Cái kết lạ lùng gây tranh cãi của Life of Pi khiến khán giả hoang mang suốt thời gian dài

Bộ phim khép lại với sự hoang mang và những suy nghĩ không ngừng của khán giả về cái kết.

Life of Pi (Cuộc đời của Pi) là bộ phim giả tưởng của đạo diễn Lý An, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yann Martel. Sau khi phát hành, phim đã thành công nổi bật về thương mại, thu về hơn 600 triệu USD trên toàn cầu. Tại giải Oscar năm 2013, đạo diễn Lý An giành giải đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim này, đồng thời, Life of Pi còn giành được giải tại các hạng mục Nhạc phim, Kỹ xảo và Quay phim.

Bộ phim không có dàn sao tên tuổi, chỉ có duy nhất nam chính được giao cho một diễn viên trẻ không mấy tên tuổi Suraj Sharma. Nhưng Life of Pi vẫn chinh phục được khán giả bởi nội dung hấp dẫn, sâu sắc và những hình ảnh phim đầy duy mỹ.

Xoay quanh chủ đề về niềm tin vào Chúa trời, Life of Pi kể về hành trình khó tin đến choáng ngợp của cậu bé Ấn Độ có cái tên kỳ lạ Pi - con trai của một người chăm sóc thú ở Ấn Độ. Gia đình cậu di cư qua Canada sinh sống nhưng gặp nạn khi tàu đi đến vực Mariana. Pi là người sống sót duy nhất trên một chiếc xuồng cứu nạn cùng với con linh cẩu, ngựa vằn, đười ươi và con hổ Bengal trưởng thành tên là Richard Parker. Con linh cẩu đã giết con ngựa vằn và con đười ươi nhưng sau đó con hổ đã ăn thịt hết cả bốn con vật trên. Pi đã trải qua đấu tranh sinh tồn với con hổ để tồn tại.

Phim được đánh giá cao từ những câu thoại gây xúc động, cảnh đại dương tráng lệ, đặc biệt nó khiến người xem nhận thấy ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Phim cũng ấn tượng với những cảnh quay lung linh, kỳ vĩ về biển cả, trời mây, về chuyến phiêu lưu siêu thực của một chàng trai và con hổ.

Không chỉ là cuộc hành trình kéo dài 227 ngày trên biển của một cậu bé 17 tuổi, Life of Pi còn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa về cuộc sống, tôn giáo, giá trị tinh thần, bản năng con người. Một trong những cảnh phim khiến khán giả phản ứng mạnh mẽ với Life of Pi chính là cái kết.

Sau cuộc hành trình lênh đênh giữa đại dương cùng con hổ Richard Parke, Pi đã trôi dạt đến vùng biển Nam Mỹ. Con hổ ngay lập tức bỏ vào rừng còn Pi thì được dân bản địa cứu sống. Cậu trở thành một hiện tượng, đến được Canada, lập gia đình, sinh con. Một nhà văn (chính là tác giả Yann Martel) đã đến tìm Pi và mong muốn được nghe lại câu chuyện khó tin này.

Khi Pi kết thúc câu chuyện của mình, nhà văn này, cũng như nhiều người khác cảm thấy khó tin với cái kết của ông. Pi đã kể thêm chi tiết, đó là lúc ông được đưa vào viện chăm sóc, đã có hai nhân viên thuộc hãng tàu biển Nhật Bản tìm đến để hỏi về câu chuyện, xem lý do gì mà con tàu của công ty họ lại bị đắm. Họ cũng nghi ngờ tính chân thực về câu chuyện mà Pi kể lại.

Vậy là nhân vật này đã kể lại một phiên bản khác, khủng khiếp hơn nhưng thỏa mãn độ chân thực mà người ta đòi hỏi hơn. Đó chính là việc 4 con thú nhảy được lên tàu cứu sinh đoạn đầu phim chính là 4 con người. Con linh cẩu là tên đầu bếp, con đười ươi là mẹ của Pi, con ngựa vằn cụt chân là người phụ bếp đáng thương và con hổ Richard Parker chính là hiện thân của Pi.

Theo đúng như những gì diễn ra trong phim, con linh cẩu đã tìm cách để ăn thịt con đười ươi và ngựa vằn, sau đó bị con hổ Richard Parker ăn thịt tất cả.

Trong phiên bản này, không có con vật nào cả. Tất cả đều là những con người, đều vì bản năng sinh tồn mà mất hết tính người, sẵn sàng, không chỉ giết hại lẫn nhau mà còn ăn thịt đồng loại để có thể sống tiếp. Hình ảnh Pi và bạn đồng hành Richard Parker là hiện thân cho phần con và phần người của cậu bé.

Khi lên được bờ, Richard Parker ngay lập tức bỏ vào rừng. Khi kể lại điều này, Pi vẫn rơi nước mắt vì con hổ không hề ngoái lại tạm biệt cậu bé. Một hình ảnh hết sức khó hiểu và để lại nhiều băn khoăn cho khán giả.

Sau khi 127 phút của Life of Pi khép lại, cái kết vẫn còn là điều tranh cãi cho rất nhiều người. Nhưng cũng như tác giả cuốn sách, đạo diễn Lý An không giải thích gì nhiều về ý nghĩa của cái kết, và cả bộ phim. Như tư tưởng đầu tiên mà Life of Pi hướng đến, hãy để con người ta tin vào những điều họ muốn tin.

(Theo Chi Chi - IOne)