ông bí ẩn (Gong Yoo), Gi Hun đã chấp nhận chơi trò đập giấy. Chỉ với một phân đoạn ngắn, biên kịch đã miêu tả concept của cả series. "Tôi là một người lạ mặt, anh hãy chơi trò con nít với tôi, anh thắng anh được tiền, anh thua thì tôi phạt anh tiền nhưng tiền của anh được đổi bằng thân thể của anh". Chất cợt nhả, giễu nhại của hài đen cũng từ đó mà hình thành. Trò đập giấy trẻ con chính là format của 5 trò chơi trong Squid Game. Nhân vật của Goong Yoo là những người kiểm soát trò chơi. Đồng tiền nhận được là cái bĩ cực và tuyệt vọng con người ta sẵn sàng có được bằng mọi giá, còn cú tát chính là việc đem thân thể của mình ra để chơi.
Chất hài đen cũng được thể hiện ở soundtrack. Mỗi lần bắt đầu một trò chơi, có một chiếc soundtrack phát lên nghe cũng rất cợt nhả, bởi nó là giai điệu được tạo nên từ tiếng sáo, với điệu thức ngô nghê, đứt quãng. Giai điệu tạo cảm giác vui tươi, dễ thương và "con nít", nhưng bản chất của từng trò chơi thì lại để lại những ám ảnh tâm lý khôn lường. Ngoài ra, màn liếm kẹo ở tập 3 cũng đầy tính cợt nhả: đứng trước nòng súng và cái chết, phim vẫn mang đến tiếng cười xuất phát từ việc con người ta sẽ có những hành động kỳ cục ra sao để đi tiếp.
4. 12h khuya
Ở cuối phim, Gi Hun và người đứng đầu tổ chức có một cuộc cá cược với nhau về lòng trắc ẩn của con người. Và dẫu "cá cược" là một đề tài mạnh mẽ xuyên suốt bộ phim theo những hướng tiêu cực nhất, cú cá cược cuối cùng này biến phim trở thành một bài học đạo đức lỗi thời và khá rập khuôn, nhưng cũng đủ chạm được khán giả và truyền tải cái phim muốn hướng tới.
Phim sử dụng "nửa đêm", 00:00am để làm tiền đề cho sự đổi đời và sự cứu rỗi. Họ cá cược rằng liệu những người sa cơ bên vệ đường có được ai giúp đỡ trước nửa đêm hay không. Và bởi chính ông trùm tổ chức, với một cái nhìn cực kì hoài nghi về con người, đã tin rằng sẽ chẳng có ai cứu giúp họ vào thời khắc ấy, ông đã tự tay xen vào đó để cho họ một lựa chọn đổi đời. Những người chơi sẽ được xe đưa rước lúc 00:00am, giờ khắc chuyển giao của ngày cũ và ngày mới trong vòng tuần hoàn bất tận, như một lời nhắn gửi với họ rằng cuộc đời của họ chính thức thay đổi vào thời khắc đó.
"Hảo vũ tri thời tiết" là vậy. Tự cho mình là "hảo vũ", đến cuối cùng, chính ông trùm cũng đã không thể chứng kiến "hảo vũ" thật sự, đó là lòng trắc ẩn của con người, nhưng có lẽ, ông quyết định gặp Gi Hun là bởi đâu đó trong nhân vật này tồn tại thứ mà ông nghĩ đã mất.
Kết
Và như đã nói ở trên, ước gì phim bám sát màu "hài đen", vì từ tập 4 trở đi chất này lặng lẽ lùi bước về sau trong khi rất có tiềm năng. Tóm lại thì Squid Game hay hay dở có lẽ nằm ở khẩu vị của mỗi người về thể loại "game" mọi người thích chơi, nhưng nếu đang tìm kiếm một chút giải đố, một chút vĩ mô với thế giới được xây dựng kì công và một chút tàn sát đẫm máu xuyên suốt thì phim này không dành cho bạn. Cuối cùng, đây cũng chỉ là một phim Hàn và mạnh nhất những gì phim Hàn đã làm, kèm theo một chút sự mới lạ của thể loại sinh tồn và một chút máu me thôi.
Squid Game đã ra mắt cả mùa trên Netflix.
Nguồn ảnh: Netflix