Chuyện ít biết về Lưu Dung, Hòa Thân và Kỷ Hiểu Lam

Sau khi bộ phim Tể tướng Lưu gù và Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam lên sóng, Lưu Dung, Hòa Thân và Kỷ Hiểu Lam trở thành những cái tên quen thuộc với nhiều khán giả Việt Nam.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên17891011

Lưu Dung không phải gù bẩm sinh

Giống như trong phim Lưu Dung ngoài đời là một học giả lớn, học rộng, uyên thâm, sống qua 4 đời vua Khang Hi, Ung Chính, Càn Long, và Gia Khánh. Nhưng theo dân gian, chi tiết Lưu Dung gù, không phải là bị tật từ nhỏ mà đến năm 40 tuổi ông mới bị gù. Và chính Kỷ Hiểu Lam đã đặt cho ông biệt hiệu là Lưu la oa tử nghĩa Lưu lưng gù. Gần đây các nhà sử học cũng đã đưa ra bằng chứng cho thấy Lưu Dung không phải là người gù bẩm sinh.

Chuyện ít biết về Lưu Dung, Hòa Thân và Kỷ Hiểu Lam - 1

Nhà sử học Khương Vĩ Đường trong tác phẩm “Biệt hiệu Lưu gù” từng đưa ra lời khẳng định: “Kỳ thực Lưu Dung không phải là người gù bẩm sinh!”.

Khảo cứu những tư liệu lịch sử liên quan đến thi cử của Thanh triều, Khương Vĩ Đường đưa ra luận cứ: “Thời nhà Thanh có tiêu chuẩn tuyển chọn quan lại dựa trên “Thân, ngôn, thư, pháp”.

Theo đó, người muốn tiến quan không phải cứ thi đỗ là được, mà còn phải trải qua một cuộc sát hạch được đề ra theo bốn tiêu chí này.

Căn cứ vào các tiêu chuẩn trên, ta có thể thấy yếu tố “thân” được đưa lên hàng đầu. Người muốn làm quan phải có mặt mũi dễ nhìn, dáng vẻ khí khái. Tể tướng Lưu Dung năm xưa từng thuận lợi tiến vào chốn quan trường, ắt không thể là một người gù bẩm sinh.

Một số nguồn tư liệu khác còn khẳng định, Lưu Dung sinh thời vốn không phải là người thấp lùn, thậm chí còn sở hữu vóc dáng cao lớn, nhưng vì ham đọc sách đến nỗi lưng còng, nên mọi người mới gọi vui là “Lưu gù”.

Nữ sĩ Lưu Cẩm – con cháu của gia tộc họ Lưu từng cho biết: vào năm 1958, mộ của Lưu Dung và cha là Lưu Thống Huân vô tình bị khai quật.

Người dân địa phương khi ấy tận mắt nhìn thấy di cốt của ông đều khẳng định: “Xương chân đặc biệt dài, dựa vào khung xương có thể áng chừng chiều cao của Lưu Dung lên tới… 1m90!”.

Lưu Dung (1719-1805), tự là Sùng Như,hiệu là Thạch quê ở thôn Bàng Qua Trang, trấn Chú Câu (nay là thị xã Cao Mật), Như Thành, Sơn Đông, Trung Quốc. Ông là con trai của Đại học sĩ Lưu Thống Huân. Ông đỗ Tiến sĩ năm 32 tuổi. Sau khi đỗ Tiến sĩ thì làm quan địa phương ở nhiều tỉnh, và sau này giữ chức quan cao nhất là Đại học sĩ Thể Nhân các, Thái tử Thái bảo. Ông không những là nhà chính trị nổi tiếng, mà còn là nhà thư pháp và nhà thơ, thư pháp của ông đường nét rắn khỏe, nét bút có hồn đẹp mắt và độc đáo, trở thành phong cách rất riêng của mình và nổi tiếng thiên hạ.

Dù nổi tiếng là công chính liêm minh, sở học kỳ tài, hết lòng vì giang sơn nhà Thanh nhưng đôi lúc vì quá thẳng thắn mà làm cho vua Càn Long nổi giận, cũng chính vì thế mà nhiều lần bị cách chức, mà địa vị ban đầu cũng không bằng Hoà Thân.

Kỷ Hiểu Lam tướng mạo xấu xí còn mắc tật nói lắp

Chuyện ít biết về Lưu Dung, Hòa Thân và Kỷ Hiểu Lam - 2

Tạo hình Kỷ Hiểu Lam (phải) trên phim.

Kỷ Hiểu Lam tên thật Kỷ Quân (1724-1805), tự là Hiểu Lam và Xuân Phàm. Ông là một danh sĩ nổi tiếng và quan lại đời nhà Thanh, trong lịch sử Trung Quốc.

Ông giữ chức tổng biên tập “Tứ khố toàn thư”, một công trình biên soạn sách nổi tiếng dưới thời Càn Long. Không những thế, ông còn nổi tiếng là một phong lưu tài tử và là một con người đa tài với trình độ học vấn vô cùng uyên bác. Ngoài ra, ông còn là tác giả của cuốn Duyệt Vi thảo đường bút ký, là một trong những tác phẩm nổi tiếng đương thời.

Tuy là người có tài nhưng theo sử sách ghi chép lại, Kỷ Hiểu Lam sở hữu ngoại hình "mạo tẩm đoản thị". Trong đó, "tẩm" là từ dùng để chỉ tướng mạo xấu xí. "Đoản thị" là cách gọi khác của mắt cận.

Không chỉ vậy, vị quan họ Kỷ này còn mắc tật nói lắp. Chính những đặc điểm sinh lý khiếm khuyết trên đã khiến Càn Long cả đời "bằng mặt không bằng lòng" với Kỷ Hiểu Lam. Điều này cũng khiến cho ông không được Hoàng đế quá tín nhiệm.

Vận mệnh quan trường của Kỷ Hiểu Lam hoàn toàn do Càn Long nắm giữ. Nổi tiếng là bậc minh chủ, nhưng vị Hoàng đế này lại sở hữu những sở thích và tiêu chuẩn khác người. Theo đó, Càn Long lúc sinh thời chỉ thích những người tỉnh táo, nhanh nhẹn, thông minh, giỏi giang, và đặc biệt là phải sở hữu ngoại hình trẻ đẹp.

Những sủng thần, trọng thần của ông như Hòa Thân, Vương Kiệt, Vu Mẫn Trung, Lương Quốc Trì đều từng là những "mỹ nam tử" nổi tiếng một thời. Bởi vậy, ngay cả khi sở hữu tài năng hơn người, Kỷ Hiểu Lam vẫn phải "chào thua" tiêu chuẩn về ngoại hình của Hoàng đế. 

Hòa Thân tinh thông nhiều thứ tiếng

Chuyện ít biết về Lưu Dung, Hòa Thân và Kỷ Hiểu Lam - 3

Tạo hình Hòa Thân (trái) trên phim.

Hòa Thân (1750-1799) là một vị quan đại thần của triều Mãn Thanh thời vua Càn Long. Xuất thân là một công tử Mãn Châu, khi 10 tuổi ông được đưa vào cung học. Khi mới gia nhập triều đình, Hòa Thân giữ chức vụ thị vệ. Sau được vua Càn Long sủng ái cùng với năng lực bản thân, Hòa Thân đã giữ nhiều trọng trách trong triều đình.

Thuở nhỏ Hòa Thân được theo học tại Hàm An cung. Khi còn đi học, Hòa Thân đã bộc lộ sự vượt trội hơn hẳn so với các bạn học cùng xuất thân Bát kỳ khác. Năm lên 10 tuổi, ông đã bắt đầu học cách bắt chước kiểu chữ của Càn Long để sau này khi viết tấu chương có thể lấy được thiện cảm từ Hoàng đế.

Nhờ tinh thông bốn thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh, nên ông được hai thầy giáo là Ngô Tỉnh Khâm và Ngô Tỉnh Lang rất mực yêu mến.

Khi mới gia nhập triều đình, năm 22 tuổi, Hòa Thân giữ chức vị Thị vệ. Tuy còn trẻ nhưng Hòa Thân đã sớm có năng lực làm việc cũng như các đóng góp cho triều đình. Nhờ học thuộc Luận Ngữ, Hòa Thân đã trở thành thị vệ duy nhất có thể đàm đạo cùng Càn Long.

Có lần, nhà vua thuận miệng dẫn một câu trong Luận Ngữ để biểu đạt ý trách cứ với quần thần. Khi đó, một thị vệ tuấn tú đã tiếp lời ông. Không chỉ hiểu ý Càn Long, thị vệ kia còn đưa ra một câu trả lời khiến Hoàng đế vô cùng hài lòng. Đó không ai khác chính là Hòa Thân. Từ đó về sau, Càn Long đã bắt đầu để mắt và thích đàm đạo cùng người thị vệ họ Hòa này.

Ban đầu, Hòa Thân vô cùng hăng hái và nhiệt huyết, một lòng muốn làm một vị quan tốt, thậm chí là một vị quan thanh liêm, chính tích xuất sắc.

Sau này, được bảo đảm bởi sự ưu ái của Càn Long, Hòa Thân được thăng tiến dần lên các chức hàm quan trọng trong triều đình như: Đại học sĩ, Quân cơ đại thần, Cửu môn đề đốc. Khi nắm quyền cao chức trọng trong tay, Hòa Thân đã làm loạn chốn quan trường. Trong những năm tháng làm quan, Hòa Thân đã vơ vét và thao túng, ăn hối lộ, tham nhũng của cải của nhà nước.

Hòa Thân làm quan tổng cộng 30 năm, cho đến cuối đời, khi Càn Long vừa mới băng hà chưa đầy nửa tháng thì Hòa Thân bị hoàng đế Gia Khánh vừa kế vị ban cho cái chết, kết thúc một cuộc đời huyền thoại.

Sau khi Hòa Thân chết, toàn bộ tài sản của ông đều bị tịch thu, sung công. Nhờ chuyện này mà quốc khố nhà Thanh trở nên giàu có. Dân gian bởi thế mới có câu: “Hòa Thân ngã ngựa, Gia Khánh ăn no”.