Một khoảnh khắc đớn đau trong Avengers: Endgame là khi Natasha Romanoff / Black Widow (Scarlett Johansson) hy sinh tính mạng để đổi lấy Viên đá Vô cực Linh hồn tại hành tinh Vormir. Sự ra đi của cô đã khiến tinh thần của nhiều thành viên bị suy sụp, dù tất cả đều hiểu sự đánh đổi ấy giúp họ có thêm một cơ hội đưa tất cả những ai đã tan biến trở về.
Trong cơn dâng trào cảm xúc khi chứng kiến cảnh tượng ấy trên màn ảnh, chắc chắn phần lớn khán giả đã bỏ qua một chi tiết đắt giá được cài cắm trong cách năm thành viên còn lại của “bộ 6 nguyên bản” đối mặt với nỗi đau quá lớn ập xuống cuộc đời họ.
Một người hâm mộ Marvel đã chỉ ra trong một bài đăng trên Reddit rằng mỗi thành viên của Avengers trong trường đoạn ấy đại diện cho một trong 5 giai đoạn của quá trình con người đối mặt với nỗi mất mát: chối bỏ, giận dữ, thương lượng, trầm uất và chấp nhận.
Hulk (Mark Ruffalo) tượng trưng cho sự giận dữ - anh cố gắng giải tỏa cảm xúc bằng cách ném ghế qua hồ. Thor (Chris Hemsworth) chối bỏ sự thật và nói về việc hồi sinh Natasha bằng những viên đá. Anh cũng là người đã hỏi đồng đội rằng: “Tại sao chúng ta lại hành xử như thể cô ấy đã chết rồi vậy?”.
Trong khi đó, là người đã chứng kiến và tham gia sự kiện từ đầu tới cuối, cũng là người mang viên đá trở về, Clint (Jeremy Renner) tượng trưng cho sự chấp nhận. Anh đáp lại ý tưởng của Thor bằng lời thừa nhận buồn bã rằng: “Cái chết không thể bị đảo ngược”.
Về phần Tony Stark (Robert Downey Jr.) và Steve Rogers (Chris Evans), họ lần lượt tương ứng với giai đoạn trầm uất và thương lượng. Người Sắt hầu như không nói gì trong suốt trường đoạn nhóm Avengers tụ họp sau cái chết của Natasha; còn Captain America thề rằng anh sẽ không để cô hy sinh vô ích.
Tuy nhiên, nếu nhìn cảnh phim theo một hệ quy chiếu khác, khán giả sẽ thấy Tony Stark mới là người chấp nhận sự đã rồi. Anh là người duy nhất hỏi liệu Natasha còn gia đình hay không, và câu trả lời không giấu được cảm xúc của Steve Rogers cho thấy anh đang ở trạng thái trầm uất.
Trong trường hợp này, Clint Burton sẽ là người vẫn đang tự thương lượng với bản thân để chấp nhận sự thật khi nói rằng đáng lẽ anh mới là người nên hy sinh. Chàng cung thủ sẵn sàng dâng mạng mình để đưa Natasha quay trở lại.
Trường đoạn kể trên không phải lần duy nhất khán giả liên tưởng các nhân vật của Avengers: Endgame với năm giai đoạn của cảm giác mất mát. Năm 2019, sau khi bộ phim khởi chiếu, người hâm mộ Marvel đã tranh luận về việc tổng thể bộ phim đã được xây dựng để khớp nối năm thành viên với năm giai đoạn của nỗi mất mát như thế nào.
Đã có nhiều tranh cãi nổ ra xung quanh việc từng thành viên của đội Avengers đại diện cho giai đoạn nào trong hành trình cảm xúc ấy, như Steve Rogers tương ứng với sự chấp nhận bởi anh đã luôn cố gắng giúp đỡ những người ở lại vượt qua nỗi đau, hay Tony Stark mới là người xứng đáng với vai trò ấy khi anh đi đến quyết định lập gia đình.
Tương tự, người hâm mộ cũng phân vân liệu Thor sẽ đại diện cho sự chối bỏ hay trầm uất khi họ nhìn vào cuộc sống đắm chìm trong bia, đồ ăn vặt và trò chơi điện tử mà anh lựa chọn ở New Asgard. Nhưng mọi người đều đồng tình rằng Clint Burton chính là sự giận dữ.
Sau trường đoạn tiếc thương cho cái chết của Natasha Romanoff, Avengers: Endgame chính thức khép lại nửa đầu mang không khí trầm mặc, u buồn. Phim dần lấy lại mạch tình tiết nhanh gọn, không quên một chút điểm nhấn hài hước để chuẩn bị tinh thần cho khán giả bước vào trận chiến quan trọng nhất MCU từ ngày khởi sinh.
Và khi Avengers: Endgame khép lại, cũng là lúc chính khán giả bắt đầu trải qua 5 giai đoạn của nỗi buồn đau và mất mát giống như các nhân vật trên màn ảnh.
(Theo Anh Phan - zing.vn)