Nhắc đến những bộ phim truyền hình vang bóng một thời như "Những nẻo đường phù sa", "Ba người đàn ông", "Bình minh châu thổ",... không thể không nhắc đến đôi tay tài hoa của đạo diễn Trần Ngọc Phong. Đến nay, gia tài nghệ thuật của ông lên đến 10 phim điện ảnh và hàng chục phim ngắn, phim truyền hình nhiều tập. Ông cũng là người được ban giám đốc Hãng phim Giải phóng chọn mặt gửi vàng thực hiện tác phẩm đặt hàng của nhà nước trong năm 2020.
MC Quyền Linh
Tại tập 11 chương trình Du hành ký ức, MC Quyền Linh vẫn nhớ mồn một một thời đóng phim "Những nẻo đường phù sa" của đạo diễn Trần Ngọc Phong: "Tôi với anh Phong có những ký ức không thể nào quên trong bộ phim. ‘Bà Thư quê ở Tây Đô; làm phim 30 tập Những nẻo đường phù sa; tập đầu mỗi người một triệu ba; tập 33 còn lại ba trăm ba mươi ba ngàn’. Bộ phim đó quay ngày đêm 35 ngày. Có một phân cảnh đánh nhau tập hoài không được, tôi bảo các anh cho đánh thiệt luôn chứ tập hoài chắc tôi chết. Lúc đó một mình tôi đánh 30 người, đánh hồi máu me y như thiệt, ra sức đầu mà cảnh đó rất tuyệt vời". Khi nhắc lại, nam đạo diễn cũng phải cười giòn trước sự "máu lửa" ngày đó của cả hai.
Nam MC còn đặc biệt gợi lại ngày cùng đạo diễn Trần Ngọc Phong, ca sĩ Phương Thanh đẩy 2 cái giường lại thành sân khấu, mở thành một liveshow hát đến 60 bài. Những hồi ức đó dù đã cũ nhưng khi nhắc lại tại Du hành ký ức vẫn trọn vẹn cảm xúc bồi hồi như ngày nào.
Đạo diễn Trần Ngọc Phong
Cũng tại chương trình, đạo diễn Trần Ngọc Phong tiết lộ với MC Quyền Linh cái duyên nghệ thuật ngấm vào cuộc đời ông cứ như định mệnh. Từ nhỏ, bản thân ông đã có niềm yêu thích với phim ảnh ngay từ nhỏ, bất chấp hoàn cảnh chiến tranh đầy khó khăn. Ông nhắc lại: "Một buổi chiếu phim hơn một tiếng có thể báo động đến 3 lần, mọi người phải chạy xuống hào giao thông trốn. Máy bay địch bay xa thì quay trở lại coi tiếp. Một bộ phim chiếu chỗ nào tôi cũng đến xem, dù cách mười mấy cây số hay xem tới mười lần".
Tới giai đoạn chiến tranh biên giới phía Bắc, đạo diễn Trần Ngọc Phong nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc tổng động viên và xung phong đi bộ đội. Ông trải qua 10 năm huấn luyện, học sĩ quan, tốt nghiệp xong về dạy tại trường Sĩ quan quân khu 7.
Sau, đạo diễn Trần Ngọc Phong được giới thiệu vô Xí nghiệp phim tổng hợp (hãng phim Giải phóng bây giờ) theo đúng nguyện vọng. Từ Đại uý, ông chấp nhận bị hạ 3 bậc lương để bắt đầu đam mê làm phim ảnh bằng vị trí tổ phó bảo vệ, chỉ để được làm tại đây. Sau may mắn được trợ lý phòng tổ chức cất nhắc vào phòng biên tập vì không muốn uổng phí nhân tài. Tuy nhiên, do áp lực trước những biên tập gạo cội, ông đổi hướng xin theo đoàn phim ở vị trí kịch vụ (chịu trách nhiệm đi đưa giấy mời tận nhà cho diễn viên) - cái nghề mà theo MC Quyền Linh là nghề khó nhất, căng thẳng nhất.
Nhanh chóng, ông sớm có cơ hội tỏa sáng. Nam đạo diễn nhắc lại hoàn cảnh lúc đó đang trong một đại cảnh mà thiếu sự chỉ đạo của phó đạo diễn. Ông nắm bắt thời cơ đứng vào vị trí cầm loa điều khiển. Sau cảnh đó, đạo diễn ngạc nhiên phải thốt lên "sao có thằng kịch vụ mà điều binh khiển tướng hay quá" và đề nghị cho vào tổ đạo diễn.
Đường sự nghiệp nghệ thuật của đạo diễn "Những nẻo đường phù sa" cũng khởi sắc từ đó. Sau bộ phim ông được làm phó đạo diễn cho hầu hết các đạo diễn thuộc Hãng phim Giải phóng. Sau này đạo diễn Trần Ngọc Phong học thêm các lớp đào tạo, 7 năm sau trở thành đạo diễn.
Để hành trình ngược dòng thời gian thêm phần cảm xúc, MC Quyền Linh lần lượt mở ra những món quà khiến đạo diễn Trần Ngọc Phong đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trong đó phải kể đến cuốn sách gối đầu giường của hàng triệu thanh niên ngày ấy "Thép đã tôi thế đấy", dòng thơ sáng tác cho cô bạn từ năm lớp 10 sau 40 năm vẫn nhớ mang những rung động đời đầu; chiếc xe đạp cũ và đặc biệt là món bún đích thân vợ nấu gửi vào tận phim trường.
Khép lại hành trình du hành ký ức của đạo diễn Trần Ngọc Phong, không chỉ MC, nghệ sĩ khách mời mà cả khán giả cũng được làm sống động lại những hồi ức tưởng chừng đã bị lãng quên.