Bộ phim điện ảnh "Cậu Vàng", lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao được cố NSND Bùi Cường, người từng thủ vai "Chí Phèo" trong bộ phim "Làng Vũ Đại Ngày Ấy" chấp bút nhằm tri ân nhà văn Nam Cao.
Để thực hiện tâm nguyện còn dang dở của bố vợ, đạo diễn Trần Vũ Thủy và ê kíp tiếp tục thực hiện bộ phim này. Sau First Look đầy ấn tượng hé lộ những thước phim đầu tiên, NSX tiếp tục tung ra teaser trailer, teaser poster khiến người xem rất thích thú về diễn xuất của chú chó Vàng.
Cậu Vàng | TEASER TRAILER |
Bi kịch, sự khốn khổ của Lão Hạc
Sau first look được trình làng vào kỷ niệm ngày sinh của cố nhà văn Nam Cao với hình ảnh đầy thơ mộng, yên bình ở làng quê thì teaser lần này là những phân cảnh giàu tính cảm xúc và nhiều kịch tính cao trào hơn cho người xem thấy được cảnh yên bình, hạnh phúc ấy dường như chỉ là một điều mong ước của Lão Hạc cho gia đình mình.
Nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm của Nam Cao hay là Lão Hạc trong phiên bản điện ảnh " Cậu Vàng " mà cố NSND Bùi Cường chấp bút không thể thoát được sự nghèo khổ, héo mòn – nhân vật đại diện cho tầng lớp nông dân thấp cổ bé họng ở thời bấy giờ.
"Cậu Vàng" như là nơi duy nhất mà lão Hạc có thể tựa vào. Hai "ông cháu" quây quần bên nhau sớm hôm, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, cùng khóc, cùng cười, cùng đối mặt, đánh đuổi bè lũ "cường hào ác bá".
Tình yêu thương mà lão dành cho cậu Vàng không chỉ riêng phần mình mà cho cả thằng Cò. Bởi, cậu là kỷ vật duy nhất mà con trai lão để lại. Nhưng, vì cái đói, cái nghèo đã đẩy con người đến sự tận cùng của cái khổ và một khoảnh khắc đã khiến Lão Hạc bán "cháu" của mình.
Teaser cũng không quên thể hiện tính lương thiện, yêu thương động vật, không nỡ xa rời cậu Vàng. Điều cuối cùng mà lão làm được cho cậu là "Cho nó ăn no đã rồi hãy bắt".
Không con, không "cháu" bên cạnh, Lão Hạc trở thành kẻ cô đơn trong cái xã hội đầy rẫy sự bất công, bóc lột. Trong cái xã hội mà có Bá Kiến - một cường hào, ác bá với đầy sự mưu mô, nham hiểm "nắm trùm" luôn chực chờ tìm mọi cách để chà đạp, vơ vét hết của người nông dân nghèo. Và Bá Kiến không chỉ áp bức lão Hạc mà cả con chó, hắn cũng không tha.
Cậu Vàng – chú chó mạnh mẽ phản kháng, bảo vệ bản thân
Đạo diễn Trần Vũ Thủy đã chia sẻ: "Tôi chọn chú chó này để thể hiện vai cậu Vàng trong phim là bởi vì chú có tố chất diễn xuất, thích nghi được với hoàn cảnh và không khí của đoàn phim… Đặc biệt ánh mắt của chú như biết nói, nó thể hiện được cái tinh thần mà tôi muốn truyền tải".
Ở tác phẩm điện ảnh "Cậu Vàng", cố NSND Bùi Cường đã thổi thêm sức mạnh cho cậu Vàng, cho cậu thêm sự mạnh mẽ, phản kháng, bảo vệ bản thân mình và cho cả lão Hạc. Những pha hành động của chú chó Vàng trong teaser khiến người xem phải vỡ òa thán phục khi nhảy từ trên cao xuống, một mình "chiến đấu" lại với đàn trâu đang phá mảnh vườn của Lão Hạc, bị những kẻ ác săn bắt....
"Cậu Vàng" được lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học của cố nhà văn Nam Cao, phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam lấy một chú chó làm một trong những nhân vật trung tâm và là đường dây, điểm sáng xuyên suốt. "Cậu Vàng" do chính cố NSND Bùi Cường – người được biết đến với vai diễn Chí Phèo trong bộ phim kinh điển "Làng Vũ Đại Ngày Ấy "- chắp bút nhằm tưởng nhớ, tri ân cố nhà văn Nam Cao. Dự án phim này là tâm nguyện lúc cuối đời của cố NSND Bùi Cường.
Đôi nét về cố nhà văn Nam Cao:
Nhà văn Nam Cao (29/10/1915 – 5/11/1951) tên thật là Trần Hữu Tri. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang nay thuộc Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam. Học xong thành chung, Nam Cao bôn ba nhiều nơi nhưng bệnh tật đã đẩy ông về quê. Từ đó, Nam Cao sống chật vật bằng nghề dạy học và viết văn. Sau Cách mạng, với tư cách phóng viên – Nam Cao có mặt trong đoàn quân Nam tiến, rồi lên chiến khu Việt Bắc làm công tác văn nghệ. Cuối tháng 11 – 1951, trên đường đi công tác vào vùng địch tạm chiếm, Nam Cao anh dũng hy sinh tại làng Vũ Đại, huyện Gia Viễn, Ninh Bình khi tài năng đang tỏa sáng.Đôi nét về cố nhà văn Nam Cao:
Ông là cây bút xuất sắc của dòng văn học hiện thực (1940-1945), là người đi tiên phong trong việc xây dựng nền văn học mới. Nam Cao được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1, 1996)
Đôi nét về cố NSND Bùi Cường:
Bùi Cường (1945-2018) sinh ra tại Hà Nội. Trước khi đến với điện ảnh, ông đã tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật Điện và từng làm việc tại Xí nghiệp điện Tam Quang (Sở Công nghiệp Hà Nội). Trong thời gian ở đây, ông đã tham gia đội kịch công nhân thành phố và đã từng đoạt Huy chương Vàng với vở diễn Anh Tư.
Năm 25 tuổi ông trúng tuyển lớp diễn viên khóa II của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh chung khóa với: NSND Đào Bá Sơn, NSND Minh Châu, NSƯT Quốc Trọng, NSƯT Thanh Quý...
Vai diễn "Chí Phèo" đã giúp cố NSND Bùi Cường thật sự tạo một dấu ấn lớn trong tâm trí khán giả. "Chí Phèo" Bùi Cường cũng đã trở thành hình mẫu cho các thế hệ diễn viên trẻ.
Sau này, cố NSND Bùi Cường trở thành đạo diễn của gần 80 bộ phim truyền hình, trong đó bộ phim "Ông tướng tình báo và hai bà vợ" dài 29 tập được trao Huy chương vàng tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc. Và cũng đã giúp ông có một vị trí vững chắc trong lòng người hâm mộ với vai trò đạo diễn.