Captain Marvel bị đánh giá là một phim "qua loa chiếu lệ" bởi giới phê bình

Ngay cả những fan dễ tính nhất của vũ trụ phim Marvel cũng sẽ tìm được những điểm rất đáng thất vọng trong siêu phẩm bom tấn mà "lẽ ra phải rất thành công" này.

Captain Marvel sẽ được công chiếu rộng rãi trên toàn thế giới vào ngày 8 tháng 3, tức nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 2019. Tuy nhiên, những buổi chiếu sớm dành cho báo giới và các nhà phê bình đã bắt đầu từ ngày 5 tháng 3. Ngay sau đó, hàng loạt những đánh giá tiêu cực đã thi nhau "dội bom" xuống tựa phim mà Marvel và Disney đã đặt rất nhiều kỳ vọng.

Điều khác biệt duy nhất ở cơn mưa gạch đá lần này là đội ngũ quản lý của các trang đánh giá phim không thể ngăn chặn người dùng "nói xấu" như cách mà Rotten Tomatoes đã xóa bỏ nút "not interested" trên trang của Captain Marvel. Một phần là vì bộ phim đã thực sự được chiếu trên màn ảnh rộng, trên hết là quá nhiều nhà phê bình từ các tờ báo danh tiếng đều đã đồng thanh "than trời" sau khi trở về từ những buổi chiếu sớm.


Một bộ phim "qua loa chiếu lệ"

Nguyên văn là "perfunctory" - từ mà tờ báo Anh Quốc BBC dùng để mô tả bom tấn nữ quyền mới nhất của Marvel và Disney sau khi tổng hợp một tá những bài đánh giá từ các trang tin hàng đầu thế giới.

Nhà phê bình Todd McCarthy của chuyên trang về điện ảnh Hollywood Reporter đã chia sẻ quan điểm khá thẳng thừng:

"Phim này không hề tệ hại, phải nói chính xác hơn là nó nhàm chán. Không tạo được sức ảnh hưởng như Black Panther, đây là một phim thiếu sáng tạo, vai phản diện bị dìm hàng, hiệu ứng thị giác nhạt nhẽo."


Những màn "bắn beam" của Captain Marvel được đánh giá là mạnh mẽ nhưng không sáng tạo.

Trong khi đó, Tim Grierson của Screen Daily nhận xét một cách "khéo léo" hơn theo kiểu nói nước đôi:

"Xem phim vui và dễ chịu nhưng cảm thấy thiếu thốn cái gì đó. Các pha hành động nhìn mạnh mẽ nhưng không có gì đặc biệt."

Thực sự thì các fan vốn hy vọng Captain Marvel sẽ tạo được hiệu ứng lan truyền như Black Panther đã từng khi khai thác các giá trị xã hội đang được tôn vinh như phân biệt sắc tộc, bình đẳng giới, nữ quyền. Thời điểm ra mắt của phim cũng chứng tỏ rằng Marvel và Disney đã tính toán trước để khai thác tối đa sự ủng hộ của dư luận.

Trên phương diện xây dựng nhân vật, rõ ràng Marvel đã làm tốt khi tạo cơ hội cho nữ diễn viên Brie Larson - một người luôn đi đầu trong phong trào bình đẳng giới có dịp hóa thân vào nhân vật nữ siêu anh hùng mạnh nhất vũ trụ phim Marvel (MCU) tính đến thời điểm này.


Bản thân Brie Larson cũng chịu nhiều điều tiếng ảnh hưởng đến phim trước ngày công chiếu.

Phóng viên tờ báo Empire, cô Helen O'Hara, một trong số ít những nhà phê bình nữ giới được mời xem buổi chiếu sớm đã nhận định như sau:

"Đây là một câu chuyện thuần túy về nữ quyền và được truyền tải theo một cách dễ đón nhận nhất trong số tất cả những phim siêu anh hùng ra mắt trong thời gian gần đây."

Thế nhưng có vẻ như đó cũng là tất cả những gì mà Captain Marvel làm tốt vì trên những phương diện khác phim lại trở nên mờ nhạt.

1. Lãng phí nhân vật Carol Danvers

Một trong những điều đáng tiếc mà Captain Marvel mắc phải: lãng phí những nhân vật quan trọng. Thực ra đây không phải lần đầu, các fan cứng của truyện tranh Marvel đã nhiều lần kêu gọi tẩy chai khi Marvel Studio thể hiện các siêu phản diện một cách nghèo nàn và quá kém cỏi so với nguyên bản, từ một Ultron đầu voi đuôi chuột cho đến Ronan The Accuser đẳng cấp vũ trụ bị đánh bại vì trò múa may "dance-off" của Star Lord.

Có khác chăng là lần này Marvel Studio đã lặp lại sai lầm đó trên một nhân vật chính là Captain Marvel - nữ phi công không lực Hoa Kỳ Carol Danvers. Chính xác thì Captain Marvel không phải là một phim giải thích câu chuyện về nguồn gốc của nhân vật (origin story) như cách mà nhà sản xuất đã từng làm với Captain America.


Nữ phi công Carol Danvers.

Carol Danvers trong phim được khán giả tiếp cận thông qua những mảnh ghép gồm các cảnh hồi tưởng (flashback) rất rời rạc và thiếu thốn chi tiết, không hề xứng đáng với một nhân vật có vị thế quan trọng trong nguyên bản truyện tranh. Đứng trên góc nhìn của một người yêu comic, đây rõ ràng là một sự "ngược đãi" có chủ đích.


Câu chuyện về cuộc đời Carol Danvers là những mảnh ghép rời rạc.

Nếu bạn là người đã đọc qua truyện hoặc ít nhất có tìm hiểu đôi chút về thân thế của Carol Danvers thì hẳn sẽ phải đồng tình khi Indiewire - một nguồn tin uy tín về phim ảnh nhận xét như sau:

"Một sự xuất hiện đầy thất vọng của Carol Danvers"

Sau khi bước ra khỏi rạp sau buổi chiếu sớm, nhà phê bình David Ehrlich của Indiewire đã so sánh chút ít với Wonder Woman:

"Không giống như Wonder Woman, Captain Marvel chỉ gợi mở cho chúng ta từng chút một về thân thế của cô ta xuyên suốt bộ phim. Đây là một cách hay để dẫn dắt nhưng đôi lúc phản tác và dụng đánh mất lợi thế khi cứ khiến khản giả phải tuyệt vọng để chờ đợi xem thực chất cô ta là như thế nào..."


Nhân vật Carol Danvers không thực sự được xây dựng một cách bài bản.

Như vậy, rõ ràng việc không xây dựng một cốt truyện giải thích nguồn gốc nhân vật rõ ràng phần nào đã khiến các nhà phê bình cảm thấy khó chịu vì nó làm bộ phim trở nên rời rạc không đáng có và thiếu sự mạch lạc để khán giả đại chúng có thể nắm bắt dễ dàng.

Quả thật, như vậy là không công bằng với một nhân vật nữ chính mang tính biểu tượng của Marvel trong lần debut mà lẽ ra phải thật bài bản. Captain Marvel mang danh nghĩa là một phim riêng tuy nhiên bản chất lại là một phim được dùng để củng cố và phụ họa cho việc phát triển MCU sau này thông qua việc tái hiện xung đột giữa hai giống loài ngoài hành tinh: Kree và Skrull.


Bối cảnh cuộc chiến Kree - Skrull được khai thác để đặt nền tảng cho MCU.

Còn Carol Danvers? Rất tiếc cô chỉ là một trong những nhân vật tham gia cuộc chiến đó mà thôi. Đặc điểm về tính cách của Carol không hề được xây dựng đặc sắc như mong đợi.

2. Điểm sáng: nhân vật phụ Nick Fury, chú mèo vàng và 2 after credit


Nick Fury thời trẻ.

Nhiều review tốt về phim chủ yếu tập trung vào các nhân vật phụ. Ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ của một vai hài hước, vui nhưng không nhảm, Nick Fury lần này xuất hiện trẻ trung hơn nhờ công nghệ CGI, lúc này ông ta vẫn còn đủ hai mắt trước khi một sự cố hi hữu xảy ra. Không chỉ vậy, đặc vụ Phil Coulson của series Agents of S.H.I.E.L.D cũng góp mặt.


Nick Fury "già" tan biến trong phần Infinity War.

Trước khi phim chiếu đã có nhiều nguồn tin xác nhận là chú mèo Goose sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nắm giữ nhân tố thiết yếu để đánh lại bạo chúa Thanos trong Avengers: Engame được cài cắm trong after credit chờ các bạn khám phá. Theo nguyên tác, mèo Goose là sinh vật ngoài hành tinh thuộc một giống loài có tên Flerken, nó sở hữu những năng lực liên quan "không - thời gian", ví dụ mở một cánh cổng đi đến các thế giới khác nhau.


Như các bạn đã biết, yếu tố không - thời gian được khai thác triệt để trong Avengers: Infinity War khi Thanos lấy được viên đá vô cực quan trọng nhất - Soul Stone ở một thế giới khác, ông ta cũng bị rơi vào một thế giới lạ lùng sau khi thực hiện "cú búng tay". Kế đó, Ant-Man bị lạc trong Quantum Realm, cũng là một thế giới khác có khả năng nằm ngoài tác động của những viên đá vô cực. Hãy xem tất cả những chi tiết này sẽ liên kết với nhau như thế nào bởi các nhân vật phụ tưởng chừng như chỉ xuất hiện vì mục đích giải trí!

3. Khởi đầu khó khăn

Quả thật rất tiếc cho Captain Marvel khi những gì cốt yếu mà khán giả mong chờ ở phim đã không được thể hiện như kỳ vọng, ngược lại những điểm nhấn lại nằm ở các yếu tố phụ.


Hiện tại, sau 2 ngày với những suất chiếu sớm, rating của phim đang tuột dốc thê thảm trên IMDb (trong khi Rotten Tomatoes đã khóa một vài chức năng để tránh người dùng review xấu). Có hơn 13 nghìn lượt chấm điểm nhưng đa phần lại là 1 sao, chiếm đa số trên trên thang điểm 10 của IMDB, quả thật đây là một khởi đầu nhọc nhằn cho Captain Marvel.