Bùi Thạc Chuyên tái hiện trận địch càn khốc liệt ở địa đạo Củ Chi trong phim mới

Sau 10 năm ấp ủ, "Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối” sẵn sàng ra mắt khán giả vào tháng 4/2025, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày hoà bình và thống nhất đất nước.

Địa Đạo và những điều đặc biệt của Bùi Thạc Chuyên

Những ngày đầu tháng 4 năm 2024, dù đã cuối mùa khô, nhưng cái nóng ở miền Nam vẫn dữ dội. Cách TP.HCM hơn 30km về phía Tây Bắc, ngay từ sáng sớm, dưới cái nóng hầm hập ở phim trường Củ Chi, tiếng xe tăng gầm rú, tiếng đại bác, tiếng bom, tiếng súng các loại nổ vang 1 góc rừng. Không khí như đặc quánh lại.

Bom nổ, cỏ cháy, khói bụi mù mịt hoà cùng tiếng loa “Diễn", "Cắt” và tiếng chỉ đạo diễn xuất với gần 100 trăm diễn viên để hoàn thành một phân cảnh trong bộ phim Địa Đạo mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đang thực hiện. Tới gần trưa, sau khi diễn đi diễn lại gần chục lần cảnh xe tăng đi càn, chiến đấu trong lòng đất, hay phục kích thuyền trên sông khiến các diễn viên đã thấm mệt và mồ hôi nhễ nhại, vị đạo diễn khó tính này mới hài lòng với phân cảnh đó.

Phân cảnh quân đội Mỹ đi càn cùng xe tăng, thiết giáp ở Củ Chi trong phim Địa Đạo

Phân cảnh quân đội Mỹ đi càn cùng xe tăng, thiết giáp ở Củ Chi trong phim Địa Đạo

Cuộc chiến ở Củ Chi có tầm ảnh hưởng lớn đến cục diện chiến trường nhưng lại trong một quy mô nhỏ, thông qua phim Địa Đạo tôi muốn kể câu chuyện về sự hi sinh lớn lao của thế hệ cha ông”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói về quyết định làm phim Địa Đạo của mình.

"Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối” là dự án phim chiến tranh Việt Nam mới nhất mà Bùi Thạc Chuyên đang thực hiện. Bộ phim kể về câu chuyện của 21 du kích chiến đấu tại Củ Chi. Họ nhận một nhiệm vụ đặc biệt nên phải bám trụ lại khu vực của mình. Ở đó họ phải đối diện trực tiếp với kẻ địch, phải chiến đấu và hi sinh để ngăn chặn kẻ địch thâm nhập vào địa đạo. “Tôi tự tin vì đây là câu chuyện ai đọc lên cũng thấy nó đặc biệt, đây là điều rất quan trọng của một dự án vì nếu nó không đặc biệt thì không có gì để nói cả”, Bùi Thạc Chuyên nhận định.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đang chỉ đạo diễn xuất dưới địa đạo.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đang chỉ đạo diễn xuất dưới địa đạo.

Địa đạo Củ Chi hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948). Hệ thống địa đạo được xây dựng sớm nhất tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An. Lúc đầu, địa đạo chỉ có những đoạn ngắn, cấu trúc đơn giản, dùng để giấu tài liệu, giúp cán bộ trú ẩn trong vùng địch hậu. Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, địa đạo được gia cố và mở rộng.

Theo thông tin từ khu di tích địa đạo Củ Chi, hệ thống địa đạo tại đây có tổng chiều dài khoảng 250km, sâu từ 3-12m và chia làm 3 tầng. Ðường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Bên trên nguỵ trang kín đáo, dọc đường hầm có lỗ thông hơi được ngụy trang và trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật. Nhiều cửa được cấu trúc thành ổ chiến đấu, ụ bắn tỉa linh hoạt. Dưới những khúc địa đạo ở khu hiểm yếu, có đặt hầm chông, hố đinh, cạm bẫy.

Chỉ cách Sài Gòn 70km, nhưng mảnh đất này đã phải chịu hơn 5 ngàn cuộc càn quét, 500 ngàn tấn bom, hơn 10 ngàn chiến sỹ, cán bộ hi sinh. Tuy nhiên, trong hơn 20 năm, quân đội Mỹ vẫn không sao khuất phục được những con người nhỏ bé sống, chiến đấu trong những đường hầm vô cùng chật hẹp nơi đây.

Củ Chi là vùng tự do bắn phá (Free Fire Zone) và thả bom thừa, nên suốt ngày bị bom đạn. Cuộc chiến ở đây rất khốc liệt", đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhớ lại. Theo anh, bộ phim Địa Đạo đặc biệt bởi Củ Chi là cuộc chiến giữa người dân và quân đội hùng mạnh nhất thế giới, nó nằm trong một chiến lược rất tinh vi, khôn ngoan và dài hạn của những người lãnh đạo tài tình. Cuộc chiến này tiêu biểu cho chiến lược chiến tranh phi đối xứng, chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều, lấy yếu địch mạnh.

Lực lượng du kích tại đây sử dụng những cách thức rất đơn giản là chui xuống lòng đất, nhường mặt đất phía trên cho kẻ thù. Họ có những cách thức tác chiến, cách thức tồn tại rất đặc biệt. Đó cũng đồng thời là trở ngại để làm phim vì gần như bất khả thi với một không gian nhỏ hẹp như vậy. “Quay phim dưới địa đạo để kể một câu chuyện trong lòng đất cho thật, cho thuyết phục là rất khó”, Bùi Thạc Chuyên chia sẻ. Và để hoàn thành được bộ phim Địa Đạo, hành trình của vị đạo diễn này cũng đầy gian nan.

Đạo diễn Bùi Thạc chuyên họp cùng diễn viên.

Đạo diễn Bùi Thạc chuyên họp cùng diễn viên.

Cách đây đúng 10 năm, Bùi Thạc Chuyên có chuyến làm việc tại địa đạo Củ Chi, anh ngay lập tức bị thu hút bởi câu chuyện của những chiến sỹ du kích đã sống, chiến đấu tại mảnh đất này hơn 50 năm trước. Anh đã dành nhiều tháng để phỏng vấn, ghi hình, thu thập tư liệu từ những con người là nhân chứng của mảnh đất cũng như cuộc chiến tại đây. Hai năm sau, năm 2016, kịch bản Địa Đạo đã được Bùi Thạc Chuyên hoàn thành. "Đến nay một số người cũng mất đi rồi, nhưng trong phim này tôi muốn lưu giữ những hình ảnh và câu chuyện của họ một cách trực tiếp”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói thêm.

Bộ phim dự kiến được sản xuất hai lần, năm 2017 và 2022, nhưng do nhiều lý do khách quan nên Bùi Thạc Chuyên buộc phải tạm hoãn, lý do “phải có đủ thì mới làm, không thì thôi”. Sau đó, anh dành 2 năm để đi tìm kiếm nguồn tài trợ tư nhân cho bộ phim.

"Tìm tài trợ phim chiến tranh rất khó, phim thương mại còn có cơ hội thu hồi vốn, chứ phim chiến tranh thì khó, trong khi cần rất nhiều tiền, hơn nữa đòi hỏi xe tăng, tàu bay. Nên tôi đã nghĩ là không thể triển khai", Bùi Thạc Chuyên chia sẻ. Rồi như một cái "duyên", chỉ trong thời gian ngắn, anh tìm đủ được tài chính và quyết định thực hiện bộ phim.

"Tôi muốn khiến đông đảo giới trẻ quan tâm, tìm hiểu và suy ngẫm về đề tài chiến tranh Việt Nam. Đồng thời giới thiệu cho khán giả quốc tế một góc nhìn về chiến tranh Việt nam khác với Hollywood. Ngoài ra, phim phải đạt được thành công nhất định về mặt thương mại, để tạo hứng thú cho các nhà làm phim, nhà đầu tư  tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh", ông Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập tổ chức giáo dục Funix, một trong những nhà đầu tư nói về mục tiêu khi tham gia vào dự án “Địa Đạo”.

Ngoài ra, ông Nam cũng tự tin với năng lực của ngành điện ảnh Việt Nam. Ông tin rằng từ đạo diễn, diễn viên, quay phim, kỹ xảo, nhà sản xuất ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện được những bộ phim lớn.

May mắn hơn nữa là dự án phù hợp với dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, nên bộ phim nhận được nhiều sự giúp đỡ để tiếp cận với các khí tài chiến tranh như xe tăng, thiết giáp, tàu thuyền, vật liệu nổ, súng đạn. Tháng 2-2024,  diễn Bùi Thạc Chuyên bắt đầu bấm máy bộ phim.

Về cơ bản thì lúc triển khai cũng khá thuận lợi, nhưng có nhiều vấn đề không lường được vì điều kiện quay phim trong địa đạo chật hẹp, rất phức tạp", đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhớ lại. Do đó, các bộ phận của đoàn phim như tổ thiết kế, âm thanh, ánh sáng, diễn viên luyện tập không thể triển khai đồng thời như ở phim trường thông thường, mà bộ phận này phải chờ bộ phận kia nên thời gian thực hiện bị kéo dài.

Đối với những cảnh quanh phức tạp như mô phỏng những trận bom rung lắc, hay quân Mỹ bơm nước vào hầm, đoàn làm phim phải thiết kế hệ thống địa đạo riêng trong trường quay để quay cảnh du kích bị đất cát đè do sập hầm, hay chìm trong hầm ngập nước. "Kinh phí không đủ để làm kỹ xảo đặc biệt nên chúng tôi cố gắng quay thật hết”, Bùi Thạc Chuyên cho biết.

Câu chuyện có thật về những anh hùng lực lượng vũ trang

Thái Hòa đóng vai chính trong phim.

Thái Hòa đóng vai chính trong phim.

Diễn viên Quang Tuấn và Diễm Hằng Lamoon trong một cảnh phim.

Diễn viên Quang Tuấn và Diễm Hằng Lamoon trong một cảnh phim.

Không chỉ quay thật, diễn viên phải chịu gian khổ thật, Bùi Thạc Chuyên còn kể những câu chuyện có thật về những anh hùng lực lượng vũ trang trong phim của mình. "Nhân vật Tư Đạp làm trong xưởng quân khí là có thật, ông chế ra những loại vũ khí rất đặc biệt, như loại mìn chống tăng rất hiệu quả, hay cách ông lấy thuốc nổ mà không cần phải cưa quả bom", anh kể.

Dự kiến khởi chiếu vào đầu tháng 4/2025, bộ phim Địa Đạo đang được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên hoàn thiện khâu hậu kỳ, anh vẫn chưa nghĩ tới dự án phim chiến tranh tiếp theo. "Làm phim lịch sử, chiến tranh trong điện ảnh giống như làm máy bay trong ngành công nghiệp, nó đòi hỏi mọi thứ tốt nhất, cùng nguồn lực rất lớn từ chuyên môn, kỹ thuật, tài chính tới con người", vị đạo diễn chia sẻ dưới con mắt chuyên môn của mình.

Là một doanh nhân, ông Nguyễn Thành Nam lại có góc nhìn cụ thể hơn để phát triển đề tài chiến tranh cho ngành điện ảnh Việt Nam. Ông so sánh với Thái Lan, nơi có thể thuê các khí tài chiến tranh với bảng giá rất rõ ràng, kể cả từ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Để giải quyết vấn đề một cách lâu dài, ông Nguyễn Thành Nam cho rằng cần đầu tư nhiều hơn vào việc giáo dục trong ngành khoa học xã hội như ngôn ngữ, lịch sử, văn học, để các đạo diễn, nhà làm phim, nhà phát hành thế hệ sau này “tiếp cận đầy đủ thông tin về cuộc chiến và phát huy được sự sáng tạo của họ”.