Bong Joon Ho đã có một năm trên thảm đỏ và danh vọng, và thành công của Parasite (Kí Sinh Trùng) tại Oscars lại khiến ông trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới. Bộ phim đã đưa tên tuổi của ông vươn xa mà khó có đạo diễn Hàn Quốc nào đạt được. Bổ sung thêm 4 giải Oscars ở những hạng mục quan trọng vào bộ sưu tập giải thưởng, có lẽ vị đạo diễn tài ba này đã thực sự hài lòng với “đứa con” của mình. Vị đạo diễn Hàn Quốc này đã từng đùa rằng việc thắng hay thua ở Oscars không phải điều gì quá to tát bởi vì đó “không phải là một liên hoan phim quốc tế. Nó cũng mang tính địa phương thôi”.
Với Bong Joon Ho, Oscar cũng chỉ mang tính địa phương.
Phóng viên Steve Rose của tờ The Guardian đã có dịp trò chuyện với ông Bong Joon Ho, trong một ngày mưa điển hình tại London. Thu mình trong chiếc khăn to sụ, ông nói: “lệch múi giờ quả là điều không dễ dàng” - hoặc là lời của người phiên dịch Sharon Choi. Bong hiểu và nói được một chút tiếng Anh nhưng ông thích trả lời bằng tiếng Hàn hơn. “Kiểu thời tiết này thực sự khiến tôi mệt mỏi nhưng hiện tại thì tạm ổn”.
Nói về ý tưởng cho Parasite, Bong chia sẻ. “Tôi đã có ý tưởng này từ khi còn đang làm bộ phim Snowpiercer (Chuyến Tàu Băng Giá')”, ông cho biết. “Cũng không hẳn là tôi thấy thôi thúc trở về Hàn Quốc để làm một bộ phim tiếng Hàn, mặc dù tôi muốn đưa rất nhiều yếu tố Hàn Quốc vào bộ phim này”. Parasite đậm đặc các chi tiết bản địa, từ câu chuyện về niềm khao khát mở một hàng bánh mì Đài Loan cho tới món mì trộn thăn bò nhưng Parasite thực sự là một bộ phim “bản địa” hiếm hoi đạt được danh tiếng toàn cầu.
Câu chuyện trong Parasite đem đến cho người xem những điều ngạc nhiên. Hai gia đình trong bộ phim nằm ở hai thái cực đối lập trong xã hội Hàn Quốc: Một biệt thự hạng sang đối lập với một căn phòng chật chội ở dưới tầng. Bộ phim tiến triển dần khi từng thành viên trong gia đình Kim lần lượt có công việc trong nhà Park, dù mọi chuyện không được suôn sẻ như dự định ban đầu.
“Nếu nhìn qua, Hàn Quốc là một đất nước giàu có và hào nhoáng với K-pop, Internet tốc độ cao và công nghệ thông tin”, Bong nói. “Nhưng khoảng cách giàu nghèo ngày càng được nới rộng. Thế hệ trẻ Hàn Quốc cảm thấy đầy áp lực và tuyệt vọng”. Cũng giống như thành phố London có nhiều người sống trong những căn lều ngoại ô, các nhà ga trung tâm tại Hàn Quốc cũng tràn ngập người vô gia cư - những người nằm ở điểm mù của xã hội”.
Parasite không đơn giản là câu chuyện giữa cái nghèo đối lập cái giàu. Không ai thực sự ngây thơ hay tội lỗi. Bong đã miêu tả bộ phim với một sự “trung lập” nhất định. Ông Park là một người giàu có, tính lũy tài chính nhờ làm việc chăm chỉ. “Ông ấy không phải là một người tham lam, người xem không có cảm giác ông ta giàu có vì làm việc bất chính”. Bên cạnh đó, gia đình Park cũng thường xuyên thể hiện niềm thương cảm với các tầng lớp dưới, dù đôi lúc phàn nàn rằng họ có mùi lạ, ám chỉ mùi của cái nghèo.
Tuy nhiên, gia đình Kim cũng là những người chăm chỉ, dù có phần khôn khéo hơn. “Đó là một trong những điều quan trọng tôi muốn xây dựng cho bộ phim”, Bong nói. “Không phải họ là những người dốt nát hay lười biếng, chỉ đơn giản là họ không thể kiếm những công việc tử tế”. Ông có đề cập tới một cuộc trò chuyện trong bộ phim khi 500 người tốt nghiệp đại học phải tranh đấu cho một vị trí bảo vệ. “Đó không phải sự phóng đại, nó dựa trên câu chuyện có thật mà tôi đọc”.
Trên phương diện này, người xem có thể nhìn nhận Parasite như một sự cáo buộc “trung lập” với toàn bộ hệ thống tư bản, thay vì sự chỉ trích tầng lớp trong xã hội. “Con người cần phải có sự tôn trọng lẫn nhau”, Bong nói. “Và bộ phim này đã đưa ra một vấn đề khi những sự tôn trọng nhỏ nhoi nhất giữa con người trong xã hội cũng bị triệt tiêu và phá hủy”.
“Nhiều người coi bộ phim phản ánh một câu chuyện toàn cầu với khoảng cách giàu nghèo nhưng tôi không coi đó là toàn bộ tác phẩm. Bộ phim đã thực sự làm tốt bởi vì nó đem đến câu chuyện trên một phương diện điện ảnh”. Parasite không chỉ là một câu chuyện xuất sắc, nó là một câu chuyện xuất sắc được kể một cách tài tình. Mọi thứ tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh: Diễn xuất, cấu trúc, thiết kế, tính biểu tượng và sự đối xứng. Nghệ thuật kể chuyện thị giác trôi chảy mà gần như không cần đến phụ đề, Bong đã đưa vào đó những phân cảnh slow-motion đặc trưng của mình vào bộ phim.
Tuy nhiên, một trong những điểm nhấn xuất sắc nhất tạo nên làn sóng #BongHive đó là khả năng tài tình khi chuyển giữa sắc thái và thể loại mà phần lớn các nhà làm phim phương Tây coi là tách biệt - thường chỉ với một cảnh duy nhất. Parasite vượt lên những định nghĩa về thể loại. Đó là bộ phim drama gia đình, hài kịch, một chút hồi hộp rùng rợn, phân hóa đẳng cấp và có cả chút kinh dị. Bong đã tạo nên một thể loại phim đặc trưng cho riêng mình.
Cha của Bong là một giáo viên nghệ thuật. Ông tự coi mình là một người đứng giữa nấc thang xã hội của Hàn Quốc. “Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu. Nói về khía cạnh bất động sản, gia đình tôi lớn lên cũng thuộc dạng giữa một căn hộ tầng hầm và một biệt thự như bạn thấy trong phim. Tôi có những người bạn thân và hàng xóm thuộc mọi tầng lớp”. Ý tưởng của Parasite cũng xuất phát từ chính trải nghiệm của Bong khi ông từng đi dạy gia sư cho một gia đình giàu có.
Khi nói về thành công tài chính sau bộ phim Parasite, Bong cười “tôi không giàu có đến vậy. Tôi sống trong một căn hộ ở tầng 9. Xét về kích cỡ, nó chẳng chỉ bằng ¼ căn biệt thự trong bộ phim. Dĩ nhiên, bộ phim của tôi không kiếm được quá nhiều tiền nhưng tôi không biết liệu mọi người có gọi tôi là giàu có hay không nếu chỉ nhìn vào căn hộ của tôi so với xã hội”.
Bong bắt đầu bước tới làng điện ảnh thế giới từ đầu những năm 2000 - một làn sóng những đạo diễn mới nổi tại Hàn Quốc, trong đó có cả những tên tuổi như Park Chan Wook, Lee Chang Dong, Kim Jee Woon và Kim Ki Duk. Với Bong, những đồng sự này luôn mang tới những điều mới mẻ. Các tác phẩm của họ thường mang màu sắc tăm tối nhưng được xây dựng với kỹ thuật tốt, chịu ảnh hưởng nhiều bởi phong cách Hollywood cũng như điện ảnh châu Á.
Bộ phim thứ hai của Bong, “Hồi Ức Của Kẻ Sát Nhân”, dựa trên câu chuyện có thật về cuộc truy lùng một tay sát nhân không có hồi kết ở Hàn Quốc. Nó như một cánh cửa sổ đưa người xem tới với bức tranh xã hội Hàn Quốc trong thời thơ ấu của Bong: Chế độ độc tài quân sự, những cuộc nổi loạn, bất công trong xã hội. Ông so sánh về những tình huống hài hước nhưng chua cay đằng sau tác phẩm “Hồi ức của kẻ giết người” với Parasite - một nét điển hình trong các tác phẩm của Bong. “Nó phản ánh những điều trớ trêu, nghịch lý trong xã hội đương thời. Sự ngớ ngẩn của một kỷ nguyên với tính phân cực rõ ràng”.
Hai bộ phim theo Bong Joon Ho có nét tương đồng.
Có lẽ, đó là một kiểu suy nghĩ Hàn Quốc điển hình? “Tôi coi đó là một nỗi lo lắng tập thể”, Bong nói. “Đi qua chiến tranh và sự chia cắt gia đình, những điều như vậy không hề trừu tượng với người Hàn Quốc. Kể cả người chị của mẹ tôi cũng đang sống ở Triều Tiên. Sự chia tách trong gia đình và xã hội là điều dễ thấy và Hàn Quốc đã phải trải qua những hậu quả như vậy trong vài thập kỷ. Với tôi, đó là một nỗi sợ điển hình trong xã hội Hàn Quốc”. Dù đó có phải là một tính cách, đặc điểm của cả dân tộc hay không, nỗi cay đắng và nghẹn ngào đó luôn được thể hiện trong các tác phẩm của Bong.
Parasite đã đưa ông đến tầm thế giới, Bong vẫn giữ được sự bình tĩnh, từ tốn của mình khi nói về tác phẩm: “Làm đạo diễn chắc chỉ như một công việc phụ với tôi. Nghề “tay phải” của tôi không phải là quảng bá phim, đó là một biên kịch và dĩ nhiên, tôi viết mọi lúc có thể, trong phòng khách sạn, trên máy bay dù điều đó không phải dễ dàng. Tất nhiên, tôi rất vui với tác phẩm của mình nhưng bản thân cũng mong muốn được trở lại với công việc chính càng sớm càng tốt”.
Parasite (Kí Sinh Trùng) thắng giải Phim Hay Nhất ở Oscar 2020
Toàn cảnh Oscar 2020 độc giả có thể cập nhật tại đây.